TĐKT - Thuế và Hải quan là hai lĩnh vực quan trọng, có tác động lớn đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Hiệu quả từ cải cách thuế, hải quan hiện nay là vấn đề vô cùng cần thiết.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại bộ phận một cửa
Nhờ những nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan nên số thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 của ngành Thuế đạt 1.019.041 tỷ đồng (bằng 105,2% dự toán); ngành Hải quan đạt 297.082 tỷ đồng (tăng 5,04% so với năm 2016). Hai ngành này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 560.000 doanh nghiệp, lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Bình quân giai đoạn 2012 – 2017, mỗi năm khu vực này thu hút thêm 15,2% nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, thu hút hơn 14 triệu lao động. Năm 2017, riêng khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 32,3% cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Và một điểm đáng chú ý, trong 3 năm liên tiếp (2014 - 2016), Bộ Tài chính luôn được xếp thứ 2 trong bảng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Nam cho biết: Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp thực hiện lộ trình cải cách thủ tục hành chính, nhất là việc kê khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử, qua đó tạo thuận lợi cho người nộp thuế và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Việc đưa dịch vụ nộp thuế điện tử đến với cộng đồng doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần đơn giản hóa thủ tục giấy tờ khi thực hiện nghĩa vụ thuế, xử lý thông tin nộp thuế nhanh chóng, chính xác, đa dạng hóa các kênh thu NSNN.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết: Để đạt hiệu quả trong thời gian tới thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải cải cách, phối hợp chẽ với cơ quan Thuế và Hải quan địa phương để phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực thi pháp luật để được hướng dẫn, tháo gỡ.
Song song với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội trong việc chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ nghiên cứu, nắm chắc các quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu để không bị động khi làm thủ tục nhập khẩu. Đồng thời, hưởng ứng và hợp tác để thực hiện các giải pháp mà các cục hải quan đã đưa ra nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan.
Để đạt được kết quả cao, Bộ Tài chính sẽ đưa ra các giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật về cải cách thủ tục hành chính, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế và hải quan.
Thứ hai, nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý thuế theo hướng đổi mới phương thức quản lý thuế, đảm bảo mục tiêu kiểm soát tốt các nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế trên cơ sở áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, cơ sở tính thuế.
Thứ ba, sớm hoàn thiện thể chế quản lý tài chính doanh nghiệp và minh bạch thông tin tài chính doanh nghiệp của khu vực ngoài quốc doanh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả ngành thuế và hải quan. Đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, đề nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét, thu gọn Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, chi tiết tên hàng, có mã số hồ sơ và có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để kiểm tra, tránh sự chồng chéo giữa các bộ; tránh việc một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều bộ gây mất thời gian, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Hơn hết, cần phải có cơ chế lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp nhiều hơn nữa, đặc biệt tăng cường đối thoại, trao đổi trực tiếp, đề cao vai trò người đứng đầu các đơn vị thuế nhằm rút dần khoảng cách giữa cơ quan quản lý về thuế, hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội.
La Giang