Cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện đổi mới và phát triển doanh nghiệp
18/06/2019 - 16:08

TĐKT - Sáng 18/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Diễn đàn Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Chương trình được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn đa chiều, thảo luận về tình hình kinh tế và phát triển kinh doanh trên thế giới và Việt Nam. Đây là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế và định hướng cho những năm tiếp theo; thảo luận và đối thoại về những nhu cầu, những vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Diễn đàn Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS. TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận định: Phát triển doanh nghiệp là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và thịnh vượng trong mỗi nền kinh tế. Mức độ năng động của khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự có chất lượng, hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh công bằng thì những quy định đó chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong suốt chặng đường phát triển, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm và không ngừng cải thiện môi trường pháp quy. Luật Doanh nghiệp năm 2000 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã phát triển nhanh chóng và tạo bước đột phá, số các doanh nghiệp đang hoạt động đã tăng hơn 13,3 lần trong giai đoạn 2000 - 2015 và vào năm 2018, tổng số doanh nghiệp đã đạt trên 700 nghìn doanh nghiệp, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Đây là một bộ phận quan trọng của xã hội, tạo ra công ăn, việc làm, sản xuất ra của cải, vật chất và có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước.

Bên cạnh những kết quả trong đổi mới và phát triển doanh nghiệp, phải thừa nhận rằng phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước còn có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế.

Diễn đàn được xây dựng gồm 2 phần: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và phát triển; phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số. Tại Diễn đàn, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau phân tích, làm rõ nhiều nội dung đáng quan tâm: Bức tranh toàn cảnh về phát triển doanh nghiệp; cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế mới; vai trò của chính phủ đối với việc phát triển doanh nghiệp hiện nay; định hướng phát triển doanh nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập; chính sách và môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực trạng đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng: Hoạt động cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ. Trước những cơ hội và thách thức do nền kinh tế số mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn. Đồng thời, nghiên cứu một cách bài bản, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Phương Thanh - Mai Thảo