TĐKT - Theo thông tin từ Bộ Tài chính, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020.
Thống kê kết quả công tác thu NSNN tháng 9 đạt 72,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 55,1 nghìn tỷ đồng. Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, số thu nội địa tháng 9 tiếp tục giảm mạnh (giảm khoảng 11 nghìn tỷ đồng so với tháng 8).
Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác thu chi ngân sách
Khoản thu từ dầu thô đạt 3,7 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 9, giá dầu Brent thế giới tăng cao (hiện dao động ở mức 74-77 USD/thùng). Giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam đạt khoảng 72,3 USD/thùng, tăng 27,3 USD/thùng so giá dự toán.
Về công tác thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 25,59 nghìn tỷ đồng, giảm 2,8 nghìn tỷ đồng so với tháng 8; sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối ngân sách là 13,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết ngày 30/9/2021, lũy kế thu NSNN 9 tháng đạt 1.084,7 nghìn tỷ đồng, bằng 80,75% dự toán, tăng 10,75% so với cùng kỳ năm 2020 (Ngân sách Trung ương (NSTW) ước đạt 76,82% dự toán; ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 85,56% dự toán).
Trong đó, thu nội địa đạt 878,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định các đề nghị gia hạn thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 78,5 nghìn tỷ đồng (trong đó số thuế được gia hạn đã nộp NSNN là 36,2 nghìn tỷ đồng).
Đối với khoản thu từ dầu thô, lũy kế 9 tháng đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, bằng 126,64% dự toán.
Tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 116,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 9 tháng ước đạt 1.030,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 218,55 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán; chi thường xuyên đạt gần 725,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả NSTW và NSĐP đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ước tính đến hết tháng 9, NSNN đã chi 29,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid-19, trong đó, chi cho phòng, chống dịch là 19,7 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 9,4 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 là 5,2 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung 2.199 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSTW năm 2021 mua bù gạo dự trữ quốc gia, đã xuất cấp để viện trợ, cứu trợ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 9 tháng có thặng dư. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Lũy kế đến hết tháng 9/2021 đã thực hiện phát hành được 237,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,21 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.
Trong quý IV, Bộ Tài chính đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế theo tinh thần Nghị quyết số 02-2021/NQ-CP của Chính phủ; triển khai các phương án giải quyết thủ tục hải quan trong những trường hợp diễn biến đặc biệt phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
La Giang