Bộ Tài chính thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành
16/07/2019 - 15:25

TĐKT - 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành đã được Đảng và Nhà nước giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), 6 tháng đầu năm có 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; tiến độ thu từ tháng 5 đến nay tuy có cao hơn cùng kỳ nhưng có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn so với mức bình quân chung tiến độ thu NSNN.

Trước thực trạng này, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính đã kịp thời đánh giá, phân tích nguyên nhân dẫn đến các khoản thu có dấu hiệu chậm lại và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Đối với vấn đề giải ngân vốn ODA, Bộ Tài chính đã tổ chức Chuyên đề với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án và 5 nhà tài trợ. Chuyên đề đã đánh giá khách quan, đưa ra các vướng mắc, trên cơ sở đó Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính Phủ. Bộ Tài chính cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ rất kịp thời của các bộ, ngành và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như điều chỉnh dự án đầu tư; những vấn đề bố trí dự toán và điều chỉnh dự toán giải ngân vốn ODA.

Theo đó, trong quy định hiện nay và theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa nhà nước còn chậm.

Về phía mình, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ về cơ chế chính sách, thời gian qua đã có bước hoàn thiện khá đồng bộ và đã giải quyết được nhiều khó khăn vướng mắc trong cổ phần hóa.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp là nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải thực hiện. Vấn đề khó và vướng về đất đai trong cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước lớn thì phải có sự xác định của địa phương, của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp Trung ương, Bộ Tài chính là cơ quan tổng hợp để phê duyệt các phương án trong các hồ sơ.

 Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính đang rà soát, đánh giá và kiến nghị Chính phủ sửa đổi các Nghị định có liên quan như Nghị định 126; Nghị định 132; Nghị định 167.

Phát huy thành tích đã đạt được, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị ngành Tài chính tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể: Một là, tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; mở rộng phạm vi hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; đẩy mạnh phối hợp thu qua ngân hàng; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Hai là, cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý thu ngân sách phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2019 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN năm 2019. Đôn đốc thu kịp thời các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ba là, các bộ, ngành, địa phương quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo dự toán. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (cả vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay nước ngoài). Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh mới nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ngoài ra, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và nguồn lực tại chỗ để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh theo quy định.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo dư nợ công trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.

Năm là, kiểm soát lạm phát năm 2019, đảm bảo tốc độ tăng CPI dưới 4%. Thực hiện tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; phát triển và nâng cao chất lượng thị trường dịch vụ tài chính; tiếp tục hoàn thiện thị trường kế toán, kiểm toán.

Sáu là, đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

Bảy là, tích cực triển khai đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; hoàn thiện khung khổ pháp lý chuyển đơn vị sự nghiệp công thành công ty cổ phần.

Tám là, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 8/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về NSNN.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Chín là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế. Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký. Chủ động đánh giá các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến thu NSNN để chủ động giải pháp điều hành.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương tập trung hướng dẫn, chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch và dự toán NSNN ở bộ, ngành, địa phương mình; bám sát mục tiêu, định hướng, yêu cầu kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 và của năm 2020 để xây dựng dự toán NSNN năm 2020 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2020 - 2022, đảm bảo tích cực, đáp ứng tốt các mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN theo đúng định hướng đã đề ra.

Hồng Thiết