TĐKT - Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thực hiện quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, năm 2022, Bộ Tài chính đã có thông báo chi phí định mức để Bộ Công Thương tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định.
Bộ Tài chính đưa ra định mức trong giá cở sở xăng dầu
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và ở mức cao, để kiềm chế tác động của giá xăng dầu tăng, nhà nước đã áp dụng triệt để các biện pháp bình ổn giá, trong đó có giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4/2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ ngày 11/7/2022. Trong bối cảnh đó, các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được rà soát, đánh giá kỹ để xem xét điều chỉnh thận trọng, tránh ảnh hướng đến giá xăng dầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu.
Qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thời gian vừa qua cho thấy, từ tháng 7/2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm; đồng thời, dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác kiểm soát lạm phát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Ngày 7/10/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 10281/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương tiếp tục thông báo điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu; đồng thời đề nghị Bộ Công Thương có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp để việc tăng chi phí định mức này không tác động làm tăng giá cơ sở tại kỳ điều hành.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Ngoài ra, hiện nay nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên. Chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống. Vì vậy, cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối, kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí.
Thời gian qua, thủ tục nhập khẩu và thông quan đối với mặt hàng xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng luôn được cơ quan Hải quan thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, thủ tục xuất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu vẫn đang được thực hiện thuận lợi. Tuy nhiên, để rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, để góp phần cho doanh nghiệp kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 3684/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính đảm bảo thông quan 24/7.
Hồng Thiết