Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2022
30/09/2022 - 20:22

TĐKT - Chiều 29/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2022 để thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình thực hiện chương trình công tác trong 9 tháng đầu năm 2022. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo thường kỳ Quý III/2022

Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng năm 2022, ông Dương Tiến Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN cho biết, tổng thu NSNN 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ), riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 83,3% dự toán, tăng 14,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,7% dự toán, tăng 5,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 87,2% dự toán, tăng 18,9%; thu từ dầu thô đạt 213% dự toán, tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, tăng 22,1%. Tuy nhiên, vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59%).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, hiện có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Phát biểu làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mục tiêu của Chính phủ vẫn là nhất quán để thực thi các giải pháp nhằm hướng tới hoàn thành nhiệm vụ về chỉ tiêu lạm phát đề ra hàng năm. 9 tháng vừa qua, chúng ta đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn, nên nhiệm vụ và các giải pháp để kiểm soát lạm phát luôn nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Trong đó, các bộ ngành tập trung nguồn lực, trí lực để đề ra các giải pháp đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng...

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng nhắc đến các giải pháp chính sách tài khóa, thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế cho người tiêu dùng, giảm thuế xăng dầu hỗ trợ sản xuất và người tiêu dùng. Bộ Tài chính luôn chủ động xây dựng sẵn các kịch bản, không chỉ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, để ứng phó kịp thời, giữ giá các mặt hàng chiến lược.

Thứ trưởng cũng lưu ý, thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức, do đó chúng ta không thể chủ quan, điều hành nhịp nhàng chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lạm phát.

Hồng Thiết