Trong đó, thu nội địa tháng 8 uớc đạt 59,76 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 30,9 nghìn tỷ đồng so với tháng 7, do các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2017: thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đã thực hiện kê khai, thu nộp trong tháng 7 theo chế độ quy định.
Luỹ kế thu nội địa 8 tháng ước đạt 603,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán năm, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2016. Một số khoản thu đạt tiến độ đạt khá so với dự toán năm và cùng kỳ năm trước là thuế thu nhập cá nhân đạt 68,6% dự toán năm, tăng 20,9%; thu phí và lệ phí đạt 73,5% dự toán năm, tăng 52,6%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 83,7% dự toán năm, tăng 11,9%. Riêng các khoản thu về nhà, đất đã vượt dự toán năm (đạt 108,6%) và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016.
Được biết, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán năm và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả nước có 43/63 địa phương thu nội địa đạt từ 63% dự toán năm trở lên. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm (dưới 63%); 6 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ do nguyên nhân khách quan.
Thu từ dầu thô tháng 8 ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 930 tỷ đồng so với tháng 7. Giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 7/2017 dao động ở mức 48-50 USD/thùng; do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu thanh toán bình quân trong tháng khoảng 50 USD/thùng, bằng giá tính dự toán; sản lượng thanh toán tháng 8 ước đạt khoảng 1,13 triệu tấn.
Lũy kế thu dầu thô 8 tháng ước đạt 29,97 nghìn tỷ đồng, bằng 78,3% dự toán năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng dầu thanh toán 8 tháng ước đạt 8,96 triệu tấn, bằng 73% kế hoạch, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2016; giá dầu thanh toán bình quân 8 tháng đạt khoảng 53,2 USD/thùng, cao hơn 3,2 USD/thùng so với giá tính dự toán.
Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 8 ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với tháng 7, nhờ kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu lớn cho NSNN tăng. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (9,2 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách đạt 14,8 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng ước đạt 190,78 nghìn tỷ đồng, bằng 66,9% dự toán năm, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (63 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng đạt 127,7 nghìn tỷ đồng, bằng 70,9% dự toán năm.
Tổng chi NSNN tháng 8 ước 98,4 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đạt 793,56 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chi đầu tư phát triển tháng 8 ước 17,67 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đạt khoảng 137 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% dự toán, tăng 9,9% cùng kỳ năm 2016. Chi cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách tín dụng nhà nước cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đạt 73,1% dự toán.
Công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trong tháng 8 tiếp tục có chuyển biến, lũy kế 8 tháng vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN giải ngân ước đạt 43,8% dự toán (cùng kỳ năm 2016 đạt 43,2% dự toán). Vốn trái phiếu Chính phủ, do kế hoạch năm 2017 mới giao được 5,2/50 nghìn tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán Quốc hội quyết định, vốn giải ngân đến nay chỉ đạt 2,46 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 47,3% dự toán đã giao (cùng kỳ năm 2016 đạt 32,4% dự toán).
Trong tháng 8, chi dự trữ quốc gia ước 58 tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đạt 298 tỷ đồng, bằng 35,1% dự toán. Tiến độ chi đạt thấp so dự toán chủ yếu do tính chất đặc thù trong mua sắm hàng hóa, trang thiết bị dự trữ quốc gia.
Chi trả nợ lãi thực hiện tháng 8 ước 5,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đạt 68,1 nghìn tỷ đồng, bằng 68,9% dự toán, tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2016.
Chi thường xuyên thực hiện trong tháng 8 ước 74,35 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đạt 585,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016.
Về nhiệm vụ chi ngân sách cơ bản được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách. Nguồn dự phòng NSNN được điều hành, sử dụng chặt chẽ, đáp ứng các nhu cầu chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.
Về cân đối ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách các cấp địa phương cơ bản được đảm bảo. Trong đó, bội chi NSTW tháng 8 ước đạt 16 nghìn tỷ đồng, lũy kế 8 tháng ước đạt 97,2 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 56,4% dự toán năm.
Về công tác huy động vốn, tính đến 31/8/2017, khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) huy động trên thị trường là 144.093 tỷ đồng, đạt 78,6% kế hoạch (183,3 nghìn tỷ đồng) đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán năm. Đã phát hành 53 nghìn tỷ đồng TPCP cho bảo hiểm xã hội với lãi suất bình quân là 5,89%/năm. Trong đó, khối lượng TPCP huy động thuộc kế hoạch năm 2017 là 38 nghìn tỷ đồng đạt 63.3% kế hoạch phát hành (60 nghìn tỷ đồng) với kỳ hạn phát hành là 10 năm.
La Giang