* Bà Lê Thị Nhung, xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi hỏi: Quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo Ưu tú ở Hội đồng cơ sở hiện nay được nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo Điều 11, Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT, ngày 17 tháng 2 năm 2012 của Bộ giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo Ưu tú quy định rõ:
1. Giới thiệu và bỏ phiếu tín nhiệm:
a) Thủ trưởng đơn vị cấp cơ sở tổ chức cuộc họp liên tịch giữa Đảng, chính quyền, Công đoàn, Đoàn Thanh niên (nếu có) của đơn vị để phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị tiêu chuẩn xét chọn danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng và Thông tư này.
b) Trên cơ sở nắm vững đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét chọn, tổ chức cho cán bộ, giáo viên tự giới thiệu và giới thiệu công khai những người có đủ tiêu chuẩn.
c) Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị trao đổi thành tích, công lao của từng người, so sánh, đối chiếu với tiêu chuẩn và bỏ phiếu giới thiệu. Kết quả kiểm phiếu giới thiệu được công bố công khai trong đơn vị.
d) Các nhà giáo được Hội đồng cấp cơ sở đưa vào danh sách xét chọn là những người phải đạt từ 80% số phiếu giới thiệu của cán bộ, công chức, viên chức trở lên.
e) Đối với các trường cao đẳng, đại học có số cán bộ công chức từ 200 người trở lên có thể tổ chức giới thiệu và bỏ phiếu tín nhiệm ở các khoa với sự tham dự của đại diện học sinh, sinh viên trong khoa.
2. Hội đồng cấp cơ sở sơ duyệt:
Trên cơ sở danh sách những người đạt từ 80% số phiếu giới thiệu, Hội đồng cấp cơ sở tổ chức họp xem xét, thành tích công lao của từng người; những ý kiến đóng góp, đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức, đối chiếu với tiêu chuẩn và bỏ phiếu sơ duyệt.
3. Công bố kết quả sơ duyệt và tổ chức thăm dò dư luận:
Sau khi có kết quả số phiếu sơ duyệt, Hội đồng cấp cơ sở công bố kết quả sơ duyệt trong toàn đơn vị bằng hình thức niêm yết danh sách những người đạt đủ số phiếu sơ duyệt trong đơn vị ít nhất 7 ngày làm việc; gửi công văn tới các đơn vị trực thuộc và đưa lên website của đơn vị (nếu có), để cán bộ công chức, viên chức biết và góp ý kiến; tổ chức thăm dò dư luận trong cán bộ công chức, Ban chấp hành công đoàn, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trong đại diện học sinh, sinh viên (đối với cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học tổ chức thăm dò dư luận trong đại diện cha mẹ học sinh thay cho học sinh).
4. Hội đồng cấp cơ sở bỏ phiếu tán thành:
a) Trên cơ sở danh sách đã sơ duyệt và kết quả thăm dò dư luận, Hội đồng cấp cơ sở họp để xem xét và bỏ phiếu tán thành. Danh sách bỏ phiếu tán thành là danh sách những nhà giáo đã đạt số phiếu hội đồng sơ duyệt từ 80% trở lên số phiếu trên tổng số thành viên Hội đồng. Kết quả bỏ phiếu tán thành được công bố trong toàn đơn vị.
b) Hoàn chỉnh hồ sơ cá nhân đủ điều kiện và hồ sơ Hội đồng cấp cơ sở, gửi lên Hội đồng cấp trên theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này.
* Ông Hà Thanh Sơn, ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp hỏi: Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ, đã kê khai thành tích đề nghị khen thưởng, song đến nay chưa được giải quyết?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ quy định
Về điều kiện khen thưởng: Từ ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến nay không phạm sai lầm gì nghiêm trọng.
Về tiêu chuẩn thời gian xét khen thưởng: Thời gian để xét và mức khen thưởng chung đối với Huy chương Kháng chiến hạng Nhì tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 5 năm đến dưới 7 năm.
Theo đơn trình bày, ông tham gia công tác từ ngày 1 tháng 10 năm 1970, tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 là 4 năm 6 tháng (cán bộ công nhân viên hệ số 1). Trong quá trình công tác ông bị kỷ luật Đảng với mức cảnh cáo.
Đối chiếu với quy định trên, ông chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.