* Ông Hà Văn Phú, thôn Nội, xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương hỏi: Ông đã làm hồ sơ khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp của ông Hà Minh Thân từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo Thông tư số 83/TTg ngày 22 tháng 8 năm 1962 của Phủ Thủ tướng hướng dẫn việc tiếp tục khen thưởng nhân dân có công giúp đỡ cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa. Tại Mục II.1.c Tặng thưởng Bằng Có công với nước cho những gia đình và cá nhân có những thành tích:
- Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông-dương từ năm 1963 cho đến tháng 9 năm 1939 và trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (9-3-1945 đến 19-8-1945) ở những nơi phong trào cách mạng còn yếu, chính quyền của đế quốc và phong kiến còn mạnh:
+ Đã cho mượn nhà để đặt cơ quan ấn loát, hoặc kho tàng của Cách mạng;
+ Đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ hoạt động chuyên nghiệp cho Cách mạng từ trung ương đến địa phương, hoặc cho mượn nhà để đặt cơ quan, làm nơi liên lạc hội họp của Cách mạng;
+ Phụ trách việc giao thông đưa đón cán bộ, chuyển thư, tín.
- Đã tham gia tổ chức chế tạo vũ khí thô sơ như gươm giáo, dao găm, mã tấu… cho Cách mạng.
- Vì giúp đỡ Cách mạng hoặc có người nhà đi hoạt động Cách mạng mà bị đế quốc phong kiến bắt bớ, đánh đập nhưng vẫn giữ được bí mật cho Cách mạng.
Trong đơn ông Hà Văn Phú có trình bày ông Hà Minh Thân đã tham gia nuôi dưỡng 2 cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đối chiếu với quy định trên thì ông Hà Minh Thân chưa đủ tiêu chuẩn đề nghị truy tặng Bằng Có công với nước.
* Ông Trần Quốc Thanh, ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hỏi việc thu hồi hiện vật khen thưởng được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo Điều 43, Nghị định số 85/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương, mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng nêu rõ:
1. Thu hồi hiện vật khen thưởng cấp nhà nước.
a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định: Tước danh hiệu vinh dự nhà nước, hủy bỏ, điều chỉnh quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tập thể, cá nhân có trách nhiệm nộp lại đầy đủ hiện vật khen thưởng cho bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đã trình khen cho tập thể, cá nhân.
b) Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm đôn đốc tập thể, cá nhân nộp lại hiện vật khen thưởng đúng thời hạn và gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hiện vật thu hồi.
c) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có trách nhiệm đôn đốc bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thu hồi hiện vật khen thưởng đúng thời hạn và hạch toán thu hồi theo quy định của nhà nước.
2. Thu hồi hiện vật khen thưởng khác
a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định tước danh hiệu thi đua, hủy bỏ, điều chỉnh quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền, tập thể, cá nhân có trách nhiệm nộp lại đầy đủ hiện vật khen thưởng cho cơ quan thẩm quyền ra quyết định khen thưởng.
b) Cơ quan thẩm quyền ra quyết định khen thưởng có trách nhiệm đôn đốc tập thể, cá nhân nộp lại hiện vật khen thưởng đúng thời hạn và tổ chức thu hồi.
* Bà Phan Thị Nga, Chi bộ tổ dân phố 6, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên hỏi: Tiêu chuẩn xét danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo Điều 6, Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nêu rõ:
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương;
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
2. Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật;