* Bà Trần Thị Minh Tú hỏi: Thời gian tham gia công tác bao lâu để đủ tiêu chuẩn xết khen thưởng quá trình cống hiến?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo quy định tại Điều 41 về khen thưởng quá trình cống hiến của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 cảu Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2107) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:
1. Thời gian tham gia công tác để xét khen thưởng quá trình cống hiến quy định như sau:
a) Cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 là những người tham gia cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19 tháng 8 năm 1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
b) Cán bộ tiền khởi nghĩa là người tham gia cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
c) Cán bộ hoạt động liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là người có thời gian tham gia công tác liên tục từ sau ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;
d) Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống Pháp là người có thời gian tham gia công tác liên tục trong thời gian từ sau ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954;
đ) Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là người tham gia công tác liên tục trong khoảng thời gian sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;
e) Cán bộ công tác trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là người tham gia công tác từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay.
2. Thực hiện việc xét, đề nghị khen thưởng đối với người có quá trình cống hiến khi cá nhân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã đến tuổi nghỉ chế độ mà chưa được khen thưởng (kể cả các trường hợp đã hy sinh, từ trần).
3. Cá nhân đã được khen thưởng theo Thông tri số 38-TT/TW ngày 25 tháng 10 năm 1984 và Thông tri số 19-TT/TW ngày 27 tháng 02 năm 1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa V), nay đối chiếu với quy định, nếu đủ tiêu chuẩn ở hình thức khen thưởng cao hơn thì đề nghị xét, điều chỉnh mức khen; trường hợp cá nhân sau đó tiếp tục công tác, đảm nhiệm các chức vụ mới ở các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, nếu đủ tiêu chuẩn theo quy định thì tiếp tục được xét khen thưởng.
4. Thời gian, chức vụ xét khen thưởng:
a) Cá nhân có thời gian giữ chức vụ nhưng không đủ thời gian để được tính khen theo tiêu chuẩn quy định đối với chức vụ đó thì được cộng với thời gian giữ chức vụ thấp hơn liền kề để tính tiêu chuẩn khen thưởng theo chức vụ thấp hơn liền kề;
b) Cá nhân trong cùng một thời gian đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau thì lấy chức vụ cao nhất để làm căn cứ áp dụng tiêu chuẩn khen thưởng;
c) Cá nhân thực hiện yêu cầu luân chuyển, điều động do cấp có thẩm quyền quyết định, giữ chức vụ thấp hơn trước khi luân chuyển, điều động, khi xem xét khen thưởng được lấy chức vụ trước khi luân chuyển, điều động và được tính thời gian liên tục theo chức vụ đó để làm căn cứ xét khen thưởng.
5. Điều kiện áp dụng khen thưởng:
a) Không khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị kỷ luật ở hình thức ở mức buộc thôi việc; bị tước danh hiệu quân nhân, quân hàm sĩ quan hoặc quân hàm chuyên nghiệp. Đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, sau đó đã sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu và được kết nạp lại vào Đảng, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì được xét khen thưởng;
b) Hạ một mức khen đối với cá nhân đã bị kỷ luật lưu Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng sau đó được kết nạp lại, cá nhân: Bị cách chức, giáng chức, giáng cấp bậc quân hàm, hạ bậc lương, cảnh cáo. Hình thức kỷ luật chỉ xem xét một lần đối với một hình thức khen thưởng (những lần xét khen sau không căn cứ vào hình thức kỷ luật đã xét khen thưởng lần trước).
* Ông Nguyễn Tiên Bình hỏi: Trong quá trình xét đề nghị khen thưởng hiện nay, việc Hiệp y khen thưởng được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo quy định tại Điều 47 quy định về hiệp y khen thưởng của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 cảu Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2107) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:
1. Việc lấy ý kiến hiệp y khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thực hiện theo quy định từ khoản 2 đến khoản 5 Điều này.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn địa phương thuộc bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương quản lý, phải lấy ý kiến hiệp y của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những nội dung:
a) Việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và và kết quả hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể (nêu tổ chức đảng, đoàn thể sinh hoạt tại địa phương);
b) Thực hiện chế độ bảo hiểm cho công nhân, người lao động; đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm (đối với đơn vị sản xuất kinh doanh).
3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý khi trình các hình thức khen thưởng cấp nhà nước phải lấy ý kiến hiệp y của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực:
a) Đối tượng đề nghị khen thưởng: Cơ quan, tổ chức trực thuộc trực tiếp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cá nhân là cấp trưởng của đơn vị cùng cấp;
b) Hình thức khen thưởng phải lấy ý kiến hiệp y: “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, Huân chương các loại, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, danh hiệu “Anh hùng Lao động”, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
4. Khen thưởng đối ngoại phải lấy ý kiến của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.
5. Khi có văn bản xin ý kiến của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị (tính theo dấu bưu điện), cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Sau 20 ngày làm việc, nếu không có ý kiến trả lời, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiến hành các thủ tục trình khen thưởng; Thủ trưởng cơ quan được xin ý kiến hiệp y chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được xin ý kiến.
* Ông Phan Văn Hùng hỏi: Trong quá trình xét đề nghị khen thưởng hiện nay, việc hiệp y khen thưởng được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo quy định tại Điều 65 quy định về nguồn và mức trích quỹ của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 cảu Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2107) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:
1. Quỹ thi đua, khen thưởng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước với mức tối đa 20% tổng quỹ tiền lương theo ngạch, bậc của cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và tiền công được duyệt cả năm và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài.
2. Quỹ thi đua khen thưởng của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm trong tổng chi ngân sách thường xuyên đối với mỗi cấp ngân sách thuộc các tỉnh, thành phố và được phân bổ ngay từ đầu năm theo tỷ lệ sau:
a) Quỹ thi đua khen thưởng của sở, ban, ngành cấp tỉnh được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm với mức tối đa bằng 20% tổng quỹ tiền lương theo ngạch, bậc của cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và tiền công được duyệt cả năm và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài;
b) Quỹ thi đua khen thưởng của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm với mức tối đa bằng 1,0% chi ngân sách thường xuyên đối với mỗi cấp ngân sách thuộc các tỉnh đồng bằng, thành phố và mức tối đa bằng 1,5% chi ngân sách thường xuyên đối với mỗi cấp ngân sách thuộc các tỉnh miền núi, trung du, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài.
3. Quỹ thi đua, khen thưởng của tổ chức chính trị, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước (căn cứ tính chất hoạt động của từng tổ chức, Bộ Tài chính thống nhất tỷ lệ cấp hàng năm) và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, ngoài nước.
4. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp do các tổ chức này tự quyết định từ nguồn khả năng tài chính của mình và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài.
5. Quỹ thi đua, khen thưởng của các doanh nghiệp nhà nước được trích từ quỹ thi đua, khen thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp.
6. Việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (trừ các doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 5 Điều này) do doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước.
7. Quỹ thi đua, khen thưởng của các hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã vận tải, hợp tác xã xây dựng, hợp tác xã nghề cá, nghề muối và trong các lĩnh vực khác được trích từ quỹ không chia của hợp tác xã (mức trích do hợp tác xã quyết định) và nguồn đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong nước, ngoài nước.