* Ông Trần Huy Hoàng, Hội Nông dân xã Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hỏi: Công dân, nông dân, người lao động gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn gì thì được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng trả lời ông như sau:
Theo Khoản 2, Điều 23, Nghi định 65/2014/NĐ-CP quy định Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho công nhân, nông dân, người lao động gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất trong trong lao động, sản xuất có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp huyện;
b) Công nhân có từ 2 sáng kiến trở lên mang lại lợi ích và có đóng góp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề;
c) Nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định từ 2 năm trở lên, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động.
* Ông Lê Nam Anh, đường Vũ Huy Tấn, phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh hỏi: Hiện nay những yêu cầu của việc tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đốn nhận thình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng trả lời ông như sau:
Theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài được quy định như sau:
1. Việc tổ chức ngày kỷ niệm; trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua phải bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức; có ý nghĩa tôn vinh sự kiện, tôn vinh tập thể và cá nhân.
2. Việc tổ chức ngày kỷ niệm; trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua phải mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng; gắn với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương và đất nước.
3. Thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc trong lễ kỷ niệm; trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua.
4. Việc tổ chức thực hiện nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài phải chú trọng yêu cầu chính trị, đối ngoại, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế nhằm góp phần tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế.
5. Mức độ và nghi lễ đón, tiếp các đoàn khách nước ngoài thực hiện trên cơ sở yêu cầu của chuyến thăm và nguyên tắc đối đẳng do cơ quan chủ trì tổ chức đón, tiếp kiến nghị.
* Bà Thái Thị Minh, thôn Lại Hoàng, thị xã Từ Sơn, Hà Nội hỏi: Cụ Khương Tiến tham gia cách mạng từ tháng 6 năm 1931 đến năm 1933 và từng nuôi dấu cán bộ cách mạng. Năm 2015, gia đình đã kê khai thành tích đề nghị khen thưởng Bằng Có công với nước cho cụ Khương Tiến, song hơn 1 năm vẫn chưa nhận được kết quả?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng trả lời bà như sau:
Theo Thông tư số 83/TTg ngày 22 tháng 8 năm 1962 của Phủ Thủ tướng hướng dẫn việc tiếp tục khen thưởng nhân dân có công giúp đỡ cách mạng trước ngày tổng khởi nghĩa. Tại Mục II.1.c: Tặng thưởng Bằng Có công với nước cho những gia đình và cá nhân có những thành tích sau đây:
- Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương từ năm 1936 cho đến tháng 9 năm 1939 và trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (9/3/1945 đến 19/8/1945) ở những nơi phong trào cách mạng còn yếu, chính quyền phong kiến còn mạnh.
+ Đã cho mượn nhà để đặt cơ quan ấn loát, hoặc kho tàng của Cách mạng;
+ Đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ hoạt động chuyên nghiệp cho Cách mạng từ trung ương đến địa phương, hoặc cho mượn nhà để đặt cơ quan, làm nơi liên lạc hội họp của Cách mạng;
+ Phụ trách việc giao thông đưa đón cán bộ, chuyển thư, tín.
+ Đã tham gia tổ chức chế tạo vũ khí thô sơ như gươm giáo, dao găm, mã tấu… cho Cách mạng.
+ Vì giúp đỡ Cách mạng hoặc có người nhà đi hoạt động Cách mạng mà bị đế quốc phong kiến bắt bớ, đánh đập nhưng vẫn giữ được bí mật cho Cách mạng.
Đối chiếu với quy định trên thì cụ Khương Tiến chưa đủ tiêu chuẩn đề nghị truy tặng Bằng Có công với nước.