* Ông Vũ Quang Minh hỏi: Trách nhiệm của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, ngành hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo quy định tại Điều 7 trách nhiệm của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua – Khen thưởng nêu rõ:
1. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và nhiệm vụ chính trị được giao để tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua và kiểm tra việc thực hiện; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.
2. Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tổ chức phát động và chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn quốc.
* Ông Lê Hoàng Phú hỏi: Những nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo Khoản 2, Điều 17 nguyên tắc hoạt về động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp của Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 5 tháng 7 năm 2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ quy định:
“2. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp:
a) Hội đồng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp xét thưởng;
b) Hội đồng xét tặng giải thưởng chỉ xem xét những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các văn bản, tài liệu theo quy định;
c) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở đề nghị;
d) Việc xét tặng giải thưởng cho các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước được áp dụng quy trình, thủ tục chung nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
đ) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở, bộ, ngành, địa phương và chuyên ngành cấp Nhà nước:
Số lượng các phiên họp Hội đồng phụ thuộc vào số lượng, quy mô công trình đề nghị xét tặng giải thưởng, do cơ quan Thường trực tổ chức xét giải thưởng quyết định trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng;
Cuộc họp Hội đồng phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản) chủ trì và có 02 ủy viên phản biện. Chủ tịch Hội đồng quy định trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ công trình đề nghị xét tặng giải thưởng bằng văn bản; thành viên Hội đồng vắng mặt phải gửi văn bản nhận xét, đánh giá công trình đề nghị xét tặng giải thưởng; nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký khoa học do Hội đồng bầu chọn.”
e) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước:
Hội đồng tổ chức phiên họp phải có ít nhất 90% thành viên Hội đồng có mặt, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản), số lượng phiên họp, trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.”
* Bà Ma Thị Bưởi hỏi: Ông Trần Văn Kiện tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã kê khai thành tích đề nghị khen thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, song đến nay chưa được giải quyết?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ quy định:
Về điều kiện khen thưởng: Từ ngày tham gia khagns chiến chống Mỹ cứu nước đến nay không phạm sai lầm nghiêm trọng.
Về tiêu chuẩn thời gian xét khen thưởng: Thời gian để xét và mức khen thưởng chung đối với Huy chương Kháng chiến hạng Nhì tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 5 năm đến 7 năm.
Theo đơn trình bày, ông Trần Văn Kiện tham gia công tác từ ngày 13 tháng 11 năm 1970, tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 là 4 năm 5 tháng (cán bộ công nhân viên hệ số 1). Trong quá trình công tác ông bị kỷ luật Đảng ở mức cảnh cáo.
Đối chiếu với quy định trên, ông Trần Văn Kiệm chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.
* Ông Phan Anh hỏi: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong triển khai tổ chức phong trào thi đua yêu được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo Điều 6, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua – Khen thưởng nêu rõ:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo ban, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì, phối hợp với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cùng cấp để tổ chức phát động, chỉ đạo tổ chức triển khai phong trào thi đua trong phạm vi quản lý; chủ động phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xứng đáng để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; tuyên truyền, tôn vinh các điển hình tiên tiến và tạo điều kiện để tập thể, cá nhân được khen thưởng huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được trao đổi, giao lưu, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng những sáng kiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước để phát động, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình tiên tiến;
b) Phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên; tham gia với các cơ quan chức năng tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng;
c) Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; kịp thời phản ánh, đề xuất các giải pháp để thực hiện các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
* Bà Lê Tú Thanh hỏi: Qũy thi đua, khen thưởng hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo quy định tại Điều 66, Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
1. Quỹ thi đua, khen thưởng trong nghị định này được dùng để chi trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua và chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng mà thành tích đạt được trong thời kỳ đổi mới (trừ trường hợp danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng) và được sử dụng để:
a) Chi cho in ấn, làm hiện vật khen thưởng (giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương, cờ thi đua, hộp, khung);
b) Chi tiền thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho các cá nhân, tập thể;
c) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chi các khoản kinh phí để in ấn và làm hiện vật khen thưởng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm để cấp phát kèm theo các hình thức khen thưởng do Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng;
d) Trích 20% trong tổng Quỹ thi đua, khen thưởng của từng cấp để chi tổ chức, chỉ đạo, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua; công tác tuyên truyền, phổ biến nhân điển hình tiên tiến; thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng.
2. Cá nhân, tập thể được khen thưởng ngoài việc được công nhận các danh hiệu thi đua, Cờ Thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen kèm theo hiện vật khen thưởng; còn được thưởng tiền hoặc hiện vật có giá trị tương đương quy định tại các Điều 69, 70, 71, 72, 73 và Điều 74 của Nghị định này theo nguyên tắc:
a) Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn thì mức tiền thưởng cao hơn;
b) Trong cùng một hình thức, cùng một mức khen, mức tiền thưởng đối với tập thể cao hơn mức tiền thưởng đối với cá nhân;
c) Trong cùng một thời điểm, cùng một thành tích, một đối tượng nếu đạt nhiều danh hiệu thi đua kèm theo các mức tiền thưởng khác nhau thì nhận mức tiền thưởng cao nhất;
d) Trong cùng một thời điểm, một đối tượng đạt nhiều danh hiệu thi đua, thời gian để đạt được các danh hiệu thi đua đó khác nhau thì được nhận tiền thưởng của các danh hiệu thi đua;
đ) Trong cùng thời điểm, một đối tượng vừa đạt danh hiệu thi đua vừa đạt hình thức khen thưởng thì được nhận tiền thưởng của danh hiệu thi đua và của hình thức khen thưởng.
3. Người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân tập thể người nước ngoài, được khen các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng và kèm theo tặng phẩm lưu niệm.