Trả lời thư bạn đọc tháng 10
27/10/2020 - 15:45

* Bà Phan Thị Thu hỏi: Ông Lê Minh Tú có tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã kê khai thành tích đề nghị Nhà nước khen thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, song đến nay chưa được giải quyết.

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:

Theo Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ quy định:

Về điều kiện khen thưởng: Từ ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến nay không phạm sai lầm nghiêm trọng.

Về tiêu chuẩn thời gian xét khen thưởng:  Thời gian để xét và mức khen thưởng đối với Huy chương Kháng chiến hạng nhì tặng thưởng những người tham gia kháng chiến chiến từ 5 năm đến dưới 7 năm.

Theo đơn trình bày, ông Lê Minh Tú tham gia công tác từ ngày 01 tháng 10 năm 1970, tính đến ngày 30 tháng 04 năm 1975 là 4 năm 6 tháng (cán bộ công nhân viên nhân hệ số 1). Trong quá trình công tác ông Lê Minh Tú bị kỷ luật Đảng với mức cản cáo.

Đối chiếu với quy định trên, ông Lê Minh Tú không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhì.

* Bà Trần Thị Mỹ Linh hỏi: Việc xét khen thưởng quá trình cống hiến được Nhà nước quy định như thế nào đối với các chức danh tương đương?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:

Theo quy định tại Điều 42, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua – Khen thưởng nêu rõ:

1. Chức danh tương đương Bộ trưởng: Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Bí thư Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Chức danh tương đương Thứ trưởng, Phó Trưởng ban Đảng, Phó Trưởng đoàn thể Trung ương: Phó Chánh Văn phòng Trung ương; Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Đảng ủy Ngoài nước, Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; Trợ lý: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị; Ủy viên thường vụ thành ủy; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

3. Chức danh tương đương Vụ trưởng (Cục trưởng): Các chức danh lãnh đạo, quản lý được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý từ 0,9 đến 1,25 hiện nay (hoặc phụ cấp 0,8 theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang); các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp bảng lương chức vụ có mức lương 533, 576, 621 đồng/tháng theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang; các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp lương chức vụ Vụ trưởng (Cục trưởng) trước năm 1985.

4. Chức danh tương đương Phó Vụ trưởng (Phó Cục trưởng): Các chức danh lãnh đạo, quản lý được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và được xếp hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,8 hiện nay (hoặc phụ cấp 0,6 theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang); các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp bảng lương chức vụ có mức lương 474, 513, 555 đồng/tháng theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang; các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp lương chức vụ Phó Vụ trưởng (Phó Cục trưởng) trước năm 1985.

5. Chức danh tương đương Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

6. Chức danh tương đương Giám đốc Sở, Trưởng các đoàn thể cấp tỉnh: Các chức danh lãnh đạo, quản lý được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc quyết định công nhận (qua bầu cử) và được xếp hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,9 hiện nay (hoặc 0,7 trước đây); các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp bảng lương chức vụ có mức lương 474, 513, 555 đồng/tháng theo bảng lương chức vụ quy định tại Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang hoặc được xếp bằng lương chức vụ Giám đốc Sở trước năm 1985.

7. Chức danh tương đương Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Phó Bí thư thường trực quận ủy, huyện ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

8. Chức danh tương đương trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ.

* Ông Phạm Mạnh Hùng hỏi: Trong công tác khen thưởng hiện nay, việc hiệp y khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp nhà nước được Nhà nước quy định như thế nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo quy định tại Điều 47, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua – Khen thưởng nêu rõ:

1. Việc lấy ý kiến hiệp y khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thực hiện theo quy định từ khoản 2 đến khoản 5 Điều này.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn địa phương thuộc bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương quản lý, phải lấy ý kiến hiệp y của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những nội dung:

a) Việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và và kết quả hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể (nêu tổ chức đảng, đoàn thể sinh hoạt tại địa phương);

b) Thực hiện chế độ bảo hiểm cho công nhân, người lao động; đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm (đối với đơn vị sản xuất kinh doanh).

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý khi trình các hình thức khen thưởng cấp nhà nước phải lấy ý kiến hiệp y của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực:

a) Đối tượng đề nghị khen thưởng: Cơ quan, tổ chức trực thuộc trực tiếp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cá nhân là cấp trưởng của đơn vị cùng cấp;

b) Hình thức khen thưởng phải lấy ý kiến hiệp y: “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, Huân chương các loại, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, danh hiệu “Anh hùng Lao động”, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

4. Khen thưởng đối ngoại phải lấy ý kiến của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

5. Khi có văn bản xin ý kiến của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị (tính theo dấu bưu điện), cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Sau 20 ngày làm việc, nếu không có ý kiến trả lời, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiến hành các thủ tục trình khen thưởng; Thủ trưởng cơ quan được xin ý kiến hiệp y chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được xin ý kiến.

* Ông Lê  Tấn Cao hỏi: Trách nhiệm của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng được Nhà nước quy định như thế nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua – Khen thưởng nêu rõ:

1. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và nhiệm vụ chính trị được giao để tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua và kiểm tra việc thực hiện; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.

2. Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tổ chức phát động và chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn quốc.