Trả lời bạn đọc tháng 3 năm 2019
25/03/2019 - 11:25

* Ông Phan Vinh hỏi: Cụ Trần Mẫn tham gia cách mạng từ tháng 6 năm 1930 đến năm 1932 và từng nuôi dấu cán bộ cách mạng. Năm 2018,  gia đình đã kê khai thành tích đề nghị khen thưởng Bằng Có công với nước cho cụ Trần Mẫn, song đến nay chưa nhận được kết quả?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo thông tư 83/TTg ngày 22 tháng 8 năm 1962 của Phủ Thủ tướng hướng dẫn việc tiếp tục khen thưởng nhân dân có công với giúp đỡ cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa. Tại Mục II.1.c: Tặng thưởng Bằng Có công với nước cho những gia đình và cá nhân có những thành tích sau đây:

- Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông-dương từ năm 1963 cho đến tháng 9 năm 1939 và trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (9-3-1945 đến 19-8-1945) ở những nơi phong trào cách mạng còn yếu, chính quyền của đế quốc và phong kiến còn mạnh:

+ Đã cho mượn nhà để đặt cơ quan ấn loát, hoặc kho tàng của Cách mạng;

+ Đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ hoạt động chuyên nghiệp cho Cách mạng từ trung ương đến địa phương, hoặc cho mượn nhà để đặt cơ quan, làm nơi liên lạc hội họp của Cách mạng;

+ Phụ trách việc giao thông đưa đón cán bộ, chuyển thư, tín.

- Đã tham gia tổ chức chế tạo vũ khí thô sơ như gươm giáo, dao găm, mã tấu… cho Cách mạng.

- Vì giúp đỡ Cách mạng hoặc có người nhà đi hoạt động Cách mạng mà bị đế quốc phong kiến bắt bớ, đánh đập nhưng vẫn giữ được bí mật cho Cách mạng.

Đối chiếu với quy định trên, cụ  Trần Mẫn chưa đủ tiêu chuẩn đề nghị truy tặng Bằng Có công với nước.

* Bà Vũ Minh Huệ hỏi: Quyền lợi và nghĩa vụ của tác giá có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật hiện nay được quy định như thế nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:

Theo Điều 6, Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật quy định:

1. Tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; được tặng Bằng Chứng nhận “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật; được hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Tiền thưởng cho tác giả có tác phẩm, công trình được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật được thực hiện như sau:

a) “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật: 270 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng Giải thưởng;

b) “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật: 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng Giải thưởng.

* Ông Bùi Như Anh hỏi: Hiện nay mẫu huy hiệu, kỷ niệm chương được Nhà nước quy định như thế nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 85/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương; mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng nêu rõ:

1. Huy hiệu danh hiệu vinh dự nhà nước, huy hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, huy hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kết cấu chia làm 2 phần: Cuống huy hiệu và thân huy hiệu.

Mẫu huy hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho phù hợp, mang nội dung ý nghĩa của từng lĩnh vực, ngành nghề, địa phương; kích thước nhỏ hơn kích thước của huy hiệu danh hiệu vinh dự nhà nước và được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương trước khi ban hành.

Huy hiệu danh hiệu vinh dự nhà nước và huy hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được minh họa tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

2. Kỷ niệm chương, huy hiệu của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

a) Kết cấu của kỷ niệm chương, huy hiệu chỉ có thân.

b) Mẫu kỷ niệm chương và huy hiệu do bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cho phù hợp, mang nội dung ý nghĩa của từng lĩnh vực, ngành nghề, địa phương và được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương trước khi ban hành.