* Bà Lê Thị Lan hỏi: Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” hiện nay được nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo quy định tại Điều 10 danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” của Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2107) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:
1. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Luật thi đua, khen thưởng.
2. Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.
3. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”. Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.
4. Thời gian nghỉ thai sản theo, quy định được tính để bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.
5. Đối với cá nhân chuyển công tác, cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm bình xét, tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” (trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ).
Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị điều động, biệt phái xem xét quyết định và được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái xác nhận.
6. Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 10 tháng; bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.
* Bà Nguyễn Hải Thu hỏi: Quyền lợi và nghĩa vụ của tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật hiện nay được quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo Điều 6, Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật quy định:
1. Tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; được tặng Bằng Chứng nhận “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật; được hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Tiền thưởng cho tác giả có tác phẩm, công trình được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật được thực hiện như sau:
a) “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật: 270 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng Giải thưởng;
b) “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật: 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng Giải thưởng.
* Ông Nguyễn Văn Sơn hỏi: Hiện nay mẫu huy hiệu, kỷ niệm chương được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 85/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiện, kỷ niệm chương; mẫu bằng khung, hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng nêu rõ:
1. Huy hiệu danh hiệu vinh dự nhà nước, huy hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, huy hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kết cấu chia làm 2 phần: Cuống huy hiệu và thân huy hiệu.
Mẫu huy hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho phù hợp, mang nội dung ý nghĩa của từng lĩnh vực, ngành nghề, địa phương; kích thước nhỏ hơn kích thước của huy hiệu danh hiệu vinh dự nhà nước và được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương trước khi ban hành.
Huy hiệu danh hiệu vinh dự nhà nước và huy hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được minh họa tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
2. Kỷ niệm chương, huy hiệu của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
a) Kết cấu của kỷ niệm chương, huy hiệu chỉ có thân.
b) Mẫu kỷ niệm chương và huy hiệu do bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cho phù hợp, mang nội dung ý nghĩa của từng lĩnh vực, ngành nghề, địa phương và được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương trước khi ban hành.
* Bà Trần Thị Quỳnh hỏi: Hiện nay Nhà nước quy định có những loại hình thức khen thưởng nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo quy định tại Điều 13 các loại hình khen thưởng của Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2107) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:
1. Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được là hình thức khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân do cấp trình khen thưởng căn cứ theo quy định xem xét, đánh giá, công nhận.
2. Khen thưởng theo đợt (hoặc chuyên đề) là khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt được thành tích xuất sắc sau khi kết thúc đợt thi đua do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động.
3. Khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất.
Thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân phải đảm nhiệm.
Thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất là thành tích đột xuất đạt được ở mức độ đặc biệt xuất sắc khi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước hoặc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực được khu vực hoặc thế giới ghi nhận.
4. Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động trong các giai đoạn cách mạng, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, có công lao, thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
5. Khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, có thành tích, có thời gian tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định.
6. Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ở một trong các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc lĩnh vực khá
* Ông Võ Hoàng Bửu hỏi: Cụ Nguyễn Bình tham gia cách mạng từ tháng 6 năm 1930 đến năm 1932 và từng nuôi dấu cán bộ cách mạng. Năm 2020, gia đình đã kê khai thành tích đề nghị truy tặng Bằng Có công với nước cho cụ Nguyễn Bình, song đến nay chưa nhận được kết quả?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ồn như sau:
Theo Thông tư số 83/TTg ngày 22 tháng 8 năm 1962 của Phủ Thủ tướng (nay là Chính phủ) hướng dẫn việc tiếp tục khen thưởng nhân dân có công giúp đỡ cách mạng trước ngày tổng khởi nghĩa. Tại Mục II.1.c: Tặng thưởng Bằng Có công với nước cho những gia đình và các nhân có những thành tích sau đây:
- Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông-dương từ năm 1963 cho đến tháng 9 năm 1939 và trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (9-3-1945 đến 19-8-1945) ở những nơi phong trào cách mạng còn yếu, chính quyền của đế quốc và phong kiến còn mạnh:
+ Đã cho mượn nhà để đặt cơ quan ấn loát, hoặc kho tàng của Cách mạng;
+ Đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ hoạt động chuyên nghiệp cho Cách mạng từ trung ương đến địa phương, hoặc cho mượn nhà để đặt cơ quan, làm nơi liên lạc hội họp của Cách mạng;
+ Phụ trách việc giao thông đưa đón cán bộ, chuyển thư, tín.
- Đã tham gia tổ chức chế tạo vũ khí thô sơ như gươm giáo, dao găm, mã tấu… cho Cách mạng.
- Vì giúp đỡ Cách mạng hoặc có người nhà đi hoạt động Cách mạng mà bị đế quốc phong kiến bắt bớ, đánh đập nhưng vẫn giữ được bí mật cho Cách mạng.
Đối chiếu với quy định trên thì cụ Nguyễn Bình chưa đủ tiêu chuẩn đề nghị truy tặng Bằng Có công với nước.