Tường thuật trực tiếp Tọa đàm gương điển hình tiên tiến, NTVT “Kết nối và Lan tỏa”
05/06/2020 - 08:54

TĐKT - Nhằm ôn lại những giá trị tư tưởng lớn của Người về thi đua yêu nước trong hành trình xây dựng đất nước và Thủ đô; đồng thời tạo thêm các diễn đàn để những tấm gương người tốt, việc tốt được giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm; từ đó lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội những giá trị sống tích cực, nhân văn; thiết thực kỷ niệm 72 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kết nối và Lan tỏa” trên Trang điện tử Tạp chí Thi đua Khen thưởng tại địa chỉ  http://thiduakhenthuongvn.org.vn.

Toàn cảnh Tọa đàm

Phần 1: Khai mạc Tọa đàm

Dự buổi giao lưu có: Ông Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; ông Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội; ông Phạm Hồng Long, Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng.

Các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt giao lưu tại Tọa đàm: Ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội; nhà báo Trần Thị Thảo, Ban Văn xã, Báo Kinh tế và Đô thị; bà Nguyễn Thị Nhôm (hay còn gọi là bà Nhung), chủ hộ kinh doanh tại chợ Châu Long, quận Ba Đình; bà Đào Thị Phương Anh, hướng dẫn viên du lịch, Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch quốc tế BesTour; ông Lê Xuân Tú, Trưởng nhóm điện - Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và đại diện Tổ công tác chuyên đề phát hiện gương ĐHTT, NTVT huyện Chương Mỹ.

Đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự Tọa đàm

Cùng dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội và các đồng chí trong Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn; phóng viên, biên tập viên của Tạp chí; các đồng chí đảng viên Chi bộ Tạp chí - Tin học.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng Phạm Hồng Long cho biết: Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, phong trào thi đua yêu nước luôn hướng tới mục tiêu lớn đó là đại đoàn kết: Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế - đó là sức mạnh, nền tảng quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp”; “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau… là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”; “là một cách tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin rất thiết thực”; đồng thời “là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Bác nói: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Hàng ngày, Bác không bỏ qua một gương “Người tốt, việc tốt” nào được đăng trên báo. Bác thường dùng bút chì đỏ, đánh dấu vào những bài viết ấy, rồi tập hợp thành một danh sách để gửi tặng Huy hiệu của Người.

Bác Hồ đã Chỉ thị cho các tờ báo của Đảng và đoàn thể mở mục chuyên mục “Người mới, việc mới”  - sau này được Bác gợi ý đổi tên thành “Người tốt, việc tốt” nhằm biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong nhân dân và cán bộ, đảng viên, từ đó động viên phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển. Gần 20 năm ra đời và phát triển, Tạp chí Thi đua Khen thưởng luôn làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; phát hiện, nêu gương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Viết về người tốt, việc tốt, những nhân cách cao đẹp luôn là đề tài hấp dẫn đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Tạp chí nhằm góp phần làm cho cái tốt, cái đẹp, cái thiện ngày càng nhiều hơn, trở thành phổ biến trong xã hội, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Các điển hình tiên tiến giao lưu tại Tọa đàm

Nhiều năm qua, trên các ấn phẩm của Tạp chí Thi đua Khen thưởng luôn dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng, những tấm gương người tốt, việc tốt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tạp chí tích cực phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đổi mới tuyên truyền về nội dung, hình thức các phong trào thi đua theo hướng bám sát từ cơ sở, từng đơn vị, từng cụm thi đua. Đặc biệt, từ năm 2018, Tạp chí đã mở thêm các chuyên trang, chuyên mục như “Gương sáng Thủ đô” trên Tạp chí in, “Hà Nội Thi đua ái quốc” trên Trang điện tử; tích cực tham gia cuộc thi Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến người tốt, việc tốt trên địa bàn thành phố… Qua đó, góp phần tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, để cái tốt ngày càng nhân rộng và lan tỏa trên địa bàn Thủ đô.

Tổng Biên tập Phạm Hồng Long mong rằng thông qua những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa được 6 vị khách mời đặc biệt hôm nay chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến, quý vị đại biểu và bạn đọc của Tạp chí Thi đua Khen thưởng sẽ hiểu rõ hơn chân dung của những người tốt, việc tốt; thấy được những nỗ lực cũng như những cách làm đổi mới không ngừng của đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng Thủ đô trong việc nhân rộng, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt, những bông hoa đẹp để xã hội noi gương, học tập và làm theo.

--- 09:01:12 ---

Phần 2: Giao lưu điển hình tiên tiến

Chủ đề 1: Kết nối

Giao lưu với ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

72 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phong trào thi đua yêu nước đã ăn sâu, lan rộng trên khắp các lĩnh vực đời sống xã hội. Tư tưởng, quan điểm, đạo đức và phong cách của Người đã trở thành những bài học quý báu, sức mạnh to lớn, khơi dậy được sức sáng tạo, sự hăng hái thi đua lao động, sản xuất trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.

Có một người cựu chiến binh từng vào sinh ra tử nơi chiến trường bom đạn ác liệt, nay trở về, lại tiếp tục đem hết tài trí và sức lực của mình đóng góp vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đặc biệt, khắc ghi lời Bác dạy “Thi đua là phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân”, “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, ông đã tích cực tập hợp, đoàn kết nhân dân cùng tham gia thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đó là ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Câu 1: Bạn đọc Lê Thị Thanh, địa chỉ phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội viết rằng: Năm nay tôi đã lên chức bà nội nhưng hàng ngày vẫn đi chợ để nấu ăn cho cả nhà. Nơi tôi ở nhiều xe cộ, đông đúc và bụi bặm. Tôi đọc báo và xem truyền hình thấy thôn An Vọng có nhiều con đường sạch sẽ, hai bên đầy những bồn hoa, tuy là thôn nhưng nhà nào cũng có số; đặc biệt là có nhiều bức tranh tường rất đẹp mắt. Đúng là một nơi đáng sống!

Được biết, có được kết quả đó là nhờ sự chung tay xây dựng nông thôn mới của chính quyền và nhân dân thôn An Vọng. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của cá nhân ông. Vậy ông có thể chia sẻ nhiều hơn về những việc mình đã làm, góp phần mang đến bộ mặt mới cho quê hương không?

Ông Trần Quang Huy trả lời:

Vâng, cảm ơn Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã trở thành chiếc cầu nối giữa tôi với bạn đọc Lê Thị Thanh. Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn bạn đọc đã quan tâm và có một cái nhìn đẹp về quê hương tôi. Thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ là một miền quê đáng sống, ấm áp tình người, tình làng nghĩa xóm luôn được trân trọng. Văn hóa làng là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Thực ra, hơn 10 năm trước, khi tôi được tín nhiệm bầu về làm Bí thư thôn, lúc đó An Vọng vẫn là một trong những thôn nghèo của xã Hoàng Diệu. Tôi còn nhớ, lúc đó vệ sinh môi trường ở thôn còn khá nhếch nhác, đường làng thì lầy lội, đồng ruộng manh mún, thu nhập bình quân đầu người thấp, hộ nghèo còn trên 18%...

Năm 2012, huyện Chương Mỹ chọn An Vọng làm điểm trong phong trào thi đua xây dựng NTM. Tôi đã tìm hiểu rất kỹ những nội dung, tiêu chí trong phong trào xây dựng NTM và đã hiểu rằng, đây là một chủ trương lớn, cần có sự vào cuộc của cả chính quyền và sự chung tay ủng hộ của nhân dân. Muốn vậy thì công tác vận động quần chúng là vô cùng quan trọng.

Tôi không ngại, đến từng nhà dân nói với họ về nông thôn mới, giúp họ hiểu và nắm bắt tâm tư, ý kiến góp ý như thế nào.

Vì vậy, khi có chủ trương xây dựng sân vận động thôn, được nhiều người ủng hộ vì rất thiết thực. Nhân dân đã hiến gần 4000m2 đất làm sân vận động của thôn. Ngày khai trương sân vận động, người dân còn ủng hộ thêm 114 triệu đồng để sử dụng vào các hoạt động cộng đồng.

Có sân bóng, có nhà văn hóa, nhân dân phấn khởi lắm, họ cũng có niềm tin vào những lời mà tôi chia sẻ khi đi vận động.

Bởi vậy, sau này tôi cũng có nhiều thuận lợi khi vận động bà con đồng thuận trong các việc khác như: Thư viện sách thôn An Vọng, trị giá 270 triệu đồng và hơn 2.000 đầu sách. Hay vận động quy tập 306 ngôi mộ; rồi vận động nhân dân dần dần từ bỏ các tập tục lạc hậu, sớm về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Và gần đây nhất đó là vận động nhân dân tích cực xây dựng NTM theo tiêu chí nâng cao: Nhà có số, đường có hoa cũng khá thuận lợi. Đến nay, An Vọng không còn hộ nghèo nào, không có người nghiện hút, bình quân trong thôn cứ 6 người lại có một cử nhân đại học...

Tôi nghĩ, có được những kết quả tốt đẹp đó chính là nhờ vào nhân dân. Cán bộ và chính quyền chỉ là những người đứng ra để tập hợp, đoàn kết sức mạnh của chính nhân dân mà thôi. Vì vậy, qua Tọa đàm này tôi cũng mong muốn được gửi đến nhân dân thôn An Vọng lời biết ơn chân thành. Họ đã đồng hành và giúp tôi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “người công bộc của dân”.

Câu 2: Bà Trần Bạch Hường (Hà Tĩnh), địa chỉ email: bachhuong57@gmail.com có câu hỏi: Sinh ra từ thôn làng, tôi hiểu rất rõ những tập tục, thói quen bao đời nay của người dân nơi đây, không dễ gì để có thể thay đổi hoặc hủy bỏ. Nhưng qua báo đài, tôi được biết đến ông là một người cán bộ tuyệt vời, đã làm được điều đó. Xin ông chia sẻ thêm về kinh nghiệm của mình trong công tác vận động quần chúng nhân dân?

Ông Trần Quang Huy trả lời:

Nhiều kinh nghiệm chưa chắc đã thành công mà quan trọng nhất là nhiệt huyết, đạo đức cách mạng. Anh có tư cách đạo đức cách mạng thì việc gì nhân dân cũng ủng hộ.

Những con đường hoa sắc màu ở thôn An Vọng

Đã là người cán bộ, nhất là trong thời điểm hiện nay rất cần tuyên truyền, vận động nhân dân để mọi người dân nhận thức được việc cần làm. Tập trung đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vì những việc Bác làm là những việc ai cũng có thể làm được.

Đối với người cán bộ điều quan trọng nhất là mẫu mực, nêu gương – là nền tảng để xây dựng cốt cách cán bộ. Đối với công việc, phải chí công vô tư và được nhân dân đồng tình ủng hộ; kiên trì, mềm dẻo, có một chút kỹ năng để cùng nhân dân góp sức xây dựng NTM.

Câu 3: Không chỉ có khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước xây dựng quê hương mà ông Trần Quang Huy còn là một trong những cây bút nặng tình với những tấm gương người tốt, việc tốt. Nhiều năm liền ông đều có các tác phẩm đạt giải cao trong các Cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt cấp huyện và thành phố. Ông có thể chia sẻ thêm với độc giả về biệt tài này của mình?

Ông Trần Quang Huy trả lời:

Thưa quý vị, nặng tình thì có, nặng lòng thì có, nhưng về biệt tài thì không dám nhận. Tôi chỉ dám nhận mình có chút năng khiếu và có một số kết quả nhất định trong cuộc thi. Tôi còn nhớ, từ năm 2015, huyện Chương Mỹ đã tổ chức Hội nghị phát động về Cuộc thi viết, phát hiện gương điển hình tiên tiến, NTVT. Nội dung cuộc thi rất ý nghĩa ngay ở cái tên, đúng đề tài mà xã hội đang rất thiếu.

Huyện Chương Mỹ đã tổ chức Hội nghị phát động về Cuộc thi viết, phát hiện gương điển hình tiên tiến, NTVT. Tôi đã tham gia cuộc thi được mấy năm nay. Lúc đầu tôi cũng rất ngại vì mình đã lớn tuổi nhưng khi tham gia cuộc thi tôi đã cố gắng và có kết quả. Khi tham gia cuộc thi, tôi thấy huyện Chương Mỹ đã tổ chức rất nghiêm túc.

Chính ban tổ chức cuộc thi đã truyền động lực cho tôi. Các nhân vật cứ cuốn mình vào cuộc thi. Tôi ngưỡng mộ, say mê các nhân vật của mình. Tôi đã dành một phần tâm sức của mình để góp vào thành công của cuộc thi. Với ngòi bút nông dân, đặt sự cố gắng lên hàng đầu, tôi luôn xác định trong tất cả mọi công việc, nếu có cố gắng sẽ có kết quả.

Ở huyện, mỗi năm đều tổ chức một buổi tập huấn cho các cây bút không chuyên của huyện về kỹ năng viết bài. Tổng kết cuộc thi, những NTVT, những người cầm bút viết ai cũng xúc động. Tác giả, nhân vật được giao lưu với nhau trong không khí ấm áp, xúc động. Tôi nhận thấy rằng mỗi khi cầm bút viết một bài viết là tôi đã làm được một việc tốt rồi. Khi giới thiệu nhân vật với độc giả thì nhân vật, con người ấy được lan tỏa trong xã hội; để cái tốt, cái đẹp trong xã hội được nhân lên. Tôi mong muốn đến một lúc nào đó cái xấu không còn chỗ đứng.

Trong thời gian tham gia cuộc thi viết tôi đã 2 lần được giải khuyến khích. Vì mỗi lần thi viết là một lần mình thi đua, cố gắng để có kết quả cao hơn. 2 lần được UBND thành phố tặng Bằng khen; 3 lần được UBND huyện tặng danh hiệu Người tốt việc tốt.

--- 09:20:21 ---

Nội dung giao lưu với Đỗ Tuấn Anh, Phó Phòng Nội vụ huyện Chương Mỹ

Ông Trần Quang Huy chỉ là một đại diện tiêu biểu trong rất nhiều những tấm gương sáng của mảnh đất Chương Mỹ, đóng góp vào vườn hoa NTVT đầy hương sắc của Thủ đô.

Trong những năm qua, số lượng NTVT của huyện Chương Mỹ được Thành phố Hà Nội công nhận không ngừng tăng lên; huyện có 2 cá nhân được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Điều đó cho thấy sự nỗ lực đổi mới có hiệu quả trong công tác thi đua, khen thưởng của huyện; đặc biệt có sự đóng góp lớn của việc phát hiện và nêu gương điển hình tiên tiến, NTVT, góp phần lấy cái đẹp, dẹp cái xấu ở một đơn vị cấp quận huyện.

Câu 1: Sau đây, xin mời ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Chương Mỹ hãy chia sẻ với độc giả đôi điều?

Ông Đỗ Tuấn Anh trả lời:

Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Chương Mỹ

Vâng! Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có 106 cá nhân được Chủ tịch UBND Thành phố tặng danh hiệu người tốt, việc tốt; 7 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Thành phố; 2 cá nhân được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú; cũng trong thời gian này, nhân dân và cán bộ huyện Chương Mỹ 2 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, 2 lần được UBND Thành phố tặng Cờ; năm 2018 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều cá nhân được các cấp khen thưởng.

Để đạt được những kết quả đó, trước tiên là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và quyết tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ huyện đến cơ sở.

Chương Mỹ đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành phố về công tác thi đua, khen thưởng, cụ thể là: Hàng năm đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên, phong trào thi đua chuyên đề tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cấp bách, các khâu yếu, việc khó. Kết thúc đợt thi đua có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua, đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội. Các gương điển hình tiên tiến được tuyên truyền để mọi người học tập, làm theo, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Từ năm 2015, thành phố phát động cuộc thi viết, phát hiện gương điển hình tiên tiến, NTVT, huyện Chương Mỹ đã đưa cuộc thi đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhiều tập thể, cá nhân đã hăng hái tham gia, gửi bài viết đúng thời gian quy định. Qua những bài viết mà nhân dân gửi đến, huyện phát hiện và kịp thời biểu dương nhiều tấm gương sáng; nhiều cá nhân được Thành phố khen thưởng nhờ phát hiện qua cuộc thi.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng gương ĐHTT, từ năm 2017 thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, đơn vị toàn thành phố thành lập Tổ công tác chuyên đề về phát hiện, đề xuất khen thưởng ĐHTT, NTVT. Huyện Chương Mỹ cũng thành lập Tổ công tác cấp huyện.

Tổ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đôn đốc các các đơn vị trực thuộc huyện tổ chức thực hiện cuộc thi viết đảm bảo chất lượng, hiệu quả; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về cuộc thi viết trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ cũng có nhiệm vụ phát hiện, thẩm định thành tích đột xuất, gương điển hình tiên tiến, NTVT và thực hiện các quy trình, đề xuất Chủ tịch UBND huyện cũng như gửi Ban Thi đua Khen thưởng Thành phố trình khen thưởng.

Ngoài ra, bám sát, kịp thời áp dụng các chỉ đạo cũng như hướng dẫn của thành phố về thi đua khen thưởng vào thực tế địa phương. Ví dụ, đầu năm 2018, thành phố đã ban hành Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng danh hiệu NTVT với tiêu chí được đổi mới, rõ ràng, cụ thể, không gây trùng lặp giữa khen thưởng NTVT với việc bình xét khen thưởng thành tích công tác năm, tổng kết các chuyên đề thi đua. Quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng được rút gọn, đảm bảo yêu cầu của việc khen thưởng, động viên kịp thời. Đối tượng xét tặng cũng được mở rộng đối với cả người nước ngoài có việc làm tốt, nghĩa cử cao đẹp đóng góp cho Thủ đô. Do đó, có rất nhiều người chỉ là những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, thậm chí không biết chữ nghĩa, nhưng họ có hành động, nghĩa cử đẹp đã được phát hiện và kịp thời biểu dương mà không cần phải e dè vì những báo cáo hay quy trình phức tạp. Do đó, phong trào thi đua làm việc tốt trong nhân dân huyện Chương Mỹ ngày càng sôi nổi. Những hành động đẹp, việc làm tốt, ứng xử nhân văn trong đời sống xã hội được lan tỏa rộng khắp, góp phần đẩy lùi cái xấu, tiêu cực ra khỏi xã hội.

--- 09:32:38 ---

Giao lưu với bạn Ngô Thị Vân Anh, Chương Mỹ

Tọa đàm còn giao lưu với bạn Ngô Thị Vân Anh, một cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng, đồng thời là thành viên Tổ công tác chuyên đề về phát hiện, đề xuất khen thưởng ĐHTT, NTVT huyện Chương Mỹ, dù trẻ tuổi nhưng vô cùng nhiệt huyết. Cô đã chủ động phát hiện, kết nối với nhiều gương sáng ở địa phương, giới thiệu cho nhiều cơ quan báo chí tìm hiểu, tuyên truyền, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.

Câu 1: Bạn đọc Nguyễn Lan Hương, ở Đắk Lắk gửi đến bạn câu hỏi như sau: Bạn Vân Anh thân mến, từng có người cho rằng, việc bố trí cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng hiện nay còn nhiều bất cập. Có nơi thì cán bộ kiêm nhiệm, có nơi thì cán bộ yếu về chuyên môn nhưng giỏi ca múa hát, các hoạt động bề nổi một chút thì đẩy về làm thi đua… Bạn nghĩ sao về điều này?

Ngô Thị Vân Anh trả lời:

Bà Ngô Thị Vân Anh, Phòng Nội vụ huyện Chương Mỹ

Kính thưa quý vị đại biểu và bạn đọc.

Hiện nay, công chức phụ trách công tác thi đua, khen thưởng đa phần là kiêm nhiệm; điều này mang đến rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

Có những người cho rằng chỉ cần có chút năng khiếu thì có thể làm thi đua. Có thể thấy, rõ ràng làm công tác thi đua, khen thưởng không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, không phải chỉ “hoan hỉ”, “vỗ tay”, người công chức phụ trách không phải chỉ biết hoạt náo, “đàn, ca, sáo, nhị”, những điều đó đúng nhưng chưa hoàn toàn chính xác; nội hàm thi đua, khen thưởng gồm rất nhiều vấn đề, mang tính quá trình, đặc thù, đòi hỏi phải được phải được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Từ đó, yêu cầu đối với công chức phụ trách cũng rất cao, toàn diện và đầy đủ về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và đặc biệt là cần cái tâm và cái tình với nghề, đam mê, trách nhiệm, nhiệt huyết và trên hết là mong muốn cống hiến cho nghề.

Thi đua, khen thưởng nhiều người khi nghe đến thì chỉ nghĩ rằng đó đơn thuần chỉ là phát giấy khen, tiền thưởng. Tôi thậm chí được nghe nhiều người nói: “Ôi giời, thi đua thì nhàn không, có việc gì đâu, chỉ phát có mấy cái giấy khen thôi chứ gì”, những lúc đó tôi cũng chỉ cười. Cũng có nhiều cán bộ thi đua tại các quận, huyện khác trò chuyện rằng công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị họ bị xem nhẹ, bản thân họ không được coi trọng. Lúc đó tôi đã nhìn thẳng họ và nói: “Thi đua, khen thưởng có được coi trọng hay không phụ thuộc hai yếu tố: Một là lãnh đạo đơn vị có quan tâm công tác này hay không và hai là do những người làm thi đua, chính chúng ta có làm tốt hay không, có nhiệt huyết với thi đua, khen thưởng hay không. Nếu cơ quan thường trực, chuyên môn tham mưu hay, phong trào thi đua phát triển, đạt được những thành quả nhất định thì sẽ nhận được sự trân trọng của mọi người và từ đó vị trí của cán bộ thi đua chúng ta sẽ được khẳng định”.

Tôi luôn tự hào với họ rằng lãnh đạo huyện Chương Mỹ luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng; công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn huyện được coi trọng và ngày càng phát triển, cá nhân tôi cũng được ghi nhận và nhận được sự yêu mến của mọi người. Hơn hết, sau 4 năm gắn bó với thi đua, khen thưởng, tâm hồn tôi đã được nuôi dưỡng tâm, hướng thiện và ngày càng say nghề hơn. Tất cả cũng bởi lẽ, làm thi đua, tôi đã may mắn được gặp nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu. Chính con người họ, những việc làm bình dị của họ đã lan tỏa đến tôi, giúp tôi sống đẹp hơn.

Câu 2: Hơn 4 năm gắn bó với công tác thi đua, khen thưởng, lại là thành viên của Tổ chuyên đề phát hiện gương ĐHTT, NTVT huyện Chương Mỹ, Vân Anh có câu chuyện nào đáng nhớ trong quá trình tham gia hoạt động của Tổ công tác chuyên đề này? (bạn đọc có email dangthucanh372013@gmail.com)

Ngô Thị Vân Anh trả lời:

4 năm gắn bó không phải là thời gian quá dài nhưng với tuổi trẻ của tôi thì đó là thời gian tương đối, đủ cho tôi góp nhặt nhiều kỷ niệm, nhiều tình cảm và nhiều tấm lòng mà tôi nghĩ rằng sẽ gắn bó với mình cho đến mãi về sau.

Còn nhớ năm 2018, tôi và bác Thanh “cứu thương” - công dân của huyện được Chủ tịch Thành phố tặng danh hiệu NTVT năm 2018 tham gia tổng duyệt chương trình giao lưu NTVT tiêu biểu của Cụm thi đua số 11 tại huyện Thanh Oai, 15h chiều, hai bác cháu đi từ Thanh Oai về Chương Mỹ, bạn biết tôi ngồi trên phương tiện nào không? Đó là chiếc xe cứu thương của bác Thanh, chiếc xe cũ bác tự sắm để giúp đỡ những người không may mắn gặp tai nạn. Trời thì nắng như đổ lửa, chiếc xe cũ rỉ kêu lọc xọc, toàn bộ ghế bọc bằng những chiếc áo mưa xanh, nhiều vết máu vương vãi trên xe, thậm chí chiếc ghế tôi ngồi cũng có rất nhiều vết máu khô, xe không máy lạnh, cửa kính mở toang, ngồi phía trước mà nắng cứ chiếu thẳng vào mặt, gió thốc tóc rối tung, vậy mà hai bác cháu vẫn chuyện trò rôm rả, cười giòn tan, thi thoảng lại có tiếng còi cứu thương vang lên làm tôi rất phấn khích, với tôi đó là chuyến đi “nhớ đời”, đúng như câu nói tôi đã nói với bác: “Chắc cuộc đời của cháu sẽ không bao giờ có được một trải nghiệm tuyệt vời nào như thế này nữa”.

Ngô Thị Vân Anh trong vai trò là người dẫn chương trình các diễn đàn giao lưu NTVT huyện Chương Mỹ

4 năm làm thi đua khóc có, cười có, luôn có những ngày làm việc xuyên đêm, có những lúc máu cam mũi cứ chảy mãi vì mệt, tay đẫm máu vì kính khung khen bị rơi vỡ găm vào; làm việc đến gần 24h đêm để chuẩn bị hiện vật khen thưởng cho hội nghị sớm ngày hôm sau… Những lúc như thế này nếu không yêu nghề, trách nhiệm với nghề thì có lẽ công việc của tôi sẽ không thể hoàn thành tốt. Chính những trải nghiệm ý nghĩa đó khiến tôi luôn vui, hạnh phúc với công việc ngay cả trong những lúc khó khăn, vất vả. Tôi vẫn luôn biết ơn vì được phụ trách thi đua, khen thưởng; được trải nghiệm và trưởng thành, cho tôi một tuổi trẻ nhiệt huyết và đam mê.

Tôi thấy may mắn khi được gặp chị Hòa, bác Thanh, bác Huy, cô Phái, anh Huy, chị Lan Anh… những con người bình dị, bông hoa tươi đẹp của Chương Mỹ. Đã có những túi lạc không mẩy lắm, những quả nhãn nhà trồng, túi đậu đen sạch hạt không mập mạp, mấy chục quả trứng gà ta, chiếc váy kẻ tự may lấy, túi cá cơm khô sau chuyến đi du lịch của các bác, các cô, các anh, các chị NTVT qua bác bảo vệ Ủy ban nhân dân huyện hay để lén trước cửa phòng làm việc của tôi từ khi tôi chưa đến chỉ bởi lẽ sợ tôi không nhận.

Gặp gỡ, chứng kiến những việc làm bình dị của những tấm gương ĐHTT, NTVT mà nhiều khi tôi thấy thẹn lòng, luôn nhắc nhở bản thân phải tu dưỡng và sống tốt, phải cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Càng nhận được nhiều tình yêu thương của họ, tôi lại càng trăn trở, bởi dẫu biết rằng những điều họ cho đi không bao giờ mong đền đáp nhưng tôi vẫn luôn muốn làm điều gì đó như lời tri ân, tiếp thêm động lực để họ tiếp tục nhân lên những việc làm vĩ đại đó. Bởi vậy mà tôi luôn cực kỳ trân trọng, cố gắng hết sức, dồn hết tâm huyết để lan tỏa những việc làm của họ, đưa phong trào thi đua huyết nhà đi lên, tôi nghĩ rằng đó chính là điều duy nhất tôi có thể làm, là lời cảm ơn chân thành nhất tôi có thể gửi đến những tấm gương cao quý của huyện.

--- 09:42:45 ---

Chủ đề 2: Lan tỏa những bông hoa đẹp

Giao lưu với Nhà báo Trần Thảo, Báo Kinh tế và Đô thị

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng những tấm gương người tốt, việc tốt. Người cho rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”; “Đối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Đảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn”.

Bởi vậy, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian nghe thời sự, đọc báo nắm bắt thông tin tình hình đất nước, vừa nghe tin tức, vừa biết những tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp cả nước, từ đó để động viên khích lệ kịp thời.

Nhà báo Trần Thảo (áo dài xanh) nhận Giải nhì Cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT TP Hà Nội năm 2019

Có một cây bút trẻ luôn tích cực phát hiện và có nhiều bài viết chất lượng, tuyên truyền về phong trào thi đua, gương điển hình tiên tiến, NTVT của TP Hà Nội. Từ năm 2015 đến nay, cô liên tục đạt giải trong cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt cấp Thành phố. Năm 2018, cô được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội vì có thành tích trong tổ chức thực hiện tốt Cuộc thi viết; giải B cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh 2018”; năm 2019 đạt giải C cuộc thi “Phụ nữ với trật tự an toàn giao thông & văn minh đô thị”. Mới đây, cô được Bằng khen của UBND TP Hà Nội vì có thành tích tuyền truyền tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid -19.

Câu 1:  Thưa chị Thảo, nói đến nghề báo, không chỉ là vạch trần cái xấu, mà quan trọng hơn, đó là đề cao và khuyến khích những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng để tạo được sức hấp dẫn cho những bài báo viết về những điều tốt đẹp không dễ. Thậm chí là rất khó. Đó là lúc thể hiện được năng lực và tâm huyết của người làm báo. Chị nghĩ gì về điều này?

Nhà báo Trần Thị Thảo trả lời:

Thường trong chúng ta đều thích nghe, thích đọc, tò mò  với những thông tin, những bài báo mang tính chất phản biện. Những thông tin đó thường thu hút đa số bạn đọc vì tính hấp dẫn của sự việc.

Còn để tạo được sức hấp dẫn cho những bài báo viết về những điều tốt đẹp là rất khó, nhất là viết bài lấy đi nước mắt của người khác lại càng khó. Tôi nghĩ, những bài báo viết về những điều tốt đẹp hấp dẫn hay không, đôi khi phụ thuộc vào chính nhân vật hay sự việc mình khai thác. Phần còn lại là phụ thuộc vào năng lực, tâm huyết, cảm xúc của người viết.

Chân dung Nhà báo Trần Thảo, Báo Kinh tế và Đô thị

Để tạo được sức hấp dẫn cho những bài báo viết về những điều tốt đẹp, tôi thường đọc thêm tài liệu, sách vở, đọc tham khảo các bài báo của đồng nghiệp, không ngừng trau dồi kiến thức, luôn học hỏi các đồng nghiệp. Đặc biệt, việc tiếp cận trực tiếp hoặc gián tiếp với nhân vật ở nhiều sự việc, ở nhiều khía cạnh khác nhau sẽ là nguồn chất liệu quý giá, mang lại cho tôi những cảm xúc đa chiều, cái nhìn toàn diện về nhân vật hơn. Tôi có thói quen, cứ lúc nào có cảm xúc dâng trào thì lúc đó tôi mới có thể thăng hoa, thả hồn mình vào trong bài viết.

Câu 2: Có nhiều người làm báo nhiều năm nhưng họ chưa từng có những tác phẩm về đề tài NTVT, mà chủ yếu là những tác phẩm điều tra, phóng sự, vạch trần cái xấu. Họ sẵn sàng dấn thân vào đường dây ma túy, được đóng giả người này người kia, rất thú vị. Vậy theo chị, viết về đề tài NTVT có cần sự dấn thân?

Nhà báo Trần Thị Thảo trả lời: Tôi nghĩ đã là làm báo thì luôn đòi hỏi sự dấn thân của người làm nghề. Để có những tác phẩm phản ánh chân thực nhất, dù là lĩnh vực pháp luật điều tra hay gương điển hình tiên tiến, NTVT đều cần sự dấn thân.

Nhà báo Trần Thảo theo chân những bác sĩ tuyến đầu chống dịch để tác nghiệp

Tôi xin kể một ví dụ điển hình về đợt dịch Covid-19. Trong dịch Covid-19, mọi người đều tránh xa và kỳ thị những bệnh nhân nghi mắc hoặc đã mắc  Covid-19. Cũng như giống như các y, bác sĩ đã phải hy sinh thầm lặng để cứu chữa cho những bệnh nhân Covid-19, chúng tôi - những phóng viên không thể vì sợ Covid-19 mà ngồi ở nhà. Thời gian đầu, tôi luôn phải đấu tranh tư tưởng giữa việc xông vào trận chiến hay ở nhà. Vì nếu xông vào trận chiến (cụ thể là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) thì mình sẽ có những nhân vật hay nhất, những thông tin mới nhất, hấp dẫn nhất, độc nhất để đưa tới bạn đọc nhưng đổi lại mình sẽ phải cách ly với mọi người. Mình không được chăm sóc con nhỏ và gia đình, điều đó làm mình ái ngại.

Nhưng sau đó không lâu, tôi quyết định phải vào trận chiến, phải dấn thân mới có những tác phẩm để đời. Sau những lần xông pha vào phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đi theo đội phản ứng nhanh của Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm lấy mẫu bệnh phẩm cho bệnh nhân Covid-19, hay đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để ghi lại được những hình ảnh, câu chuyện, những tấm gương xúc động.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi đó là đợt đi theo đội phản ứng nhanh của Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm lấy mẫu bệnh phẩm cho bệnh nhân Covid-19.

Đó lần đầu tiên, tôi đi phỏng vấn quên không mang máy ảnh. Đến khi mượn được máy ảnh lúc về lại làm rới mất thẻ nhà báo. Lúc đó, tôi lo lắm! Nhưng may mắn thay, khi tôi quay lại đoạn đường đã đi qua thì thẻ nhà báo vẫn nằm chơ vơ bên vệ đường. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi trùm lên người bộ quần áo màu xanh bảo hộ. Mắt mờ với quả kính to đùng che mặt, tay qua mấy lần găng, chân đi đất (vì trót đi giầy cao gót, nếu đi tất bảo hộ, giầy sẽ chọc thủng tất nên đi chân đất qua lớp tất bảo hộ, chứ quyết không chịu ở vòng ngoài). Vì chiếc mũ xanh bảo hộ che kín mắt, phần vì đeo 2 lớp khẩu trang khó thở khiến hơi bay lên làm mờ kính. Tác nghiệp trong khói mờ, nhân ảo thêm phần khó khăn. Khâu cuối cùng, khử khuẩn toàn thân, khi cởi bộ đồ bảo hộ sai quy cách bị các bác sĩ trong kíp trực mắng, làm tôi cũng lo không biết Covid-19 đã “kịp” vương vào người mình chưa?

Những lúc như thế này, chúng tôi mới cảm nhận rõ sự gian nan vất vả của các y, bác sĩ, những người hùng thầm lặng chiến đấu với SARS-CoV-2, đẩy lùi dịch Covid-19.

--- 09:53:41 ---

Giao lưu với bà Nguyễn Thị Nhôm (Nhung)

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”, thi đua không nhất thiết phải đưa ra những mục tiêu to lớn, cao siêu, càng không phải là việc cao hứng nhất thời; thi đua chính là việc mỗi người nỗ lực làm tốt hơn công việc hằng ngày của chính mình. Thi đua còn là một phương cách tốt để mọi người giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, để quần chúng nhân dân hăng hái tham gia vào đời sống thực tiễn, tôi luyện và trưởng thành. Thi đua xã hội chủ nghĩa giúp cải tạo con người, nhằm xây dựng những nhân tố tiên tiến, nâng đỡ những người kém cỏi, làm cho mọi người giỏi hơn, tốt đẹp hơn, “người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”.

Có một người phụ nữ, luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác, thương người như thể thương thân, không nề hà vất vả, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là bà Nguyễn Thị Nhôm (tên thường gọi là Nhung), chủ hộ kinh doanh tại chợ Châu Long, quận Ba Đình.

Tuy chỉ là chủ một cơ sở kinh doanh nhỏ nhưng nhiều năm qua, bà Nhung luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Bà còn là người phụ trách nhóm thiện nguyện Mùa thu. Bà đã bỏ tiền tích góp trong 20 năm kinh doanh của mình mua căn nhà 4 tầng tại số 137, phường Thanh Nhàn, quận Đống Đa làm trụ sở Hội thiện nguyện, hàng tuần, tổ chức phục vụ 3 lần, mỗi lần 3000 suất cháo cho các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.

Câu 1: Bạn đọc trẻ Bùi Anh Tuấn, địa chỉ email anhtuan1992@gmail.com phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh hỏi:  Làm bất kỳ việc gì cũng có điểm bắt đầu. Vậy hành trình đến và gắn bó với những công việc thiện, việc nghĩa của bà bắt đầu từ khi nào?

Bà Nguyễn Thị Nhôm trả lời:

Bà Nguyễn Thị Nhôm, chủ hộ kinh doanh tại chợ Châu Long, quận Ba Đình

Tôi vốn là bộ đội, sau đó chuyển ngành làm trong đơn vị hành chính sự nghiệp với đồng lương ít ỏi cùng 13 kg gạo hàng tháng chỉ đủ nuôi sống gia đình. Chồng tôi cũng là bộ đội, cuộc sống giản dị lắm.

Năm 1987, khi nghỉ sinh đứa con gái đầu lòng ở nhà thì có một bà cụ già tên là Lộc mặc bộ quần áo rách rưới, tìm đến nhà, gõ cửa để xin ăn. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của bà, không còn sức để nói, sắp lả đi vì đói. Gái đẻ lúc đó chỉ có nồi cơm nóng với mấy quả trứng luộc. Tôi rót nước mời bà uống rồi ra vườn hái thêm rổ rau dền để luộc lên làm canh. Tôi mời bà ăn cơm, nhìn bà ăn hết suất của gái đẻ rồi dần dần hồi tỉnh, nước mắt tôi cứ trào ra. Một phần vì thương bà, phần nữa là bởi tôi cảm thấy quá hạnh phúc vì bát cơm, quả trứng với mớ rau rền đơn sơ của gia đình tôi đã cứu sống được một bà cụ từ cõi chết trở về.

Sau khi tỉnh táo hơn, cụ kể chuyện về cuộc đời bất hạnh và không có nhà cửa, không nơi nương tựa của cụ, không có người chăm sóc, tôi đã bàn với chồng giữ bà cụ lại để chăm sóc. Bà già yếu thì ở nhà trông con giúp cho mình, mình khỏe mạnh thì đi làm thêm. Từ đó, bà như là người trong gia đình. Bà hết lòng yêu thương, chăm sóc gia đình tôi, người xa lạ từ đâu đến nhưng chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc.

Từ đó, tôi cũng nhận ra rằng, cứu được một người giúp mình truyền năng lượng, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác mới là nguồn động lực giúp tôi hạnh phúc thực sự.

Mặc dù cuộc sống khó khăn, không dễ dàng gì với gia đình nhưng hễ gặp ai khổ, bất hạnh là tôi lại động lòng trắc ẩn, phải tìm cách giúp bằng được. Cứ như thế, tôi bị cuốn theo việc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh cho đến nay. Tôi bàn với chồng nếu làm hành chính sự nghiệp lương có 13 kg gạo không đủ sống. Bà nội cả đời đi làm việc thiện, tôi giống bà nội, không làm thiện không chịu được.

Từ làm công ty, tôi bỏ ra ngoài chạy chợ, bán rong từ quả chanh, quả ổi rồi sau này khi có điều kiện thuê được chỗ bán trong chợ Châu Long. Tôi cảm nhận thấy, mọi việc chạy chợ của tôi tuy vất vả sớm tối hay trưa hè nắng nóng nhưng luôn thuận lợi, bán được hàng. Do đó, tôi có thêm điều kiện để giúp thêm nhiều người.

Câu 2: Bạn đọc Tô Lan Hương, phường Kim Liên, quận Đống Đa, địa chỉ email lanhuonggnc@gmail.com có hỏi: Được biết, bà đã giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như: Giúp đỡ em Trương Đình Tứ (16 tuổi) bị trầm cảm, khó giao tiếp, nhận thức. Hiện nay sức khỏe và tinh thần của em Tứ đã tốt hơn; dần hòa nhập với cộng đồng.

Thưa bà, nuôi một người bình thường đã khó, lại còn nuôi người yếu thế, khiếm khuyết, chắc chắn phải là người có tấm lòng nhân hậu vô bờ bến. Vậy bà có thể chia sẻ về việc này, có khó khăn gì trong việc tiếp nhận các em? Có lúc nào bà cảm thấy mệt mỏi và không muốn nuôi các em nữa không?

Bà Nguyễn Thị Nhôm trả lời:

Khi tôi đi tìm mộ liệt sĩ, tôi vào nhà anh Trương Đình Nợ, bố Trương Đình Tứ, ánh mắt tôi chợt nhìn thấy cháu Tứ. Tôi hỏi cháu “Sao lại ngồi đây?”, cháu hất tay tôi ra. Bố cháu nói cháu mắc bệnh trầm cảm, ngày ở nhà, tối cầm dao ra ngoài đường muốn đánh nhau. Tôi muốn đưa cháu ra Hà Nội chữa bệnh. Bố cháu nói bệnh không chữa được. Tôi nghĩ trong Quảng Bình không có điều kiện chữa trị nên đã xin bố cháu ra Hà Nội chữa bệnh. Tôi mang cháu ra theo dõi ở nhà 1 tuần, rất buồn vì một ngày cháu ăn hết 8 quả dưa hấu vì nhà cho uống thuốc nhiều năm nên bị ảnh hưởng. Tôi đưa cháu ra Trâu Quỳ, kết luận là yếu dây thần kinh, bác sĩ không nhận, đơn thuốc chỉ có thuốc thần kinh. Có hôm đang nằm ở phòng riêng, cháu lại xuống phòng tôi nằm cùng nên tôi hỏi: “Sao cháu lại nằm đây?”, Lúc đó, cháu có cầm dao ở chân giường, làm tôi rất sợ. Nhưng tôi lại thương cháu nhiều hơn nên quyết tâm giữ cháu bên cạnh và quyết định chữa bệnh cho Tứ bằng chính tình thương của mình.

Tôi đưa cơm cho cháu ăn, tôi cầm lấy tay con và đặt vào bát cơm rồi nói “con đẹp trai, con ăn cơm đi với mẹ” và luôn nhìn thẳng vào mắt con. Hằng ngày tôi nấu cơm, cháo, trò chuyện với cháu, dạy cháu hát, kể chuyện. Tôi uống nước, tôi cũng rót cho con một cốc, con bảo không khát nhưng tôi bảo: Vậy con nhấp một miếng thôi vậy. Hàng ngày đi chợ, tôi đánh thức cháu dậy sớm đi cùng, lên ngồi bán hàng cùng tôi. Tôi dạy cho cháu nghe con ốc ngon thì có tiếng như thế nào, con ốc hỏng thì nhận biết làm sao…Tôi cứ dạy cháu từ những điều nhỏ nhất…

 Cứ thế, sau 3 năm, Tứ đã dần khỏi bệnh và hiện nay đang cùng tôi buôn bán tại chợ Châu Long. Hiện nay, cháu quản lý kho hàng nhập hải sản cho tôi ở chợ. Cháu rất nhanh nhẹn và hiền lành. Tình hình nhập hàng chất lượng cụ thể ra sao đều báo với mẹ qua zalo rất nhanh nhẹn. Tôi rất hạnh phúc khi thấy con mình lớn lên mỗi ngày. Tôi làm việc thiện nhiều cũng nhờ cháu.

Tuy có những lúc mệt mỏi vì tuổi mỗi ngày một già nhưng tôi luôn tự hào vì mình có một gia tài hạnh phúc là những đứa con không do mình sinh ra nhưng lại luôn yêu thương, biết ơn và gọi mình là mẹ. Có cháu ở với tôi khi còn bé, lớn lên vợ chồng tôi lại dựng vợ, gả chồng. Bởi vậy mà tôi chưa bao giờ muốn rời xa các con của mình.

Câu 3: Bạn đọc có địa chỉ facebook Huyền Mùa thu có gửi đến Tòa soạn câu hỏi dành cho bà Nhung như sau: Lý do nào khiến bà quyết định mua ngôi nhà từ tiền cóp nhặt bao năm buôn bán để giao cho nhóm từ thiện Mùa thu? Bà có thấy quá vất vả không, khi hằng ngày đã đi chợ buôn bán vất vả mà vẫn dậy sớm để nấu cháo cho các bệnh nhân ở các bệnh viện?

Bà Nguyễn Thị Nhôm trả lời:

Tôi biết đến nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” từ hơn 3 năm nay và hầu như tháng nào gia đình tôi cũng đóng góp 1 tạ gạo để nhóm nấu cháo tặng bệnh nhân tại 7 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Cũng vì thấy các bạn trong nhóm thiện nguyện phải nấu nhờ ở viện nhi rất nóng bức, khổ sở nên tôi đã quyết định bỏ ra số tiền tích góp được trong 20 năm buôn bán của mình, mua ngôi nhà 4 tầng tại phố Lạc Nghiệp, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) để làm nơi những người có tấm lòng thảo thơm cùng đến nấu cháo từ thiện.

Dù có nhiều người tìm đến tôi thuê nhà nhưng tôi mua nhà để làm thiện chứ không phải để kinh doanh.

Hiện nay, cứ đều đặn mỗi tuần 3 lần, vợ chồng tôi dậy từ 3 giờ sáng để nấu cháo thiện nguyện. Có những hôm ốm tưởng như không thể gượng dậy được nhưng với lòng hướng thiện cùng niềm tin vào Phật pháp “gieo nhân nào gặt quả ấy”, tôi lại trở dậy tiếp tục công việc thiện nguyện của mình một cách hứng khởi và vui vẻ để góp sức mình vào những hoạt động ý nghĩa để xã hội bớt đi những số phận bất hạnh, khổ đau. Đó là niềm tự hào của tôi và chồng.

Đơn giản vì tôi tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự của mình không phải ở đâu xa mà chính là những niềm vui, sự thoải mái trên khuôn mặt của những bệnh nhân nghèo khổ. Họ đón nhận bát cháo, đón nhận sự động viên, chia sẻ của chúng tôi mà gương mặt họ như thư thái, tự tin hơn trong cuộc sống.

Tôi không biết theo mọi người như thế nào là khổ, nhưng không được tự tay nấu cháo, phát cháo cho những bệnh nhân nghèo; thấy những người có hoàn cảnh khó khăn mà tôi không giúp được thì trong thâm tâm tôi còn cảm thấy khổ cực hơn cả những cái nóng bức mùa hè, những buổi sáng sớm mai giá lạnh.

Câu 4: Bạn đọc Kim Ngân ở Thanh Xuân, Hà Nội có hỏi: Làm điều tốt, điều thiện là điều tuyệt vời trong cuộc sống. Tuy nhiên, để lòng tốt của mình không bị lợi dụng, để từ thiện đúng người, đúng chỗ, bà và nhóm Mùa thu đã có những phương pháp như thế nào? Bà có dự định gì trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Nhôm trả lời:

Trước khi vào nhóm thiện, tôi luôn quan niệm, với người làm việc thiện thì phải hiểu sâu sắc câu nói “Của cho không bằng cách cho”, tức là giúp đỡ đúng người, đúng lúc họ khó khăn nhất mới thực sự là niềm hạnh phúc.

Chúng tôi rất đoàn kết, yêu thương nhau, 4 năm chúng tôi xây dựng được 4 điểm trường, thường xuyên hỗ trợ cho các em ở Phú Thọ, Lào Cai cho 30 cháu, mỗi tháng hỗ trợ 500 nghìn. Chuẩn bị đi khảo sát điểm trường ở Điện Biên, chuẩn bị xây dựng trường. Chị em tôi nguyện làm việc thiện và muốn lan tỏa điều đó ra cộng đồng để xã hội không có người đói khổ, thiếu may mắn.

Khi cả nước đang đương đầu với đại dịch Covid – 19, cả nhóm chúng tôi chỉ có 3 người dũng cảm tình nguyện đến trao tận tay các suất quà cho hộ nghèo. Bước vào căn nhà rộng khoảng 6 m2 chật chội và không có gì quý giá của một người phụ nữ bị khuyết tật, chúng tôi vô cùng xót xa và ôm nhau khóc vì thương cho cho số phận thiệt thòi của họ.

Ngoài ra, với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, để tránh trường hợp lòng tốt bị lợi dụng, tôi và nhóm Mùa thu luôn đến tận nơi để hiểu rõ gia cảnh từng em, sau đó ủy quyền cho chính quyền địa phương dùng khoản tiền do mình quyên góp được để giúp các em đóng học phí và sinh hoạt hàng tháng. Hàng năm, qua các chuyến đi thiện nguyện, tôi sẽ lại vào tận nơi để thăm nom tình hình và giúp đỡ thêm những người có hoàn cảnh khó khăn khác.

Tôi vẫn thường nói với chồng: Mình là bộ đội nên chân chất, giản dị, không thích phô trương những việc đã làm. Thế nhưng tuổi mỗi ngày một nhiều, sức khỏe yếu dần đi cũng không cho phép tôi làm được nhiều như trước. Bởi vậy, tôi luôn muốn lan tỏa tinh thần hướng thiện, sống thiện của mình đến mọi người để cùng chung tay giúp đỡ những số phận bất hạnh trong cuộc sống.

Vì vậy, dù là người không muốn hình ảnh của mình xuất hiện nhiều nơi, tôi vẫn sẵn sàng tham gia vào các buổi phát trực tiếp của nhóm để chứng minh những việc mình làm hoàn toàn từ cái tâm trong sáng để kết nối, kêu gọi những người có trái tim nhân hậu tìm đến với nhau, cùng chung tay góp sức để bớt đi những nghèo đói, khổ đau, làm cho xã hội thêm tươi đẹp, hạnh phúc hơn.

Tôi cũng hi vọng sẽ xây dựng được nhiều trường bán trú cho trẻ em vùng cao để các em có điều kiện học tập, sinh hoạt thật tốt, mai này gắng sức phụng sự tổ quốc và xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh hơn.

---10:16:21---

Giao lưu với Đào Thị Phương Anh, hướng dẫn viên du lịch Công ty Bestour

Năm 2020 là một năm cả thế giới phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Từ ngày 23/1/2020, dịch Covid-19 được xác định ở Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc chiến đầy cam go, thử thách.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cứu người thoát dịch; coi con người là vốn quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ ngành ngoại giao, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương… đã vào cuộc quyết liệt, quyết đoán với thông điệp quan trọng là “chống dịch như chống giặc”, không ai đứng ngoài cuộc. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Trong đại dịch ấy, Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã bám sát tình hình, cập nhật thông tin dịch bệnh, hàng trăm tin bài được đăng tải. Đặc biệt, để kịp thời ghi nhận và động viên những người trên tuyến đầu chống dịch, phóng viên của Tạp chí tập trung khai thác, tuyên truyền hàng chục tấm gương sáng có những hành động, nghĩa cử cao đẹp.

Tiêu biểu trong số đó, có một cô gái trẻ tuổi, bình dị nhưng lại có hành động dũng cảm và thể hiện tinh thần trách nhiệm xuất phát tự tâm. Vượt qua những lo lắng về nguy cơ dương tính với Covid-19 và quãng thời gian dài 14 ngày xa nhà để trở thành phiên dịch viên tình nguyện tại các khu cách ly tập trung của thành phố Hà Nội. Cô đã tích cực tuyên truyền, giải thích cho các đối tượng người nước ngoài về chính sách của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch; cùng với lực lượng y tế, bộ đội ta giúp đỡ, hướng dẫn người nước ngoài phòng, chống dịch bệnh một cách hợp tác và vui vẻ.

Câu hỏi 1: Bạn Phương Anh thân mến, bạn đọc Mai Thị Cẩm Tú, sinh viên Đại học Dược Hà Nội gửi đến Phương Anh câu hỏi như sau: Vì sao vào thời điểm ấy bạn lại có quyết định vào làm phiên dịch thay vì ngồi nhà cho an toàn?

Đào Thị Phương Anh trả lời:

Đào Thị Phương Anh, Hướng dẫn viên du lịch Công ty Bestour

Thực ra lý do tôi tự nguyện vào trại cách ly rất đơn giản, cũng không có gì quá to tát. Tôi chỉ đơn thuần cảm thấy khi đất nước cần, mình làm được gì thì sẽ làm cái đó. Hơn nữa do công việc là hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn khách Việt Nam du lịch ở nước ngoài, tôi được đi tới rất nhiều nước, cũng như được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Càng đi nhiều, biết càng nhiều mình lại càng cảm thấy đất nước Việt Nam mình rất đẹp và tôi có mong muốn được truyền tải những tinh thần nhân văn của Việt Nam trong đợt dịch Covid tới bạn bè nước ngoài, vậy nên khi thấy thông báo đăng ký tuyển tình nguyện viên tới hỗ trợ tại khu phiên dịch, tôi đã không băn khoăn mà đăng ký ngay.

 Tôi còn nhớ, đó là những ngày mà Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhắc đi nhắc lại rằng công tác tuyên truyền cho người nước ngoài hiểu và hợp tác với chúng ta về phòng, chống dịch Covid - 19  là hết sức quan trọng. Bởi tôi nhớ có câu chuyện nhiều người nước ngoài họ còn không muốn đeo khẩu trang, coi đây là dịch cúm thông thường. Một số đối tượng F1, F2 là người nước ngoài khi được vận động đưa đi cách ly họ còn đòi trả tiền... Tôi thấy Chính phủ Việt Nam thì rất nỗ lực nên cũng muốn chung tay giúp sức.

Câu 2: Bạn đọc Trần Minh Hằng ở phố Tố Hữu, Hà Nội có địa chỉ email tranminhhang@gmail.com  gửi đến bạn câu hỏi: Trong khu cách ly, bạn có kỷ niệm hay ấn tượng nào đáng nhớ không?

Đào Thị Phương Anh trả lời:

Khi mới vào khu cách ly, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết số lượng các cán bộ chiến sĩ và bác sĩ làm việc tại đây. Khu tôi tới tình nguyện là trường quân sự Sơn Tây, có 3 vòng là vòng ngoài, vòng trong và vòng cách ly, để vào được khu cách ly ít nhất phải qua 2 lớp lính gác. Chỉ tính riêng khu cách ly, có khoảng 12, 13 chiến sĩ hỗ trợ tất cả mọi việc từ chuẩn bị đồ đạc, chăn màn, giường chiếu, phát cơm, dọn dẹp, hỗ trợ gửi vật dụng từ bên ngoài, khử trùng định kỳ... cho hơn 800 người thực hiện cách ly. Một số lượng chiến sĩ quá ít ỏi so với số lượng người cách ly khá lớn, vậy nên công việc của các bạn ấy rất nhiều và vất vả. Phần đa trong số đó lại đều là các bạn nghĩa vụ quân sự, tuổi mới chỉ 18 - 20, thậm chí còn ít tuổi hơn cả các bạn du học sinh về nước đã phải đảm nhiệm một công việc vất vả như thế, vậy mà chưa từng nghe các bạn ấy than thở chút nào, lại luôn rất nhiệt tình mỗi khi ai đó có việc cần nhờ các bạn.

Thực ra khi tôi vào đây thì cũng đã không còn nhiều người nước ngoài được nhập cảnh, có nhập cảnh đa phần là làm việc hoặc có người thân ở Việt Nam. Khác với những đợt đón người từ Hàn Quốc hay các nước châu Á, thì đón người ở châu Âu căng thẳng hơn vì tỷ lệ người nhiễm bệnh ở châu Âu cao hơn từ châu Á nhiều. Khi mới vào, có người hiểu và chấp nhận, nhưng cũng có người chống đối bằng nhiều cách.

Lúc ấy mình lại phải giải thích cho họ tình huống và chính sách nhân đạo của Việt Nam, đồng thời động viên họ yên tâm rằng Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Cũng thật may sau khi kết thúc đợt dịch, không có ai trong số những người nước ngoài đó nhiễm bệnh.

---10:23:50---

Giao lưu với Lê Xuân Tú, Trưởng nhóm Điện, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Trong đại dịch Covid - 19, mọi người Việt Nam, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đến mỗi công dân; từ ngõ xóm, đồng quê đến thành thị, phố phường, từ trong nước đến đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc đều một lòng hướng về đất nước với tinh thần đoàn kết và quyết tâm. Tuy mỗi người một cách thể hiện khác nhau, người góp sức, người góp của, người góp công…nhưng tất cả đều vì mục tiêu chung vì sự an toàn của cả dân tộc.

Ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, có một chàng trai sinh năm 1993 tên là Lê Xuân Tú, trưởng nhóm Điện đã đóng góp bằng chính những sáng kiến trí tuệ của mình.

Được mệnh danh là cây sáng kiến trẻ của công ty, là hạt nhân của phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo Thủ đô. Tính đến nay, Tú đã có gần 20 sáng kiến trong lao động, sản xuất, làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng: Cải tiến dây chuyền bao gói đèn bulb; cải tiến dây chuyền liên hoàn  bộ máng đèn M21; máy lắp ráp đèn led Bulb trụ T80-T100; máy lắp ráp đèn downlight tự động; máy in dấu kiểm tra thông số đèn Tube led tự động; máy đóng nắp hộp nguồn No1.No2… đạt hiệu quả cao trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giúp giảm các chi phí lãng phí do thực hiện thủ công trước kia.

Đặc biệt, năm 2020, đợt dịch bệnh Covid-19, Tú và các thành viên trẻ Nhóm cơ điện ngành công nghệ phụ trợ - Xưởng Điện tử, Led & Thiết bị chiếu sáng đã chế tạo thành công công trình phòng phun khử khuẩn chống Covid-19. Sáng chế Phòng phun khử khuẩn của Tú và các đoàn viên thanh niên đã được công ty sử dụng, đặt tại cổng xuất nhập hàng của công ty, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả khách hàng và CBCNV công ty trong mùa dịch Covid-19.

Câu 1: Quan tâm đến sáng chế phòng phun khử khuẩn này của bạn Lê Xuân Tú, bạn đọc Trần Thiện Anh ở Đống Đa, Hà Nội mong muốn được lắng nghe những chia sẻ rõ nét hơn về mô hình này?

Lê Xuân Tú trả lời:

Lê Xuân Tú, Trưởng nhóm Điện, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, chủ trương của Công ty Rạng Đông coi việc phòng, chống dịch bệnh không để lây lan trong công ty, bảo vệ sức khỏe cho CBCNV là trọng tâm số một. Đồng thời phải duy trì sản xuất, kinh doanh để đảm bảo nguồn lực của công ty, đảm bảo công ăn việc làm, đời sống cho hơn 2000 CBCNV và đảm bảo hàng hóa cung cấp ra thị trường.

Trước yêu cầu cấp bách về việc phòng, chống dịch Covid - 19 đã thôi thúc em cùng với nhóm anh em cơ điện cần phải bắt tay triển khai ngay việc chế tạo phòng phun khử khuẩn, góp phần vào công cuộc phòng chống dịch của công ty.

Sau khoảng 1 tuần nghiên cứu, gặp khá nhiều khó khăn thách thức cả về mặt thời gian và chất lượng. Cuối cùng bọn em đã chế tạo thành công phòng phun khử khuẩn với thiết kế 2 buồng. Khi vào buồng 1, chỉ mất khoảng 30 giây, sẽ thổi hết các bụi bám trên người và ở buồng 2, sẽ mất 30 giây để khử trùng  xong. Sau khi hoàn thành, phòng phun khử khuẩn được trung tâm y tế của công ty và bộ phận quản lý chất lượng đánh giá, kiểm tra về chất lượng và độ an toàn. Sau đó, hệ thống đã được đưa vào sử dụng.

Khi nhìn thấy công trình đi vào hoạt động hiệu quả, các thành viên trong nhóm rất vui và tự hào vì mình đã góp được phần nhỏ bé vào hoạt động chung của công ty trong việc chung tay phòng chống đẩy lùi dịch Covid-19.

Công trình phòng phun khử khuẩn chỉ là 1 trong số hơn 800 sáng kiến cải tiến của các CBCNV Rạng Đông trong suốt quý 1/2020. Và với sự sáng tạo thông qua các hoạt động sáng kiến cải tiến, với quyết tâm phòng chống dịch bệnh, 100% CBCNV Rạng Đông có sức khỏe tốt, không có ai phải nghỉ vì dịch bệnh, công ăn việc làm của hơn 2000 cán bộ nhân viên được đảm bảo, thu nhập tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Câu 2: Một độc giả của Tạp chí Thi đua Khen thưởng tên là Nguyễn Thị Ngọc Huyền, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền có gửi đến bạn Lê Xuân Tú câu hỏi như sau: Đọc bài viết về anh trên Tạp chí Thi đua Khen thưởng em thấy anh từng chia sẻ rằng, khi vào làm việc tại Rạng Đông anh mới học trung cấp điện, nhưng hiện nay anh có khá nhiều thuận lợi trong công việc ở đây? Vậy anh có thể chia sẻ thêm với em về tiến bộ vượt bậc trong sự nghiệp của anh không?

Lê Xuân Tú trả lời:

Trước kia em học tại trường trung cấp nghề, em học về tự động hóa. Có lẽ lòng yêu nghề và đam mê kỹ thuật đã ăn vào trong máu em. Ngay từ khi là sinh viên của nghề, em đã được thầy cô, bạn bè động viên và hăng hái đăng ký đi thi tay nghề. Đề tài của em là “Hệ thống điều khiển điện công nghiệp”. Em đã đạt giải nhất tỉnh và được đi thi tay nghề cấp quốc gia năm 2014.

Khi vào Rạng Đông, em được tuyển vào làm công nhân kỹ thuật. Trong quá trình làm việc, được va chạm với thực tế và các thiết bị hiện đại. Em được lãnh đạo xưởng, lãnh đạo công ty tạo mọi điều kiện cho đi học nâng cao tay nghề. Được các thầy của Đại học Bách khoa, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đào tạo hỗ trợ chuyên môn, tay nghề của em đã được nâng cao lên rất nhiều, kỹ năng tay nghề tốt lên, em cũng dần tự tin hơn và mạnh dạn đưa các ý tưởng, các sáng kiến để đề xuất triển khai ý tưởng sáng tạo vào thực tế công việc.

Khi đề xuất, lãnh đạo công ty cũng rất thoải mái để em có thể áp dụng sáng tạo của mình.

Ngoài ra, áp lực trong công việc luôn đòi hỏi mỗi CBCNV phải liên tục đổi mới, tìm kiếm những cái mới, để làm sao tăng được năng suất lao động lên, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt và giá thành giảm. Chính những áp lực này cũng là động lực cho em cũng như mỗi CBCNV Rạng Đông tăng được trình độ của mình lên rất nhiều.

Ở  công ty em có truyền thống thi đua làm theo lời Bác từ rất nhiều năm, 2020 cũng là năm kỷ niệm 56 năm ngày Bác Hồ về thăm công ty. Hiện nay công ty có các phong trào như Ngày hội sáng tạo. Năm 2019 công ty phát động ngày hội sáng tạo lần 1 kết thúc ngày 28/4/2020. Từ những thành quả đạt được, công ty tiếp tục phát động ngày hội sáng tạo lần 2 kết thúc ngày 10/10, với những kết quả đạt được công ty cũng có nhiều hình thức khen thưởng bồi dưỡng động viên anh em kịp thời nhằm thúc đẩy tinh thần chủ động sáng tạo của CBCNV.

Công ty em có Trung tâm đổi mới sáng tạo, có Quỹ đầu tư mạo hiểm để thực hiện các sáng kiến sáng tạo, ý tưởng đột phá. Làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, năng động - sáng tạo, đã giúp em và các bạn đồng nghiệp phát triển năng lực bản thân rất nhiều.

Qua rất nhiều thử thách, thách thức lớn, em mới cảm nhận hết được giá trị cuộc sống, em sẽ không thể thành công được nếu không có sự tin tưởng giao phó, động viên kịp thời của lãnh đạo công ty, lãnh đạo xưởng và đồng nghiệp, sẽ không thể phát triển được năng lực bản thân nếu như không có được môi trường năng động. Em thực rất tự hào vì được làm việc trong môi trường Rạng Đông.

Câu 3: Xin cảm ơn những chia sẻ hết sức chân thành của bạn! Vậy xin hỏi, hiện nay, bạn có đang ấp ủ hay nghiên cứu một sáng kiến, sáng tạo nào và sắp cho “ra lò” không?

Lê Xuân Tú trả lời:

Như em vừa chia sẻ, áp lực trong công ty cần phải cải tiến liên tục, đổi mới liên tục để tìm cách làm mới, cách làm sáng tạo, để làm sao nâng được năng suất lao động, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và giảm được giá thành.

Chính vì vậy, mà các sáng kiến cải tiến được thực hiện hàng ngày và liên tục, trong chính quá trình làm việc và ở từng khâu, công đoạn, chứ không phải là ấp ủ thời gian dài mới đưa ra được sáng kiến cải tiến.

Trong năm 2020, công ty em bước vào thực hiện chuyển đổi số công ty, và năm 2025 sẽ tiến hành đưa nhà máy Led I4.0 vào hoạt động.

Để xây dựng được nhà máy Led I4.0, có rất nhiều các khâu công đoạn khác nhau, các công việc cần phải thực hiện và liên quan tới nhiều bộ phận.

Về phía công việc của em, trong mô hình nhà máy I4.0, đòi hỏi việc cấp phát vật tư, vận chuyển vật tư phải được tự động hóa, thực hiện bằng các robot vận chuyển. Trước yêu cầu này, em và các anh em cơ khí đã chế tạo hệ thống xe tự hành AGV, cấp phát vật tư tự động.

Sáng kiến này thành công thì có thể chứng minh được trình độ cũng như năng lực của đội ngũ CBCNV Rạng Đông có thể làm chủ được công nghệ, đáp ứng và đặt nền móng vững chắc cho nhà máy Led I4.0 trong tương lai.

Hiện tại, em và nhóm đang tiếp tục hoàn thiện phần truyền nhận dữ liệu không dây và phần mềm điều khiển trung tâm hệ thống xe tự hành AGV, để có thể triển khai được toàn bộ hệ thống cấp phát vật tư tự động cho cả xưởng sản xuất.

Ngoài ra, bọn em cũng đang tiếp tục nghiên cứu để có thể đồng bộ các dây chuyền sản xuất tự động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Phần 3: Bế mạc giao lưu

Trong số 6 tấm gương người tốt, việc tốt mời tham gia giao lưu tại buổi Tọa đàm hôm nay, có 4 cá nhân đã được Thành phố Hà Nội cũng như các ngành, các cấp đã khen thưởng trong năm 2019 và năm 2020. Tại buổi giao lưu ngày hôm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có quyết định khen thưởng danh hiệu NTVT cho 3 cá nhân, đó là bà Nguyễn Thị Nhôm, Tiểu thương chợ Châu Long, quận Ba Đình; bạn Lê Xuân Tú, Trưởng nhóm điện - Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và bạn Đào Thị Phương Anh, hướng dẫn viên du lịch, Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch quốc tế BesTour.

Đại diện Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội trao danh hiệu NTVT cho 3 cá nhân điển hình tiên tiến

Các điển hình, NTVT tham gia chương trình Tọa đàm nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng hoa cho đơn vị tổ chức

Nhóm PV Tạp chí Thi đua Khen thưởng (thực hiện)