TĐKT – “Đã giơ tay thề trước Đảng/ Thì để hơi thở cuối cùng/ Vẫn giữ vững bản chất của người đảng viên”. Từng câu, từng chữ trong lời thề thiêng liêng dưới Đảng kỳ luôn hằn sâu trong tim, hun đúc ý chí và tạo động lực để “người lính cụ Hồ” Trần Lưu Huỳnh, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 9, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao đẹp.
Tuổi thanh xuân để bảo vệ đất nước
Năm 1960, vừa tròn 21 tuổi, chàng thanh niên Trần Lưu Huỳnh viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nguyện cống hiến sức trẻ cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Vốn là một người tài năng và trí tuệ, Trần Lưu Huỳnh được phân công về làm việc tại bộ phận thư ký tổng hợp, phục vụ cho các lãnh đạo Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.
Dù không trực tiếp giương súng bắn trả kẻ thù, hay khoét núi, mở đường cho quân ta đi, nhưng người lính Trần Lưu Huỳnh đã khẳng định là cánh tay đắc lực, trợ giúp cho nhiều lãnh đạo Tổng cục. Ông có mặt ở khắp các chiến trường từ Đường 9, Khe sanh đến cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam … giữ vai trò quan trọng, chịu trách nhiệm chuẩn bị tài liệu, dữ liệu tốt nhất cho các thủ trưởng, góp phần không nhỏ trong xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần cốt yếu trong chiến tranh.
Chàng thanh niên Trần Lưu Huỳnh vinh dự được kết nạp là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi đang phục vụ và chiến đấu tại trận chiến Đường 9, Khe sanh năm 1967.
Khi đất nước sạch bóng quân thù, ông vẫn tiếp tục là cán bộ giúp việc quan trọng, đáng tin cậy của các lãnh đạo Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam Lê Hai và Lê Khả Phiêu.
Ông Trần Lưu Huỳnh
Sau 25 năm một lòng một dạ phục vụ cho Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 1984, ông được Nhà nước cho nghỉ chế độ, trở về với gia đình và quê hương.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, gặp muôn vàn khó khăn. Nỗi lo toan cuộc sống với cơm áo, gạo tiền, tiếp tục là một cuộc chiến không dễ dàng với người lính Trần Lưu Huỳnh. Để cùng vợ nuôi lớn 4 đứa con trưởng thành, ông đã không quản ngại làm đủ thứ nghề, từ sửa chữa xe máy, xe đạp cho đến làm nghề bảo vệ đêm hôm.
Đến năm 1987, ông được mời về công tác làm việc tại phường Thanh Nhàn với vai trò là cán bộ Hội cựu chiến binh, rồi Bí thư chi bộ Khu dân cư số 9. Mang theo lý tưởng cách mạng chân chính mà Đảng và Bác Hồ đã gieo vào lòng, người lính ấy tiếp tục nỗ lực sống và làm việc như tấm gương sáng ngời cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên học tập và noi theo về “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.
Những công trình mang đậm dấu ấn Trần Lưu Huỳnh
Gần 30 năm đảm nhận vai trò là Bí thư chi bộ, ông đã để lại trong lòng nhân dân về hình ảnh một người lãnh đạo được nhân dân tin yêu, kính trọng.
Đi qua ngôi nhà văn hóa hai tầng, với diện tích chừng 30 m2 của khu dân cư số 9, bà Trần Thị Hảo, một công dân ở khu dân cư 9 chỉ tay bảo: Đây là nhà văn hóa đầu tiên của phường Thanh Nhàn, được xây dựng từ năm 1996 nhờ toàn bộ nguồn kinh phí từ nhân dân đóng góp và tâm huyết của các đồng chí đảng viên trong chi bộ Đảng khu dân cư số 9, mà đứng đầu là đồng chí Bí thư chi bộ Trần Lưu Huỳnh.
Thời điểm đó, nhà văn hóa được coi là một địa điểm sinh hoạt văn hóa vô cùng cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao chính đáng của nhân dân mà nó còn là điều kiện quan trọng, quyết định đến hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Tuy nhiên, với phường Thanh Nhàn, xây dựng nhà văn hóa là một việc không dễ, bởi có thể địa phương có quỹ đất nhưng lại không có kinh phí.
Nhớ lời Bác dạy, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, với vai trò là Bí thư chi bộ, ông Huỳnh đứng ra vận động bà con nhân dân trong khu dân cư cùng nhau đóng góp xây dựng nhà văn hóa. Tuy địa bàn dân cư số 9 đa phần là các gia đình công nhân, viên chức, lao động, còn nhiều khó khăn nhưng cuộc vận động ấy đã thành công ngoài mong đợi, với số tiền góp được là 50 triệu đồng cùng nhiều công sức và ngày công lao động của dân. Điều đáng quý là dù vất vả ngày đêm chăm lo cho công trình ấy nhưng ông Huỳnh và các đồng chí đảng viên khác trong cấp ủy luôn vui vẻ, tình nguyện và coi đó là phận sự của người đảng viên với nhân dân, không “tơ hào” một đồng từ quỹ chung.
Bước chân đi trên con đường vào ngõ Đình Đông, bà Hảo cho biết: “Con đường mà chúng ta đang đi hôm nay được bằng phẳng, sạch sẽ như thế cũng nhờ có sự góp sức lớn của bác Huỳnh”.
Trước đây, đường ngõ Đình Đông dài 300 mét dốc lắm, thả một chiếc xe đạp từ đường Bạch Mai vào ngõ mà xe vẫn chạy bon bon 100 mét, do quá dốc và sâu, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn nguy hiểm.
Lúc đó, với vai trò là Bí thư chi bộ, ông Huỳnh đã chủ động đề nghị với phường để tiến hành cải tạo con đường và làm lại đường cống. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, mong muốn của bà con lối phố đành “tạm hoãn lại”.
Một lần nữa, ông đã đứng ra vận động nhân dân cùng chung tay, đóng góp rải bê - tông cho con ngõ và làm lại toàn bộ đường cống thoát nước. Các cuộc họp bàn được công khai, lấy ý kiến nhân dân, ai cũng đồng ý và tham gia đóng góp. Nhà nào có điều kiện thì góp nhiều, có nhà góp tiền, có nhà góp xi măng, sỏi đá, góp công…
Cấp ủy đứng ra quản lý chung, chỉ đạo thi công đến đoạn đường thuộc gia đình nhà ai thì nhà ấy phụ trách cung cấp điện, nước cho công nhân; đồng thời tự giám sát chất lượng, độ dày, độ mỏng của bê tông cũng như đề xuất thông tắc cống.
Với cách làm công khai, minh bạch và người dân giám sát, trong vòng 1 tháng con đường đã hoàn thiện, bà con đi lại thuận tiện, tạo nên bộ mặt mới cho khu dân cư.
Trong căn nhà giản dị ở cuối ngõ Đình Đông, ông Trần Lưu Huỳnh trầm ngâm: “Thành quả lớn nhất trong gần 30 năm làm Bí thư chi bộ của tôi đó là tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân. Tôi luôn tự hào vì chưa 1 lần đi ngược lại với lời dạy của Bác dù chỉ trong suy nghĩ, luôn “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” và thực hiện đúng nguyên tắc “những gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Chuẩn bị bước sang tuổi 80, nhưng ông Huỳnh vẫn xông pha, mọi công to, việc lớn của khu dân cư đều có sự góp sức bởi bàn tay, khối óc của ông. Từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xanh, sạch, đẹp, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, đến việc xóa bỏ vĩnh viễn các tụ điểm tồn đọng lâu năm; rồi nhắc nhở phòng, chống cháy nổ trong dịp tết Nguyên đán, phòng, chống trộm cắp, sử dụng điện nước trong sinh hoạt tiết kiệm, hiệu quả… đều do ông nhắc nhở, phát động và được bà con nhiệt tình hưởng ứng.
Ông Huỳnh như cây đa, cây đề, góp phần quan trọng vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn khu dân cư. Từng trải qua những cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ, hơn ai hết, ông nhận thức rõ về sức mạnh của tinh thần đoàn kết.
Nếu như trong kháng chiến, những người lính đồng cam cộng khổ luôn nêu cao tình cảm đồng chí, đồng đội; thì hôm nay trong thời đất nước hội nhập và phát triển, tình cảm đó càng trân quý hơn. Do đó, ông Huỳnh luôn nêu gương sáng về cách sống và đối xử với mọi người cởi mở, chia sẻ và quan tâm đến nhau.
Thói quen sống “đèn nhà ai nhà ấy rạng” đã ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương. Nhưng đến khu dân cư 9, phường Thanh Nhàn người ta cảm nhận rõ sự đoàn kết, tình làng nghĩa phố bền chặt.
Hiện chi bộ Đảng khu dân cư số 9 có 84 đảng viên, nhưng không có cá nhân nào mà ông chưa biết mặt, biết nhà, thậm chí hoàn cảnh của từng người ông đều nắm rõ. Bất kỳ một đồng chí nào không may bị ốm đau hoặc nằm viện, ông và đại diện chi bộ đều đến thăm hỏi, động viên; nếu khó khăn còn tìm cách để giúp đỡ.
Một cách làm mà nhiều năm nay luôn được duy trì ở chi bộ 9 đó là mỗi dịp Tết đến, xuân về, chi bộ thường tổ chức đoàn đi đến từng gia đình trong khu dân cư chúc Tết. Ưu tiên là gia đình các vị lão thành cách mạng, những cán bộ thâm niên, nhiệt huyết với các phong trào ở địa phương.
Ông Huỳnh cho biết: Chính sự quan tâm, gần gũi đó đã tạo thành sợi dây kết nối giữa nhân dân với Đảng, Đảng với chính quyền.
Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều năm liền chi bộ Đảng 9 đạt danh hiệu: “Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”, “Địa bàn dân cư văn hóa, xuất sắc tiêu biểu”, “Cộng đồng học tập, xuất sắc tiêu biểu”.
Cuộc sống của người dân khu dân cư số 9 đã thay đổi từng ngày. Không còn hộ nghèo, đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp, 100 % tụ điểm rác tồn đọng bị xóa sổ vĩnh viễn. Nhiều năm qua không còn hiện tượng trộm cắp, tệ nạn xã hội, đánh, cãi chửi nhau. Những thành quả đó có sự đoàn kết chung tay góp sức của cấp ủy, các đoàn thể cùng toàn thể nhân dân địa bàn dân cư số 9, trong đó có sự đóng góp rất lớn công sức trí tuệ của ông Trần Lưu Huỳnh.
Tuy năm 2018, ông Huỳnh đã trao lại vai trò Bí thư chi bộ khu dân cư 9 cho thế hệ kế nhiệm. Nhưng ông vẫn là tấm gương sáng để những thế hệ sau nhìn vào để phấn đấu, noi gương.
Hưng Vũ