TĐKT - Mỗi chuyến đi sưu tầm tài liệu về Bác là một câu chuyện đáng nhớ với bà Hoàng Thị Nữ (sinh năm 1949), Bí thư Chi bộ 10, Đảng bộ phường Liễu Giai, quận Ba Đình. Hàng chục vạn tài liệu, hiện vật (gốc), hàng nghìn bức ảnh ghi lại hoạt động của Bác là khối tư liệu vô giá, là món quà ý nghĩa đã ăn sâu, thấm vào máu thịt của người phụ nữ ấy.
Từ gắn bó với những kỷ vật của Bác Hồ
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 10, ngõ 49 phố Vạn Bảo, nơi ở của bà Hoàng Thị Nữ. Căn nhà của nữ Tiến sĩ sử học chuyên ngành nghiên cứu về Bác Hồ, từng có 35 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã làm cho bất kỳ ai lần đầu đặt chân tới cũng có chung một cảm nhận.
Đó là một bảo tàng mini với những cuốn sách, những bức ảnh quý về Bác được bố trí, gọn gàng, ngăn nắp, khoa học và tinh tế. Trên tường của phòng khách, bà treo 3 bức tranh phong cảnh, nhưng giữa những bức tranh luôn có sự liên kết nhất định về màu sắc, hình dáng và nội dung.
Bà Nữ là lớp cán bộ đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh, bước vào “nghề sưu tầm tư liệu về Bác Hồ” từ năm 20 tuổi. Suốt 35 năm công tác tại Bảo tàng, bà được giao trực tiếp sưu tầm, tiếp nhận tài liệu hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước và quốc tế, tham gia xác minh, cung cấp tư liệu để xác minh các sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, bảo đảm độ chính xác cao. Đặc biệt, phải giữ gìn làm sao để tuổi thọ của tài liệu, hiện vật được kéo dài nhất. Từng tài liệu thu thập về được phân ra từng loại, đánh dấu rất cẩn thận, rồi cất vào kho…
Bà Hoàng Thị Nữ (thứ 10 từ trái sang) được tuyên dương tại buổi giao lưu điển hình tiên tiến Cụm thi đua số 3 TP Hà Nội
Với bà, mỗi tài liệu thu thập được về Bác đều là những câu chuyện, những bài học ý nghĩa thấm sâu vào tâm trí, máu thịt của bà. Bởi vậy, dù hôm nay đã ở cái tuổi thất thập, nhưng hễ ai đó đưa ra một kỷ vật gì liên quan đến Bác Hồ mà bà đã từng quản lý, chỉ cần định hình trong giây lát, bà có thể đọc được cả thời gian, địa điểm và lịch sử kỷ vật đó. Kỷ vật về Bác thiêng liêng, quý giá, quan trọng lắm nên không thể không cẩn thận.
Nâng niu trên tay những cuốn tài liệu mà bà từng tham gia viết về Bác: “Hồ Chí Minh — biên niên tiểu sử”, “Bác Hồ với Thái Bình – Thái Bình làm theo lời Bác”, “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 — 1933”. “Những tên gọi, bút danh, bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Danh nhân Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ với Trung Quốc”..., bà Nữ nói trong xúc động: “Chưa bao giờ tôi làm hỏng những tư liệu quý này. Chỉ có điều nhiều lần đã khóc vì phải bàn giao tài liệu cho đơn vị khác quản lý, vì tiếc những gì mình đã gắn bó lâu năm”.
Bà Nữ kể, có một năm sau cơn bão lớn, Hà Nội mưa rất to, các tuyến phố đều ngập, không phương tiện giao thông nào di chuyển được. Vì lo lắng nước sẽ tràn vào kho bảo quản, hàng chục vạn tài liệu, hiện vật của Bác, những di sản vô giá của quốc gia sẽ bị ngập nước, bà Nữ đã lội nước ngang lưng hơn 2 km phăng phăng đến Bảo tàng để kiểm tra kho.
Đến nơi, thấy một số phòng làm việc đã mênh mông nước. Bà cùng bộ phận trực cơ quan nhanh chóng xử lý, ngăn không cho nước vào kho hiện vật. Khi xong việc thì người ướt sũng và rét run lên, nhưng bà thấy thở phào nhẹ nhõm vì kho được an toàn.
Nhớ lại lần bàn giao 3 bản gốc di chúc của Bác Hồ cho Văn phòng lưu trữ Trung ương theo sự ủy quyền của bác Vũ Kỳ (thư ký của Bác Hồ), bà Nữ xúc động: Tôi ký bàn giao mà tay run bần bật bởi những kỷ vật thiêng liêng của Bác đã được tôi nâng niu, lưu giữ bao nhiêu năm, thực sự rất gắn bó.
…..Đến học và làm theo lời Bác
Sau những năm cống hiến không biết mệt mỏi, năm 2004, bà về nghỉ hưu, tiếp tục học tập Bác Hồ trong công việc đời thường. Hàng chục năm qua, bà Nữ thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Bác, bằng cách nuôi lợn nhựa và hũ gạo tiết kiệm, tham gia tổ tiết kiệm của phụ nữ ở cơ quan, tổ dân phố ...
Bao giờ bà Nữ làm việc cũng có kế hoạch cẩn thận, tỉ mỉ lên lịch cụ thể các công việc chính phải làm trong ngày, trong tuần và cố gắng thực hiện theo lịch đó. Đặc biệt, hiện nay bà Nữ còn lưu giữ được các quyển sổ ghi công việc làm hàng ngày cùa mình từ những năm 80 đến nay.
Bà Hoàng Thị Nữ
Bà Vũ Thị Nhị, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tâm sự: “Chị Nữ là người vô cùng tâm huyết với công việc, đam mê với việc sưu tầm, bảo quản các tài liệu liên quan đến Bác Hồ. Để bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của các tài liệu, hiện vật của Bác Hồ cần sự tỉ mẩn và kiên nhẫn. Bằng sự tận tâm của mình, chị Nữ đã làm rất tốt. Nói đến công tác “kho” phải nói đến chị Nữ, một người có kinh nghiệm lâu năm lại tâm huyết với công tác.”
Với 20 năm làm cản bộ quản lý, 15 năm tham gia cấp ủy, trong đó có 10 năm làm Bí thư chi bộ, 2 khóa Đảng ủy viên, gần 30 năm tham gia các công tác đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, công đoàn, bà luôn tận tụy với công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất sớm, để lại 2 con, một mình bà Nữ phải lo toan mọi việc, vừa phải nuôi dạy con cái, chăm lo việc nhà, vừa tham gia hoạt động khoa học và công tác xã hội.
Bất giác nhớ về những kỷ niệm xưa, bà Nữ xúc động nói: “Có những lúc khó khăn tưởng không vượt qua được nhưng khi nghĩ đến Bác, tôi thấy mình phải cố gắng nhiều, vì vậy tôi đã vượt qua”.
Sống gần hết cuộc đời, bà Nữ vẫn tâm niệm một điều: Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời bà là vinh dự được sưu tầm những tài liệu về Bác Hồ. Thời gian trôi qua, nhưng khoảnh khắc ấy vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim của nữ Tiến sĩ Sử học này.
Hưng Vũ