“Trái tim hồng” truyền động lực cho người khuyết tật
22/04/2021 - 15:26

TĐKT - Vốn là một người khuyết tật vận động, thấu hiểu những khó khăn của người khuyết tật khi tiếp cận, tìm kiếm việc làm, khi hòa nhập cộng đồng, nhiều năm qua, chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) luôn nỗ lực tạo cơ hội và truyền cảm hứng để động viên họ không ngừng vươn lên.

Luôn thấu hiểu và sẻ chia

Từ nhiều năm nay, Hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng do chị Nga sáng lập đã trở thành ngôi nhà chung, là mái ấm tình thương của nhiều người khuyết tật, giúp họ có thêm nghị lực để sống và lao động.

Bị liệt mềm chân trái từ nhỏ, chị Nga vô cùng thấu hiểu tâm tư của những người cũng kém may mắn như mình. Chị kể: “Khi là giáo viên đứng lớp môn mỹ thuật tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chứng kiến học sinh của trường đều là những trẻ em thiếu may mắn, mỗi em mang trên mình một dị tật khác nhau và khi ra trường hầu hết không có công ăn, việc làm để có thể tự chủ cuộc sống, tôi không khỏi xót xa, thương cảm.”

 

Chị Đinh Thị Quỳnh Nga cùng HTX tham gia và đạt giải cuộc thi Én xanh 2019 tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững

Chính vì thế, năm 2009, chị quyết định thành lập nhóm “Trái tim hồng” để tập hợp các bạn khuyết tật đã ra trường trên địa bàn làm công việc in, hoa khô, tranh sơn dầu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác. “Công việc trải qua bao khó khăn, thử thách. Nhiều lúc, tôi cũng thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc. Nhưng với tình yêu thương các em cháy bỏng, tôi tự dặn lòng phải kiên trì dẫn dắt nhóm bước tiếp và ngày một phát triển, nâng cao tay nghề, mở rộng quy mô sản xuất, từ đó thu hút và tạo nhiều công ăn việc làm để người khuyết tật ở địa phương có thể ổn định cuộc sống.” - Chị chia sẻ.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2015, chị tuyên truyền, vận động một số người, phần lớn là người khuyết tật góp vốn, đề nghị UBND huyện cho phép thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, với mục tiêu: Thông qua việc tư vấn, huấn luyện, đào tạo, nhằm hỗ trợ những phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo, người khuyết tật trên địa bàn huyện và trong khu vực có công ăn, việc làm và tổ chức các hoạt động xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội. Được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX, phát huy vai trò người đứng đầu, chị đã thực hiện nhiều biện pháp tập hợp người khuyết tật, tạo cho họ cơ hội được tiếp cận việc làm.

Tình yêu thương là ngọn nguồn sức mạnh

Vừa là giáo viên tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn, vừa là người đứng đầu HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, phải lo lắng công ăn việc làm cho hàng chục nhân viên là người khuyết tật, chị gần như không có thời gian cho mình. Nhưng rồi càng làm càng say sưa, càng thấy tràn đầy năng lượng. Chị muốn mình cũng như các thành viên trong HTX, cùng làm việc để khẳng định giá trị của bản thân không thua kém người khác, làm việc để có ích cho bản thân và cho những người cùng cảnh.

Từ năm 2016 đến nay, phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn, HTX đã tổ chức 10 khóa đào tạo cho hơn 300 người khuyết tật với các ngành nghề thiết thực, phù hợp với sức khỏe, tình trạng tật, khả năng nhận thức của người khuyết tật như: Kỹ năng kinh doanh vừa và nhỏ cho 30 phụ nữ khuyết tật; mở cửa hàng giải khát, cà phê; kỹ thuật đan lát mây - tre - nứa; kỹ thuật trồng cây phát lộc; kỹ thuật sản xuất hạt gỗ mỹ nghệ; kỹ thuật đan xâu, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ; kỹ năng photocopy - dịch vụ văn phòng phẩm; kỹ thuật may công nghiệp; kỹ thuật trồng nấm; kỹ năng quản lý, nâng cao nhận thức cho người khuyết tật… Hầu hết người khuyết tật sau khi được qua các khóa đào tạo đã có kỹ năng lao động và tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng, đời sống vật chất, tinh thần, vị thế trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên.

 

Quảng bá các sản phẩm của HTX tại các hội chợ trong nước

Cùng với việc đào tạo, chị đã bàn bạc, thống nhất trong Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc căn cứ vào tình hình lao động là người khuyết tật, tổ chức các ngành hàng trong HTX phù hợp. Đến nay, HTX đã tổ chức 7 ngành hàng chính: Photocopy và dịch vụ văn phòng phẩm; sản xuất hạt gỗ mỹ nghệ; đan xâu hạt gỗ, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ; trồng nấm; dịch vụ cà phê, giải khát; xưởng may công nghiệp; xưởng sản xuất than không khói. HTX đã tạo việc làm cho 45 lao động, với 87% là người khuyết tật, mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, với tấm lòng nhân ái, chị còn trích kinh phí đào tạo nghề mộc mỹ nghệ cho 40 người khuyết tật, trao tặng 15 suất quà cho người cao tuổi; tặng quà cho các bệnh nhân trại phong Minh Phú, 14 trẻ khuyết tật Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn và những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với tổng chi phí 215 triệu đồng.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch cúm Covid-19 bùng phát và lây lan, chị đã chỉ đạo xưởng may công nghiệp tập trung sản xuất khẩu trang phục vụ cộng đồng. Trong đó, đã trực tiếp trao tặng 8000 chiếc khẩu trang và 40 lít nước rửa tay kháng khuẩn cho UBND huyện, UBND 26 xã, thị trấn, một số ban, ngành, đoàn thể, Hội Người khuyết tật, Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn và một số cá nhân người khuyết tật trên địa bàn, một số Hội Người khuyết tật các tỉnh, chùa Từ Hiếu ở Huế, các phụ nữ khuyết tật và phụ nữ nghèo trên địa bàn huyện… tổng kinh phí 45 triệu đồng. Chị đã phối hợp cùng tổ chức Thriive trao tặng cho 38 hội viên trong HTX 38 suất quà, tổng giá trị mỗi suất quà 2 triệu đồng, trong đó có 1 triệu tiền mặt và các nhu yếu phẩm.

Những việc làm của chị đã góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo của huyện Sóc Sơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của huyện và Thủ đô. Nếu như năm 2016, Sóc Sơn có 5,43% hộ nghèo, thì đến năm 2019, toàn huyện chỉ còn 1,06% hộ nghèo.

Chị chia sẻ: “Với tôi, tình yêu thương là ngọn nguồn để làm nên sức mạnh cho mình, để tôi có được như hôm nay và tiếp tục đồng hành cùng những số phận kém may mắn khác. Sự ra đời của nhóm Trái tim hồng, sau này là HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, chính là quyết định vô cùng đúng đắn để tôi thực hiện ước mơ được sẻ chia và truyền cảm hứng sống ý nghĩa với người khuyết tật.”

Với những nghĩa cử cao đẹp, chị vinh dự là 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.

Phương Thanh