Tổng kết Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ TP Hà Nội năm 2017
13/07/2018 - 16:01

TĐKT - Sáng 13/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam TP Hà Nội năm 2017 và phát động Giải thưởng năm 2018.

Năm 2017, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam TP Hà Nội đã lựa chọn, chấm điểm và thống nhất gửi 5 công trình tiêu biểu nhất tham dự thi Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam vào cuối tháng 10/2016.

Kết quả, Hội đồng chuyên môn của Ban Tổ chức giải thưởng KHCN Việt Nam đã chấm và thống nhất trao giải cho 4 công trình của TP Hà Nội gửi lên.

GS, TS. Vũ Hoan, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Giải nhì dành cho công trình “Quy trình và hệ thống thiết bị sấy rác sử dụng thiết bị thu hồi nhiệt có khối vật liệu thu hồi nhiệt không chuyển động và phương pháp sắp xếp khối vật liệu” của tác giả Nguyễn Phúc Thành và cộng sự (Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long)

Đề tài có tính mới là có ít nhất 2 thiết bị thu hồi nhiệt làm việc luân phiên, hiện chưa thấy có cơ sở đốt rác thải nào áp dụng tại Việt Nam, có tính sáng tạo, khả năng ứng dụng và nhân rộng rất tốt do hệ thống thiết kế theo mo - dun nên có thể dễ dàng áp dụng vào các nhà máy có quy mô công suất khác nhau; có thể tận dụng nhiệt dư thừa từ sau lò đốt cho sấy hoặc nâng nhiệt của các công nghệ khác có nhu cầu, kể cả các nhà máy lân cận có nhu cầu sử dụng nhiệt.

Hiệu quả kinh tế của đề tài đó là giảm 90% nhiên liệu dầu DO so với các hệ thống lò đốt rác thông thường. Hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường mang lại cao, giảm các tác động môi trường và xã hội từ nước rác.

Giải ba dành cho công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy về chỏm cầu Trung Nghĩa - MCV20X5000” của tác giả Thân Đức Ngân và cộng sự (Công ty TNHH Cơ khí thực phẩm Trung Nghĩa).

Sản phẩm máy công cụ gia công áp lực chuyên môn hóa này là sản phẩm lớn, có tính hiện đại về công nghệ cơ khí thủy lực. Độ phức tạp và ứng dụng truyền dẫn thủy lực tạo lực ép viên, đủ điều kiện chế tạo và tổ chức lắp ở Việt Nam. Sản phẩm có nhiều đóng góp về ý nghĩa hiệu quả kinh tế, thể hiện ở có thể giảm nhập khẩu máy tương tự, chi phí sản xuất máy về chỏm cầu chỉ bằng 40% so với giá nhập ngoại đối với máy cùng loại và cần chuyên môn hóa hợp lý.

Đây là nghiên cứu sáng tạo, áp dụng thực tiễn với sự tự chủ của tác giả, nghiên cứu này phù hợp với xu thế phát triển của ngành cơ khí chế tạo máy của Việt Nam hiện nay. Lần đầu tiên công ty đã tự thiết kế, chế tạo thành công máy về chỏm cầu Trung Nghĩa đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và thay thế được máy nhập ngoại. Đây là mô hình nghiên cứu sáng tạo, khả năng áp dụng vào thực tế cao, mô hình nghiên cứu phù hợp với xu thế phát triển công nghệ trong tương lai.

Giải ba khác được trao cho công trình “Máy lọc nước mặn thành nước ngọt đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân vùng xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long, ngư dân tàu cá, các đảo ven bờ và quận đảo Trường Sa” của tác giả Trần Vũ Thành và cộng sự (Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội).         

Công trình có ý nghĩa và hiệu quả thực tiễn lớn, có khả năng đáp ứng nhu cầu về nước dân dụng phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đề tài có tính sáng tạo thể hiện ở các thiết kế hệ thống lọc nước biển phù hợp với các địa chỉ ứng dụng với các yêu cầu đặc thù riêng, có chế độ rửa, súc, xả đòi hỏi chi phí duy tu, bảo dưỡng thấp nhất.

Tính sáng tạo của công trình là ngoài thiết bị lọc nước biển với lõi chính là lọc RO thì các bộ phận khác được chế tạo chủ yếu trong nước nên đã phù hợp hơn với điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Về tính khoa học của đề tài đó là một số bộ thiết bị có trang bị hệ thống cấp năng lượng mặt trời.

Giải ba khác được trao cho công trình “Công nghệ chế tạo và ứng dụng lồi cầu và thân xương hàm dưới bằng vật liệu y sinh PEEK” của tác giả Bùi Công Khê và cộng sự (Trung tâm vật liệu mới — Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội)

Công nghệ vật liệu PEEK và C-PEEK dùng trong tạo hình tổn khuyết xương hàm dưới có mất lồi cầu đã được xây dựng trong công trình này là công nghệ độc đáo, xây dựng lần đầu tiên ở Việt Nam cũng như trên thế giới (trên thế giới hiện nay chưa có quốc gia nào chế tạo và ứng dụng thành công công nghệ này và chưa có sản phẩm lồi cầu và thân xương hàm dưới bằng vật liệu PEEK và C-PEEK được ứng dụng lâm sàng vào bệnh nhân).

Giá trị của công trình này là: Đã xây dựng hoàn chỉnh công nghệ chế tạo sản phẩm lồi cầu và thân xương hàm dưới bằng vật liệu y sinh PEEK, C-PEEK; đã xây dựng phương pháp đánh giá chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở. Xây dựng quy trình ứng dụng lâm sàng, các chỉ định điều trị cho bệnh nhân từng trường hợp cụ thể. Đã tạo hình hàm mặt cho 30 bệnh nhân, trong đó có 2 trường hợp mất Vi hàm dưới, 4 ca dính hàm từ 5 -25 năm, 24 ca thay thế lồi cầu. Đã đăng ký bản quyền sáng chế năm 2017.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP Hà Nội đã phát động Giải thưởng sáng tạo KHCN TP Hà Nội năm 2018. Giải thưởng  tập trung vào 6 lĩnh vực: Cơ khí và tự động hoá; công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông; công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ năng lượng.

Mai Thảo