TĐKT - Ngày 24/4, tại Hà Nội, Công ty cổ phần hóa chất Sơn Hà Nội chính thức công bố tái định vị thương hiệu với định hướng phát triển hoàn toàn mới đánh dấu mốc 60 năm xây dựng và đồng hành cùng những ngôi nhà Việt.
Ra đời từ năm 1959, với kinh nghiệm quý giá, định hướng rõ ràng, Sơn Hà Nội nỗ lực kiến tạo nên những sản phẩm chất lượng và an toàn, mang khí sắc đất Việt nhằm phục vụ người Việt và vươn ra thế giới bằng tất cả sự tận tâm và niềm tự hào.
Sơn Hà Nội được biết đến qua các sản phẩm sơn dầu mang nhãn hiệu CMC như sơn Alkyd, Epoxy, Acrylic, Polyurethane, sơn chịu nhiệt, cao su Clo hóa và các vật liệu phủ đặc biệt dành cho kim loại, gỗ… đang rất được người dùng ưa chuộng. Cùng với đó là sản phẩm sơn trang trí mang nhãn hiệu VEPA cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khách hàng.
Sơn Hà Nội công bố hợp tác chiến lược với các đối tác hàng đầu thế giới
Ông Trần Tiến Bảy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa chất Sơn Hà Nội khẳng định: 60 năm qua, Sơn Hà Nội không ngừng nỗ lực phát triển và duy trì thương hiệu sơn lâu đời nhất tại thị trường miền Bắc, suốt từ những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế cho đến giai đoạn đổi mới.
Tên tuổi Sơn Hà Nội gắn liền với nhiều công trình tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và cả nước: Cầu Thăng Long, Nhà khách Trung ương Đảng, Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La, Bà Nà Hills…
Hiện công ty đang có lực lượng gần 200 nhân sự, luôn đảm bảo các chính sách, quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Nhiều gia đình có đến hai, ba thế hệ đang làm việc, gắn bó với công ty.
Với nền tảng vững chắc, trong giai đoạn mới, Sơn Hà Nội đang nỗ lực khẳng định sự trỗi dậy ngoạn mục với tầm nhìn: Trở thành doanh nghiệp sản xuất sơn, chất phủ số một Việt Nam và hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trở thành niềm tự hào quốc gia vào năm 2030.
Đại diện Sơn Hà Nội giới thiệu với khách hàng bộ sản phẩm mới
Nhằm hiện thực hóa định hướng này, Công ty cổ phần hóa chất Sơn Hà Nội đã có những động thái đầu tư mạnh tay từ nền tảng con người, công nghệ sản xuất đến hệ thống nhận diện thương hiệu. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của thương hiệu Việt trong hành trình định vị lại thị trường giữa cuộc đua sơn nội – sơn ngoại ngày càng trở nên khốc liệt.
Theo đó, Sơn Hà Nội đã mở rộng sản xuất bằng việc khởi công thêm nhà máy thứ 2 với quy mô 30.000 m2 tại khu công nghiệp Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên vào 5/2019 tới. Đồng thời, đầu tư công nghệ sản xuất của Oliver Batlle và ABB - đây là các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ tự động, với mục tiêu đóng góp 30 triệu lít sơn và 10.000 tấn bột/năm vào thị trường tiêu thụ. Về con người, công ty mời các chuyên gia kỹ thuật và quản lý đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới về làm việc với mục tiêu phát triển ngang tầm với các thương hiệu quốc tế.
Ngoài các sản phẩm truyền thống mang nhãn hiệu CMC (sơn công nghiệp) và Vepa (sơn trang trí), Sơn Hà Nội đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất để cho ra đời sản phẩm sơn trang trí mang nhãn hiệu S’Hanoi dành cho phân khúc cao cấp, với nguồn nguyên liệu được nhập khẩu từ các nhà cung cấp hàng đầu như DOWN, CONNEL BROS, BASF... đến từ châu Âu, Mỹ, Úc…
Với định hướng này, Sơn Hà Nội đang nỗ lực chuyển mình trở thành thương hiệu sơn nội địa số 1 Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế trong thời gian sớm nhất.
Trong giai đoạn phát triển mới, Sơn Hà Nội tiếp tục khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình bằng việc tái định vị thương hiệu bằng công nghệ bao bì tiên tiến in trong khuôn (IML) có chức năng siêu chống giả.
Toàn bộ hệ thống sản phẩm của Sơn Hà Nội sẽ được quản lý bằng QR code, giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đây là bước cải tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh, bảo vệ chất lượng sản phẩm và thương hiệu.
Dấn thân vào ngành sơn từ năm 2005, với kiến thức và kinh nghiệm lĩnh hội được từ môi trường trong nước và quốc tế, từ tháng 3/2019, ông Trần Tiến Bảy đầu quân về Sơn Hà Nội với vai trò là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa chất Sơn Hà Nội. Ông tin tưởng rằng, với sự quyết tâm mang tầm chiến lược, Sơn Hà Nội chắc chắn “trỗi dậy”, tiếp tục khẳng định chỗ đứng của một thương hiệu hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Mai Thảo – Hồng Thiết