TĐKT - Khuôn mặt phúc hậu, nụ cười trìu mến, luôn hết lòng vì học sinh, đó chính là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với cô giáo Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Cô Ngọc chia sẻ, cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, giàu tình cảm. Mẹ cô cũng là giáo viên giỏi, hiệu trưởng của một trường danh tiếng của đất Hà Thành. Cô đến với nghề giáo bởi sự đam mê, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ được thấm dẫm, nuôi dưỡng từ ngày còn bé. Chỉ cần nhìn ánh mắt của trẻ thôi đã làm cô yêu trẻ đến nao long. Chính điều này đã thôi thúc cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc quyết tâm theo đuổi nghề. Cô là người đã dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp trồng người với thâm niên công tác gần 32 năm.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Trong gia đình cô là người mẹ, người vợ mẫu mực, trách nhiệm. Với bạn bè, đồng nghiệp cô là người lãnh đạo tận tụy. Cô luôn cầu thị, biết lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng tập thể, không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện, sáng tạo, lấy kết quả công việc làm đầu, lấy thành công của tập thể để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những nỗ lực của cô giáo Kim Ngọc là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, từ một giáo viên kỳ cựu, đào tạo nhiều học sinh giỏi toán xuất sắc, có những học sinh của cô nay đã là phó giáo sư, tiến sĩ, có người là cán bộ quản lý giỏi, uy tín.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Tiểu học, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc về dạy tại trường Tiểu học Kim Đồng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đến năm 2013, cô được bổ nhiệm làm Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Năm 2017, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót. Cho dù ở bất cứ cương vị hay môi trường nào, trực tiếp đảm nhiệm công tác giảng dạy hay làm cán bộ quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Kim Ngọc vẫn thể hiện được vai trò đầy trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trên cương vị người quản lý, lãnh đạo, cô luôn chọn giải pháp mềm dẻo, phù hợp với từng công việc, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp, lấy học sinh làm trung tâm trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Vì vậy, ngay từ đầu mỗi năm học, cô cùng ban giám hiệu nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức phát động các phong trào thi đua học tập, phấn đấu, rèn luyện trong tập thể cán bộ giáo viên, tổ chức ký kết giao ước thi đua cho cán bộ giáo viên, từng tổ chuyên môn, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ năm học theo các tiêu chí thi đua của ngành giáo dục phát động.
Bên cạnh đó, cô cũng là người cụ thể hóa các nội dung của việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua các hoạt động giáo dục như: Đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng trường học hạnh phúc. Cùng với đó, cô chỉ đạo giáo viên thực hiện nâng cao chất lượng, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; thực hiện hiệu quả mô hình dạy học phân hóa theo các nhóm đối tượng học sinh. Tiếp theo đó, tổ chức thành công các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, dạy học theo dạng bài, ứng dụng công nghệ thông tin.
Song song với đó, cô luôn xây dựng tập thể sư phạm có tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, kỷ cương và trách nhiệm, có lề lối làm việc khoa học, hiệu quả. Phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc, hợp tình, hợp lý, phát huy được năng lực của các thành viên và huy động sức mạnh của tập thể. Đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể thực hiện tốt dân chủ hóa trường học, nhằm xây dựng nhà trường đoàn kết, nền nếp, kỷ cương, thân thiện, xử lý các thông tin kịp thời, không để xảy ra các vụ việc phức tạp; có kế hoạch, chiến lược phát triển cho nhà trường. Cô luôn tạo ra cách đổi mới công tác quản lý, vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn với phương châm: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hiệu quả công tác cao.
Phát huy vai trò của người lãnh đạo, cô Ngọc đã xây dựng chương trình hành động cá nhân, hướng dẫn các đoàn thể trong trường xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, huy động các nguồn lực nhằm phát triển giáo dục theo hướng tích cực.
Trong suy nghĩ của cô Ngọc, để đào tạo tốt thì học sinh phải là trung tâm. Phát huy khía cạnh này, cô đã hướng dẫn giáo viên thực hiện tốt đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học; chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, các hoạt động dạy học, giáo dục phù hợp đối tượng học sinh, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của giáo viên và học sinh, hồ sơ sổ sách đầy đủ, khoa học; quản lý chặt chẽ việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo quy định; chú trọng tổ chức, chỉ đạo bồi dưỡng học sinh năng khiếu, giúp đỡ học sinh yếu kém, quan tâm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Tiếp tục phát động, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”. Cùng với đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo đối với cán bộ giáo viên, nhân viên. Mặt khác, tổ chức cho giáo viên học tập quy chế chuyên môn của ngành. Xây dựng kỷ cương và dân chủ trong nội bộ nhà trường, tạo nên khối đoàn kết thống nhất thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cô giáo Nguyễn Thị̣ Kim Ngọc nhận giấy khen và Kỷ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cô Ngọc đã phối hợp với các phòng ban, đơn vị liên quan tham mưu UBND quận dành kinh phí lớn đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học của nhà trường. Thực hiện chủ trương của lãnh đạo UBND quận, nhà trường đã triển khai thành công nhiều mô hình mới, đơn cử như: Vệ sinh công nghiệp tại nhà trường; nữ giáo viên của trường mặc áo dài đến trường tạo nét thanh lịch, văn minh cho ngành giáo dục và đào tạo quận. Triển khai mô hình bảo vệ, quản lý trang thiết bị chuyên nghiệp và lắp đặt, đưa vào sử dụng giàn hoa, cây cảnh, xây dựng trường học hấp dẫn. Kết quả đã triển khai thành công phong trào “Một vạn giỏ hoa, nhiều vạn niềm tin”, đóng góp 70 giỏ hoa trang trí một số tuyến phố nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2019.
Cô giáo Ngọc cùng ban giám hiệu nhà trường đã thực hiện tốt chủ trương “Mô hình bể bơi thông minh dạy bơi cho học sinh khối 4, 5 tại trường”; chủ động lập kế hoạch tổ chức dạy bơi cho học sinh bằng bể bơi thông minh lắp đặt tại nhà thể chất. Nhà trường hỗ trợ 30% kinh phí học bơi cho mỗi học sinh, miễn 100% học phí cho học sinh thuộc diện gia đình chính sách, gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả: Hoàn thành chỉ tiêu 100% học sinh biết bơi và trên 90% học sinh lớp 5 đủ sức khỏe biết bơi.
Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, cô còn là người có tấm lòng nhân ái, yêu thương, cô cùng ban giám hiệu nhà trường phát động chương trình “Nâng bước em tới trường”. Cô đã nhận đỡ đầu và trợ cấp toàn bộ kinh phí học tập cho 1 học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ tháng 1/2020 đến hết lớp 5 bao gồm tiền ăn, học, sữa học đường với số tiền khoảng 800 nghìn đồng/tháng. Đồng thời ủng hộ, từ thiện cho học sinh vùng sâu vùng xa, tặng 20 triệu đồng để xây nhà vệ sinh cho học sinh tiểu học Hà Giang trong chương trình “Gieo chữ trồng người” của Báo Giáo dục và Thời đại. Phát động tấm lòng “Tương thân tương ái” trong giáo viên, nhân viên, học sinh và gửi tặng học sinh, đồng bào vùng khó khăn, thiên tai với số tiền hơn 225 triệu đồng và nhiều loại sách vở.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, suốt 13 năm liền cô Ngọc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Quản lý giỏi cấp quận; 5 năm liền đạt Lao động tiên tiến; Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020.
Hồng Thiết