TĐKT - Thấu hiểu nỗi đau cũng như khát khao, niềm mong mỏi của những gia đình có người thân đã hy sinh trong kháng chiến mà chưa tìm được mộ, hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Tiến Xuân (81 tuổi) ở xóm Chợ, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức đã tình nguyện viết hơn 17 nghìn lá thư báo phần mộ liệt sĩ cho nhiều gia đình trên khắp mọi miền đất nước.
Tuần nào cũng vậy, cứ đến giờ phát sóng chương trình Những thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Xuân lại chăm chú lắng nghe và ghi chép cẩn thận lại những thông tin về tên, tuổi, quê quán và nơi mộ phần của những liệt sĩ chưa được người thân đến nhận. Sau đó, viết một bức thư thông báo, gửi về địa phương của liệt sĩ ấy, với mong muốn phần mộ của các liệt sĩ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương.
Ông Nguyễn Tiến Xuân đang xem danh sách 30.000 liệt sĩ mà ông cùng người cháu đã thu thập được năm 2018
Ông Nguyễn Tiến Xuân cho biết, ông đã làm công việc ấy từ năm 2007. Ông vốn sinh ra trong gia đình có công với cách mạng, có hai người anh trai là liệt sĩ, đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh chống Pháp, trong đó có một người đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần. Bao nhiêu năm nay, ông và người thân trong gia đình vẫn tìm kiếm và luôn đau đáu, mong rằng ngày nào đó sẽ nhận được tin báo về người anh trai ấy.
“Chứng kiến bao nhiêu năm người mẹ ruột xót xa, mỏi mòn ngóng trông đứa con mà mình đã mang nặng, đẻ đau trở về; chịu đựng nỗi đau mất đi mãi mãi người anh trai, khúc ruột thịt, tôi thực sự thấu hiểu và cảm thông với những gia đình cùng cảnh ngộ. Mỗi lần nghe đài, thấy nhiều liệt sĩ vẫn chưa được gia đình đưa hài cốt về quê hương khói, tôi xót xa như chính trường hợp của gia đình tôi. Tôi nghĩ rằng, chắc do chương trình phát trên đài phát thanh nên nhiều gia đình liệt sĩ không nghe được thông tin, nên muốn làm một việc nhỏ vừa để thay lời cảm ơn tới những chiến sĩ đã “che bom, chắn đạn” cho mình còn sống đến ngày hôm nay; vừa để mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho những người mẹ, người vợ, người con của những liệt sĩ ấy” – ông Nguyễn Tiến Xuân chia sẻ.
Cầm trên tay hơn chục cuốn sổ ghi chép những thông tin về các liệt sĩ đã cũ kỹ, ông bảo, có tuổi rồi, tai không còn thính như bọn trẻ. Có đợt ông phải nghe đi nghe lại mới ghi được đầy đủ thông tin. Nhưng dần dần, khi có điện thoại thông minh, ông đã biết ghi âm chương trình trên đài và nghe lại từ điện thoại để ghi chép thông tin cho chính xác.
Khi gửi thư, ông kèm theo số điện thoại cá nhân và địa chỉ của mình để người thân của các liệt sĩ tiện liên lạc. Mỗi tháng, những lá thư được ông gửi đi khắp mọi miền của Tổ quốc, nhiều nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình...
Ông cũng đưa cho chúng tôi xem những chồng thư do thân nhân của các liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước gửi cho ông từ nhiều năm qua. Nhiều lá thư đã ố vàng bởi thời gian nhưng khi đọc lên vẫn chứa chan niềm cảm xúc.
Trong đó có lá thư của gia đình bà Đặng Thị Dung là con của liệt sĩ Đặng Đình Lân (Đông Hưng, Thái Bình) viết: Gia đình cháu đã nhiều năm đi tìm mộ của bố Lân nhưng đều vô vọng. Nhận được lá thư của bác vào tháng 5/2009, gia đình cháu đã tìm đến nghĩa trang Lục Ngạn, Bắc Giang– nơi bố Lân đang nằm. Khi tìm được mộ, không ai bảo ai, thấy tên người thân, cả gia đình đã gục đầu xuống khóc…Cảm ơn bác nhiều lắm!....”.
Thư của ông Đào Hùng Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã An Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có đoạn: “Ngày 19/4/2008, UBND xã An Đỗ nhận được thư báo tin mộ liệt sĩ của ông. Thay mặt Đảng ủy, HĐND, UBND xã An Đỗ, xin trân trọng cảm ơn ông đã báo tin về phần mộ liệt sĩ Văn Đình Lung, là người con của quê hương đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị… Phần mộ liệt sĩ đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã An Đỗ…”…
Trong số hơn 15 nghìn lá thư báo mộ liệt sĩ được ông gửi đi trong 10 năm qua (2007 – 2017), đã có 276 liệt sĩ sau bao năm xa cách nơi đất khách quê người, đã được người thân đưa về quê hương.
Ông tâm sự: “Mỗi lần biết thêm liệt sĩ đã tìm được thân nhân, tôi vui lắm nhưng khi nhìn vào danh sách tên liệt sĩ hay đến những ngôi mộ vô danh, lòng tôi lại cảm thấy đau nhói. Không biết những bức thư không có hồi âm, những ngôi mộ vô danh kia đến bao giờ mới tìm được về với gia đình, quê hương. Tôi tự nhủ bằng mọi cách phải đưa các anh về với nơi chôn nhau cắt rốn”.
Với mong muốn có thêm nhiều phần mộ liệt sĩ nhanh chóng được trở về với vòng tay của người thân, năm 2017, ông Nguyễn Tiến Xuân đã gửi thư đề nghị bàn giao lại danh sách các liệt sĩ đã tìm được cho Bộ Quốc phòng và mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Năm 2018, bước sang tuổi 81, chân tay đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng ông vẫn miệt mài làm “chiếc cầu nối” cho các gia đình liệt sĩ.
Đưa cho chúng tôi tập giấy A4 dày cộp, ông Xuân bảo, đây là danh sách 30.000 liệt sĩ mà ông cùng người cháu đã tìm được năm 2018 thông qua các trang web trên internet. Trong số đó, ông đã báo được 2.000 liệt sĩ. Mong muốn của ông là làm nhiều hơn nhưng viết không xuể vì quá nhiều. Riêng nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị đã có 12.000 liệt sĩ.
Ông Xuân dự định, trong 4 - 5 năm tới, khi đã in được danh sách 100.000 liệt sĩ, ông sẽ mở một phòng lưu giữ các danh sách liệt sĩ, sẽ thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng để cho các gia đình liệt sĩ có thể liên hệ với ông tìm liệt sĩ trên sổ sách trước, tránh tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc.
Hưng Vũ