TĐKT - Người ta thường bảo “chớ dại mà vuốt râu hùm”, nhưng hơn 20 năm nay, anh Nguyễn Quang Phúc, sinh năm 1970, tổ trưởng tổ chăn nuôi thú dữ, Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1, Công ty TNHH MTV Vườn Thú Hà Nội đã lựa chọn và gắn bó với công việc quản lý, chăm sóc và thuần dưỡng những con thú dữ, nhằm phục vụ cho nhiều du khách đến Thủ đô tham quan, học tập và vui chơi, giải trí.
Chính thức bước chân vào nghề từ năm 1996, anh Nguyễn Quang Phúc trở thành người nuôi dạy các loại thú dữ như: Sư tử, hổ, gấu, vượn… với tất cả tâm huyết của một người yêu động vật.
Mỗi ngày, anh Phúc đều đặn quan tâm và chăm sóc chúng một cách ân cần, cẩn thận. Anh đến chuồng thú khi chúng còn chưa ngủ dậy, để vệ sinh chuồng trại; vuốt ve, âu yếm từng con, như đang thể hiện tình cảm với những người thân thiết trong gia đình.
Anh Nguyễn Quang Phúc đang trò chuyện với sư tử
Để có thể thuần hóa những con thú, ngoài tìm đọc các nguồn tài liệu khác nhau về chúng, anh còn dành nhiều thời gian, kiên nhẫn ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ để nhìn chúng ăn, quan sát các hành động của chúng để nắm bắt rõ đặc tính ăn, ngủ, tính cách của mỗi loài.
Đặc biệt, với kinh nghiệm của một người có hơn 20 năm trong nghề nuôi dạy, huấn luyện thú, anh Phúc còn có khả năng nhận biết tâm trạng của chúng một cách tài tình.
Anh kể: “Mỗi sáng, khi đến các chuồng thú để bắt đầu làm việc, tôi đều quan sát cử chỉ, hành động của mỗi con. Khi phát hiện những con thú có tâm trạng không tốt, tôi hiểu rằng đó là khi nó cần đến mình để được vuốt ve, che chở. Tôi thường lại gần, gọi nó ra tận chấn song cửa để thủ thì, chuyện trò như hai người bạn”.
Tuy nhiên, anh Phúc cho rằng, làm nghề này phải luôn cảnh giác và tuân thủ quy định an toàn tuyệt đối, vì chỉ cần bất cẩn một giây là tai nạn sẽ ập đến.
Nhìn vào vết sẹo trên tay, anh Phúc nhớ lại lần bị thương khi cho hổ ăn cách đây 13 năm: Nguyên tắc cho thú ăn là phải đưa cả tảng thịt để chúng lấy răng xé. Khi đó, tôi cầm tảng thịt vứt qua cửa, nhưng miếng thịt bị kẹt ở chấn song nên tôi cố đẩy vào. Con hổ đói vồ nhanh như chớp, móng vuốt vô tình móc xuyên bàn tay phải của tôi. Nếu không có kinh nghiệm, một người giật mình, tay yếu, có thể bị hổ lôi vào chuồng, rất nguy hiểm. Tôi khi đó phải gồng hết sức, chấp nhận vết thương rách toạc để giật tay lại”.
Sau 13 năm, vết sẹo trên tay anh Phúc đã mờ, không còn vết khâu. Với anh, công việc gắn bó với những con thú ở đây đã trở thành niềm vui mỗi ngày.
Chị Hà Thu Phương, Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1 cho biết: Anh Phúc là người rất tận tụy với công việc, bất kể những việc gì khó khăn, nguy hiểm của vườn thú anh đều xung phong làm trước. Có lần địa phận Linh Đàm, quận Hoàng Mai phát hiện ra một loài khỉ mặt đỏ đến quậy phá nhà dân, theo sự phân công của cơ quan, anh Phúc đã đến và thu phục được loài thú này, đem về vườn nuôi của xí nghiệp, thuần dưỡng nó trở thành con vật quý hiếm phục vụ khách tham quan chiêm ngưỡng.
Với trách nhiệm là tổ trưởng tổ chăn nuôi thú dữ, anh Phúc thường xuyên hướng dẫn, trao đổi những kinh nghiệm trong công tác chăn nuôi động vật với tất cả anh chị em trong tổ bằng lòng nhiệt tình, tính đam mê, trái tim yêu nghề. Đồng thời, anh luôn nêu cao tầm quan trọng của việc áp dụng sáng kiến sáng tạo trong công tác chăm sóc đàn thú dữ.
Nhìn những khách tham quan nhí hào hứng bên những động vật trong vườn thú, những người làm nghề nuôi thú thêm yêu nghề
Mong muốn thuần hóa thú nhưng vẫn phải giữ những đặc tính, bản năng của loài, anh thường nỗ lực tạo ra những hoạt động, môi trường tự nhiên cho thú. Cũng là một hoạt động cung cấp thức ăn, nhưng nhằm giữ bản năng săn mồi của các con thú, anh Phúc thường nghĩ ra các cách khác nhau như băm nhỏ thức ăn, giấu ở khắp nơi trong chuồng, có khi phải leo cao tới 5 – 6 mét để đảm bảo thú luôn hoạt động, tìm kiếm được thức ăn trong một ngày.
Năm 2017, kết hợp với nhóm chuyên gia tình nguyện thuộc tổ chức động vật châu Âu, anh cùng đồng nghiệp đưa ra các hạng mục làm phong phú môi trường, quá trình thực hiện và đưa vào thực tế cho thấy những hạng mục trên có tương tác tốt với nhóm động vật. Tổ chức bảo vệ động vật châu Á đánh giá cao và khen thưởng cụ thể cho các cá nhân và tập thể trong nhóm mô hình. Đặc biệt các hạng mục đó đã được Vườn thú Yorrshire giới thiệu tới các vườn thú trên thế giới để làm hình mẫu.
Với đặc thù của công việc, anh thường xuyên phải đến nơi làm việc gấp giữa đêm khuya. Mỗi khi thú ốm, tự anh vào chuồng đưa chúng đến nơi chữa trị; anh kê giường nằm sát cạnh cũi của từng con để tiện chăm sóc suốt thời gian chúng mang bệnh. Vào các dịp nghỉ lễ chung của cả nước, nhà nhà dắt nhau đi chơi, còn anh lại luôn túc trực ở vườn thú.
Anh bảo: Dịp lễ tết, công việc của anh càng bận rộn hơn. Khách đến tham quan vườn thú rất đông, mặc dù đã có quy định không được xả rác tại vườn nuôi hay cho thú ăn những loại thức ăn không phù hợp nhưng vẫn có một bộ phận người chưa tuân thủ đúng các quy định, nên những người làm công tác chăm sóc thú như anh, ngoài việc căng mình để đảm bảo các hoạt động được an toàn, thông suốt còn phải vừa dọn dẹp, vừa nhắc nhở mọi người không vi phạm quy định. Sau mỗi dịp đó, công việc của anh đồng thời tăng lên bởi phải chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho con thú sau những ngày liên tục phục vụ khách tham quan.
Công việc quản lý, chăm sóc và thuần dưỡng những con thú dữ dù vất vả, luôn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, nhưng lại cho thu nhập không cao. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phúc cho biết vợ anh là bác sĩ thú y cũng đang làm việc tại vườn thú này. Với mức lương được trả, hai vợ chồng anh phải bươn trải thêm để có tiền trang trải cho cuộc sống.
Nhưng sau tất cả, với sự thấu hiểu, ủng hộ của gia đình, sự quan tâm, đồng hành thường xuyên của lãnh đạo xí nghiệp, vợ chồng anh Phúc tiếp tục gắn bó với nghề bằng chính sự nhiệt huyết và say nghề.
Ngọc Huyền