TĐKT - Phát hiện mắc ung thư vú khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, nhưng bà Nguyễn Thị Hợp, Hội viên Hội phụ nữ phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân không suy sụp. Chăm chỉ tham gia các hoạt động đoàn thể, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, bà chẳng những là tấm gương sáng cho chị em phụ nữ phường mà còn chiến thắng căn bệnh ung thư một cách thần kỳ.
Nghị lực phi thường
Bà Nguyễn Thị Hợp trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 67 của mình. Mái tóc bà đen nhánh, nước da trắng mịn màng và nụ cười luôn tươi tắn căng tràn sức sống. Khó ai có thể tin được rằng, người phụ này 15 năm trước đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ còn được tính bằng ngày.
Chân dung giản dị đời thường của bà Nguyễn Thị Hợp
Nhớ lại khoảng thời gian đó, bà Hợp chia sẻ: “Đó là những ngày giữa năm 2004, tôi thấy mình đau nhức và có khối u ở vùng nách, nên đến bệnh viện khám. Sau thời gian điều trị, tôi được bác sĩ cho về nhà”. Khi ấy, chồng con sợ bà suy sụp nên giấu biệt bệnh án đi. Cảm nhận thấy có điều bất thường, ngay buổi chiều, bà gọi taxi quay lại viện, giả vờ là người thân để hỏi thăm tình hình bệnh tật của bản thân. Lúc ấy bà mới biết mình bị ung thư vú đã ở giai đoạn cuối, di căn vào xương và thời gian sống lâu nhất có lẽ chỉ được chừng 3 tháng.
“Khi trò chuyện với bác sĩ, tôi vẫn rất tươi cười, bình tĩnh, nhưng khi vừa bước ra khỏi phòng, đôi chân tôi quỵ xuống. Cả bầu trời như sụp đổ trước mắt. Ở tuổi 52, tôi đau đớn khi nghĩ đến ngày lìa đời mà các con chưa trưởng thành, yên bề gia thất. Về nhà, tôi nằm vật ra khóc một trận tơi bời”, bà Hợp xúc động nhớ lại.
Thế nhưng cũng rất nhanh, bà lấy lại được bình tĩnh cho mình. “Cuộc sống suy cho cùng ai chẳng phải chết. Bệnh tật đến ai, người đó chịu. Nếu mình suy sụp, chồng con cũng suy sụp, ai vun vén gia đình, nhà cửa. Nghĩ vậy, nên tôi mặc kệ tất cả. Tôi về quê, chọn mua cho mình một mảnh đất thật đẹp, xây mộ để sẵn đó. Tiếp đến, tôi trang điểm, đi chụp một bức ảnh chân dung phóng to. Xong xuôi, chiều 19/10, tôi đi thuê đồ cho chị em phụ nữ. Ngày 20/10, tôi cùng các chị em biểu diễn văn nghệ ở phường. 8h sáng ngày 21/10, tôi lên bàn phẫu thuật cắt khối u”, người phụ nữ mạnh mẽ và kiên cường kể lại.
Tấm gương sáng của phụ nữ Thanh Xuân Nam
Suốt hơn chục năm sống chung với những chuyến đi viện như đi chợ, điều trị hết phác đồ này đến phác đồ khác, người phụ nữ sinh năm 1952 không mảy may một lần lo lắng hay nản lòng. Quên đi căn bệnh hiểm nghèo đeo bám trên cơ thể, bà Hợp năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao ở địa phương. Bà là chủ nhiệm CLB Văn nghệ 116 Thanh Xuân, tham gia biểu diễn rất nhiều hội thi, hội diễn các cấp và đã cùng CLB mang về nhiều giải, đạt nhiều thành tích cao... có sức lan tỏa tích cực, rộng khắp trong toàn phường.
Ở tuổi 67, bà Nguyễn Thị Hợp (người đứng thứ ba từ phải sang) vẫn tích cực với hoạt động của phụ nữ phường Thanh Xuân Nam
Bà kể, có lẽ sự “máu lửa” với các hoạt động tập thể ấy đã “ăn vào máu” bà sau những năm tháng tuổi trẻ không ngừng cống hiến. Sinh ra và lớn lên ở quê hương Mỹ Đức, bước vào tuổi thanh xuân, bà đi công nhân, xung vào đơn vị làm đường giao thông. Rồi những năm 1972 – 1973, bà cùng đơn vị vào Quảng Trị làm đường phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thống nhất đất nước, trở lại miền Bắc, bà lại về xí nghiệp làm đường, xây dựng những con đường mới, nâng cấp những tuyến đường cũ, làm đẹp thêm, hiện đại lên những mạch máu giao thông trong tỉnh Hà Tây cũ và Thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh lân cận, xa hơn nữa là vươn sang cả nước bạn Lào. Những năm sau đó, bà đi dạy mầm non cho đến lúc về hưu, rồi làm công việc quản lý khách sạn gần 10 năm.
Trong căn nhà khang trang nằm ngay trên mặt đường Nguyễn Trãi, bà Hợp cười tươi tắn khi lần giở cho chúng tôi xem lại ảnh các hoạt động bà đã từng tham gia. Đó là ảnh các hội thi, hội diễn văn nghệ mà ở đó bà đóng vai trò là người “tổng quản” lo lắng, chăm sóc cho các chị em. Từ khâu lên kịch bản, tập luyện, thuê trang phục đến trang điểm đều do một tay bà đảm đương. Bà luôn động viên chị em phải biết chăm sóc bản thân, phải tích cực với hoạt động tập thể để cuộc sống thêm vui, thêm ý nghĩa hơn.
Bà Hợp cũng là một trong những điển hình trong tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương. Hàng năm, bà đều tham gia ủng hộ tích cực các phong trào từ 4 – 5 triệu đồng và sẵn sàng ủng hộ cao các quỹ khác...
Năm 2014, bà vinh dự được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng thưởng Bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”.
Nhưng có lẽ bao niềm vui với xã hội cũng không bằng một mái ấm viên mãn mà bao năm người phụ nữ ấy dày công vun đắp, gìn giữ. Bà sinh được 3 người con trai thì cả 3 đều thành đạt, có nghề nghiệp ổn định, có vị trí trong xã hội. Đặc biệt, bà tự hào khi có 3 cô con dâu ngoan ngoãn, hiếu thảo, luôn biết bảo ban nhau để “trong ấm, ngoài êm”.
“Nói ra thì có lẽ nhiều người không tin, nhưng tôi coi các con dâu như con gái của mình. Lúc chưa mua nhà riêng cho các con, cả 3 cặp vợ chồng các con đều chung sống cùng nhau mà không bao giờ xảy ra lời qua tiếng lại. Tôi luôn bảo ban con phải “trên kính, dưới nhường”, hòa thuận để nuôi dạy các cháu thật tốt. Bản thân là mẹ chồng, tôi cũng phải có sự khéo léo trong ứng xử để các con hòa thuận với nhau. Tôi luôn công bằng với tất cả để làm gương cho các con”, bà Hợp tâm sự.
Bày tỏ sự cảm phục, ngưỡng mộ đối với bà Hợp, bà Nguyễn Thị Lương - Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 30 - Chi hội 7 - Hội LHPN phường Thanh Xuân Nam chia sẻ: “Chị là một tấm gương sáng cho chị em phụ nữ noi theo. Dù thời gian dài bệnh hiểm nghèo đeo bám, chị vẫn rất “đảm” trong vai trò người vợ, người mẹ, chăm chồng thương binh ốm yếu, lo toan việc nhà “cơm lành, canh ngọt” và “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” để các con yên tâm công tác. Chị là một hội viên phụ nữ rất tích cực trong phong trào “mua báo Hội”, nuôi lợn nhựa tiết kiệm” và rất quan tâm đến những hoàn cảnh, phụ nữ còn khó khăn khác...”
Thu Ngà