Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
08/06/2020 - 15:00

TĐKT - Dù bận rộn, vất vả sớm hôm với việc buôn bán mưu sinh ở chợ Châu Long (quận Ba Đình, Hà Nội) nhưng nhiều năm nay, khi mặt trời còn chưa ló rạng, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhôm, 55 tuổi đã trở dậy để nấu những nồi cháo yêu thương. Cứ 3 lần một tuần, bà Nhôm và các thành viên trong nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” lại gửi tận tay những bệnh nhân nghèo tại 7 bệnh viện trên địa bàn thành phố gần 3.000 suất cháo.

Bà Nhôm chia sẻ: Được tận tay chuẩn bị, nấu và trao đi những bát cháo yêu thương, tôi tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự của mình không phải ở đâu xa mà chính là niềm vui, sự tin tưởng ánh lên trong từng ánh mắt, gương mặt của những con người khắc khổ, bao nỗi lo toan ấy.

Gần 4 năm nay, tháng nào gia đình bà cũng đóng góp 1 tạ gạo để duy trì những nồi cháo. Đáng quý hơn, khi thấy nhóm không có trụ sở hoạt động, bà đã quyết định bỏ ra số tiền tích góp được trong 20 năm buôn bán của mình, mua ngôi nhà 4 tầng tại phố Lạc Nghiệp, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) để những người có tấm lòng thảo thơm như bà cùng đến nấu cháo từ thiện.

Chị Thành Thu Lương, Trưởng nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” bày tỏ lòng mến mộ: “Chị Nhôm đúng là bà tiên giữa đời thường. Có đồng hành với chị khi nấu cháo tặng bệnh nhân, khi đi thăm tặng quà người nghèo mới thấy hết tấm lòng của chị. Lần nào cũng vậy, không chỉ góp tiền của, chị Nhôm luôn là người đi đầu, thường xuyên dậy từ 3h sáng để nấu những phần ăn thật ngon cho người khốn khó. Nhiều năm nay, bất kể xa hay gần, hễ biết ở đâu có người cần giúp đỡ, chị sẵn sàng tìm đến hỗ trợ. Tấm lòng của chị thật đẹp, luôn là nguồn động lực và truyền cảm hứng làm việc thiện cho chúng tôi”.

Bà Nguyễn Thị Nhôm (thứ hai từ trái sang) được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2020.

Không những vậy, bà Nhôm cùng với các thành viên trong nhóm còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp đỡ cộng đồng khác như: Xây dựng mô hình nồi cháo tình thương ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; xây dựng nhiều điểm trường bán trú cho trẻ em vùng cao; thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhiều năm nay, bà đã duy trì giúp đỡ 30 cháu ở Phú Thọ, Lào Cai; bà Phạm Thị Chạt (78 tuổi, quê Phú Thọ) 500 nghìn đồng/tháng…

Bà Nhôm bảo: Mình có thể chịu khổ, chịu thiệt nhưng hễ nhìn thấy hoàn cảnh nào đáng thương là ruột gan tôi như lửa đốt, phải cố gắng tìm cách để giúp đỡ họ bằng được.

Vì vậy, bất kỳ ai tìm đến với bà Nhôm cũng đều được bà chia sẻ, giúp đỡ và chăm lo như người thân trong nhà.

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, trong một lần về thăm mộ liệt sĩ ở vùng đất Quảng Bình, bà Nhôm bắt gặp Trương Đình Tứ - một đứa trẻ dù đã mười lăm, mười sáu tuổi đầu nhưng vô cùng ngờ nghệch, đôi lúc có biểu hiện không bình thường, khiến mọi người sợ hãi, xa lánh. Vì xót xa gia cảnh nghèo khổ, thiệt thòi của con trẻ, bà đã đề nghị với gia đình được đón cháu ra Hà Nội chữa bệnh.

Dù mang Tứ đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, cuối cùng bà bàn với gia đình đưa Tứ về ở cùng nhà và chữa bệnh cho em bằng chính tình thương của mình.

“Tôi nấu cơm, nấu cháo, trò chuyện với Tứ, dạy cháu hát, kể chuyện cho nghe. Tôi uống nước, cũng rót cho cháu một cốc. Hàng ngày đi chợ, tôi đánh thức cháu dậy sớm đi cùng, lên ngồi bán hàng cùng tôi. Tôi dạy cho cháu nghe con ốc ngon thì có tiếng như thế nào, con ốc hỏng thì nhận biết làm sao… Cứ thế, tôi kiên trì dạy cháu từ những điều nhỏ nhất…” –bà Nhôm kể.

Vì vậy, sau 3 năm, Tứ đã dần khỏi bệnh và trở nên hoạt bát như đứa trẻ bình thường. “Hiện giờ, Tứ rất nhanh nhẹn lại hiền lành, đang là quản lý kho hàng nhập hải sản của gia đình tôi ở chợ Châu Long. Tứ rất sành trong việc kiểm tra, xuất, nhập hàng hải sản. Thấy con lớn khôn mỗi ngày, lại đỡ đần cho gia đình việc kinh doanh, buôn bán, tôi hạnh phúc lắm; càng có thêm động lực và thời gian để gieo thêm nhiều việc thiện cho xã hội” – bà Nhôm xúc động chia sẻ.

Còn với Tứ: “Mẹ Nhôm tuy không sinh ra tôi nhưng đã cho tôi cuộc sống đúng nghĩa của một người bình thường. Được mẹ nuôi nấng, dạy cho biết yêu lao động, biết được một nghề để nuôi sống bản thân. Tôi cảm nhận được tình yêu vô bờ bến và tấm lòng bao dung, nhân hậu của mẹ, đó là động lực để tôi cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày”.

Được biết, Tứ chỉ là một trong số rất nhiều những đứa trẻ kém may mắn hoặc bị bệnh tật, được bà Nhôm chăm lo, coi như con mình. Đến khi họ lớn hơn, bà Nhung lại động viên mỗi người theo học một nghề để tự lập trong cuộc sống tương lai. Người nào thích học sửa chữa ô tô, xe máy, bà hỗ trợ tiền cho theo học; ai muốn theo nghề buôn bán hải sản của bà, bà sẵn sàng hướng dẫn, dìu dắt...

“Tôi muốn các con có một công việc để chúng tự đứng trên đôi chân của mình. Tôi cố gắng tần tảo để lo cho chúng có một mái ấm. Đa phần các cháu đều có cửa hàng riêng, làm ăn phát đạt. Một số cháu về địa phương hoặc đi nơi khác lập nghiệp, có dịp là lại đến thăm gia đình tôi, coi như người thân. Vợ chồng tôi còn mang trầu cau đi hỏi vợ cho nhiều cháu. Đó là niềm hạnh phúc của tôi”, bà Nhung nở nụ cười thật ấm áp khi nói về những người “con” của mình.

Sau hơn 30 năm làm việc thiện, bà Nguyễn Thị Nhôm đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, hội. Năm 2020, bà vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng  danh hiệu “Người tốt việc tốt”.

Nhưng khi tâm sự với chúng tôi, xen lẫn những cảm xúc là những nỗi trăn trở của bà: Tuổi tôi mỗi ngày một nhiều, sức khỏe cũng yếu dần, không cho phép làm được nhiều như trước. Bởi vậy, tôi luôn mong muốn lan tỏa tinh thần hướng thiện, sống thiện đến được với nhiều người hơn nữa, cùng chung tay góp sức để bớt đi những nghèo đói, khổ đau, làm cho xã hội thêm tươi đẹp, hạnh phúc hơn.

Bà cũng hi vọng, trong thời gian tới sẽ kết nối thêm được nhiều tấm lòng để xây dựng được những ngôi trường bán trú cho trẻ em vùng cao có điều kiện học tập, sinh hoạt thật tốt, mai này gắng sức phụng sự Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh hơn.

 Thục Anh