Người Phó Chánh án giàu kinh nghiệm
28/12/2020 - 10:18

TĐKT - Chị Cao Thu Hoài hiện là Phó Chánh án, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, mặc dù là nữ và làm trong ngành nghề chịu sự giám sát chặt chẽ từ nhiều phía, với nhiều lo lắng, áp lực trong công việc nhưng chị luôn nhận thức rằng Thẩm phán là một chức danh cao quý, là niềm tự hào không dễ gì có được.

Chị cho biết, bản thân luôn xác định mình đã chọn nghề thì phải tâm huyết với nghề, yêu ngành, yêu công việc, phải bản lĩnh, tự tin, có tinh thần dũng cảm, luôn là tấm gương của sự độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy. Trong công việc chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành công vụ, phải luôn trung thành tuyệt đối với mục đích, lý tưởng.

Chị Cao Thu Hoài trong những lần xử án

Hơn hết, chị là người luôn viết, nói và làm đúng quan điểm, đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có ý thức nghiên cứu, tinh thần tự giác học tập để không ngừng nâng cao kiến thức về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Một mặt, chị luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống sinh hoạt lành mạnh, giản dị. Có ý thức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên để chị rèn luyện mình, xứng đáng với vị trí, vai trò và niềm vinh dự của người Thẩm phán.

Ở vị trí công tác nào chị cũng luôn thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, biết quý trọng công sức lao động và tài sản của tập thể, của nhân dân, không xa hoa, lãng phí, không tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, mưu lợi cá nhân. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, không vi phạm những điều Đảng viên không được làm. Nghiêm chỉnh chấp hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân, phải luôn phát huy tinh thần dân chủ, tôn trọng tập thể, tôn trọng quần chúng nhân dân, luôn đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân; tác phong đĩnh đạc, nghiêm túc, thận trọng, có lương tâm nghề nghiệp trong sáng.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, trong những năm qua, từ nhiệm kỳ đầu tiên tháng 7/2007, đến nay chị đã trực tiếp giải quyết được tổng số 1.705 vụ án các loại; xét xử bình quân 142 vụ án/năm, 11,8 vụ/tháng, cao hơn gần 1/2 số lượng vụ việc bình quân của thẩm phán trong đơn vị (số lượng án giải quyết, xét xử bình quân của mỗi thẩm phán trong đơn vị là 6,6 vụ, việc/tháng).

Đặc  biệt, khi chị đứng ra xử lý các vụ án, không có vụ án nào bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán và cũng không có vụ án nào để quá hạn luật định hoặc bỏ lọt tội phạm, kết án oan người không có tội. Các bản án, quyết định ban hành đều thấu tình đạt lý, người tham gia tố tụng đều tâm phục, khẩu phục.

Chị Cao Thị Thu Hoài tham gia xử lý tại các vụ án

Với những cống hiến của chị, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức nhiều năm liền đạt “Tập thể lao động xuất sắc”, được tặng “Cờ thi đua của Tòa án nhân dân”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, Chi bộ 5 năm liền đạt “Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu”; Chị Cao Thu Hoài được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân”, “Người tốt việc tốt tiêu biểu thủ đô Hà Nội” và đặc biệt chị vinh dự được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực năm 2017”. Đây là một vinh dự lớn lao cho sự cống hiến và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của chị trong suốt quá trình công tác. Nhận được niềm vinh dự đó, chị luôn răn mình phải sống và làm việc tốt hơn nữa để xứng đáng với sự tin yêu của các lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo hai cấp Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và niềm tin của nhân dân vào công lý.

Từ thực tiễn công tác, để đạt được những kết quả tích cực trên, bản thân chị đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu: Đối với tất cả các vụ án sau khi được phân công giải quyết, chị đều khẩn trương nghiên cứu hồ sơ; nếu có tính chất phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau về việc đánh giá chứng cứ hoặc áp dụng pháp luật, chị có kế hoạch kịp thời trao đổi nghiệp vụ trong cơ quan để tìm sự thống nhất, đồng thời trao đổi, tranh thủ ý kiến hướng dẫn về nghiệp vụ của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để đưa ra xét xử kịp thời, đúng thời hạn.

Chị thường xuyên có sự liên hệ với lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trong huyện vàlãnh đạo các cơ quan chuyên môn của huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính Kế hoạch, Phòng Kinh tế và Quản lý đô thị)... để tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp giúp đỡ của các cơ quan này đối với tòa án trong việc tống đạt các văn bản tố tụng, xem xét, thẩm định tại chỗ, thực hiện các hoạt động tố tụng.

Trao đổi, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Công an huyện Hoài Đức trong việc lên lịch xét xử để hạn chế việc phải hoãn phiên tòa do vắng kiểm sát viên hoặc do việc dẫn giải bị cáo đang bị tạm giam đến phiên tòa, công tác bảo vệ phiên tòa.

Đối với các vụ án hình sự, chị đã tích cực nghiên cứu và phần lớn đưa ra xét xử trong thời hạn từ 15 ngày đến 1 tháng kể từ khi thụ lý. Đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, quá trình giải quyết chị đã tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật, sưu tầm các bản án có dạng tranh chấp tương tự của tòa án cấp trên để nghiên cứu, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, tiếp xúc với các bên đương sự để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và quan điểm của họ để đưa ra phương pháp hòa giải, kết quả có 96% vụ án qua kỹ năng hòa giải của chị, các đương sự tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Chị đã không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; chính sách, pháp luật của nhà nước, các nghị quyết của Ban cán sự đảng, Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng để có sự nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn, chế độ, chính sách thi đua, khen thưởng; qua đó khơi dậy ý thức tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thường xuyên tiếp thu, lắng nghe, học tập kinh nghiệm, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của chánh án để ngày một hoàn thiện mình.

Với cương vị là Phó Chánh án, chị luôn thể hiện vai trò nêu gương trách nhiệm của người lãnh đạo theo tinh thần “Cán bộ nào, phong trào đó”. Chị phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao; phải là cá nhân gương mẫu, tổ chức triển khai mọi hoạt động của cơ quan theo các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch đã đề ra; là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong, năng lực công tác để toàn cơ quan noi theo; phải có năng lực tổ chức để hướng mọi người trong tập thể phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, đây là nhân tố cơ bản có tác dụng thúc đẩy và tạo lực cho các phong trào thi đua của đơn vị.

Để có được thành công như ngày hôm nay, chị cho biết, phải xây dựng kế hoạch công tác hợp lý, phù hợp với bản thân và tình hình thực tế của đơn vị; phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức giúp việc trong cơ quan phải khách quan, công bằng và phù hợp năng lực sở trường công tác của từng người. Trên cơ sở đó, giúp cho việc đánh giá kết quả và công nhận danh hiệu thi đua theo các tiêu chí phù hợp nhiệm vụ công tác của cơ quan và mỗi cá nhân.

Hồng Thiết