TĐKT - Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy cũng là từng ấy năm cô giáo Lê Thị Hòa (giáo viên trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đau đáu một niềm mong mỏi được giúp đỡ những số phận học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống. Từ suy nghĩ đó, cô đã quyết tâm dạy dỗ miễn phí cho hàng chục em học sinh bị mắc các bệnh hiểm nghèo, giúp các em hòa nhập với cộng đồng và tiếp cận với tri thức. Hai tiếng “Mẹ Hòa” được gọi từ những đứa trẻ không ruột rà máu mủ nhưng lại thân thương biết bao.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Đã thành lệ, mỗi sáng thứ 7, chủ nhật hàng tuần, người ta lại thấy cô giáo Lê Thị Hòa tất bật từ nhà đến chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) để dạy học. Bỏ ngoài tai hết những lời đàm tiếu không hay của nhiều người, cô vẫn cần mẫn và tận tụy với công việc dạy học cho trẻ em nghèo và mắc các hội chứng bệnh đặc biệt tại chùa từ hơn 10 năm nay. Hiện nay, lớp học tình thương của cô Hòa đã có tới 58 em học sinh với độ tuổi từ 6 – 26 theo học.
Cô Hòa bồi hồi kể về mình với một tuổi thơ nghèo khó, sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là trẻ mồ côi từ rất sớm, nên rất thấu và cảm thông với những số phận trẻ em kém may mắn. Sau những chuyến đi làm từ thiện, nhận thấy còn quá nhiều em thơ phải chịu số phận thiệt thòi, trong cô đã ấp ủ dự định sẽ truyền giảng những kiến thức bổ ích để các em có niềm tin hơn trong cuộc sống.
Cô giáo Lê Thị Hòa đang hướng dẫn học trò viết chữ
Sẵn có kiến thức về sư phạm, lại được sự ủng hộ của gia đình, từ năm 1993 – 2007, cô đã nhận 23 em học sinh bị nhiễm chất độc màu da cam và nghỉ học giữa chừng về dạy trong gian bếp nhỏ của nhà mình.
Lần đầu tiên trong đời, những đứa trẻ bị down, tự kỷ, câm, điếc bẩm sinh... được biết đến những nét chữ, con số, được dạy dỗ, yêu thương từ một người mẹ không sinh ra mình. “Lớp học” rộng chừng hơn chục m2 khi ấy luôn rộn ràng tiếng cười và khấp khởi niềm hi vọng lớn lao của cả cô và trò về một tương lai không xa, các em sẽ được đối xử bình đẳng, sống có ích với xã hội như bao người khác.
Khi nhận thấy nhu cầu học tập của nhiều em học sinh đặc biệt ngày một lớn hơn; trong khi “lớp học” tại nhà đã quá tải, cô giáo Hòa đã tìm đến sự giúp đỡ nơi cửa chùa và may mắn được sư thầy Thích Đàm Tiền hỗ trợ về không gian dạy học. Từ 23 học sinh tại nhà ban đầu, lớp học tình thương của cô giáo Hòa tại chùa Hương Lan được khai giảng vào ngày 14/9/2007 đã thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh khó khăn đến từ khắp các nơi như Chương Mỹ, Phú Xuyên, Hoài Đức, Thanh Oai...
Với vai trò là giáo viên lớp 2 kiêm Tổng phụ trách đội của trường, cô giáo Hòa đã vận động được thêm một số giáo viên khác từ các trường tiểu học đến hỗ trợ mình dạy dỗ các em trong việc cầm bút, giở sách, vở... Có những lúc tưởng chừng như sự mệt mỏi có thể khiến mình gục ngã bất cứ khi nào, nhưng mỗi khi nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của các em cùng sự động viên của sư thầy, cô lại tiếp tục vững tâm và bước tiếp con đường thiện nguyện mà mình đã theo đuổi.
Đem yêu thương đổi lấy thương yêu
Sớm nhận thấy việc dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy dỗ những trẻ mắc những hội chứng bệnh đặc biệt còn khó gấp nhiều lần, cô giáo Lê Thị Hòa đã sáng tạo ra phương pháp “dùng tình thương đổi lấy tình thương” để khuyên bảo, hướng dẫn các em. Đó cũng là cách mà nhiều năm nay cô áp dụng thành công tại lớp học tình thương dù cho nhiều đồng nghiệp do không chịu được áp lực dạy trẻ đặc biệt đã phải bỏ cuộc.
Cô Hòa kể: “Lớp học có những em đặc biệt đến mức phải cắn/tát/hôn... được cô mới chịu vào lớp. Ban đầu khi bị cắn, tôi tỏ ra rất đau đớn để học sinh nhận thấy việc làm đau người khác là không tốt. Với những em muốn đánh cô giáo, tôi đề nghị các em đập tay với cô để cả hai cùng được vui vẻ. Dần dần, các em thôi không “dọa” cô nữa và sẵn sàng hợp tác với giáo viên trong mỗi buổi học”.
Cô giáo Lê Thị Hòa (ngoài cùng bên trái) tại buổi giao lưu tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Cụm thi đua số 11 TP Hà Nội
Đặc biệt, có em bị tật nguyền nên luôn bị chảy dãi làm ướt hết quần áo, cô đã phải rất kiên trì hướng dẫn em cách khép miệng thật chặt để dãi không bị rớt ra ngoài. Sau 2 tháng, em đã có thể tự giữ vệ sinh cho mình và không làm ảnh hưởng đến người khác. Lại có cả những em bị câm bẩm sinh, rất khó khăn trong việc truyền dạy kiến thức, cô giáo Hòa đã chủ động tìm đến lớp học chữ nổi để việc dạy dỗ các em trở nên hiệu quả hơn…
Nhờ có sự dạy dỗ của cô, đến nay, trong số 58 em theo học đã có 30 em biết chữ, biết hát 7 bài hát khác nhau dù thời gian để các em có thể thuộc bài có thể lên đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm. Đến nay, nhiều em đã tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình và luôn nhớ đến “mẹ” Hòa như một ân nhân đã có công sinh ra mình lần nữa để có được nghị lực mạnh mẽ và thành công như ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao ý thức học tập và đồng cảm với những số phận thiệt thòi trong cuộc sống cho học sinh tại trường tiểu học Đông Sơn, cô giáo Hòa đã tự mình nêu gương làm những việc tốt và tổ chức cho nhiều em có cơ hội đến thăm lớp học tình thương của mình. Nhiều học sinh của cô đã cố gắng trong học tập và rèn luyện chính từ sự răn dạy rất nhân văn, nhân ái ấy.
Đồng thời, cô giáo Lê Thị Hòa cũng rất tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Từ năm 2015 đến nay, cô đã tổ chức quyên góp 400 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng hành cùng nhiều hoàn cảnh kém may mắn.
Với những đóng góp ấy, cô giáo Lê Thị Hòa đã đã được nhận bằng khen của Trung ương đoàn, danh hiệu Tổng phụ trách giỏi, Tổng phụ trách tiêu biểu của thành phố, giáo viên giỏi việc nước đảm việc nhà 5 năm liên tiếp (2008 - 2012) và đặc biệt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô năm 2017. Mới đây, cô vinh dự được TP Hà Nội đề xuất là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Đó là sự ghi nhận thật xứng đáng cho một tấm gương nhà giáo gương mẫu, trách nhiệm và sống có ý nghĩa với cộng đồng, xã hội.
Cảm phục về những việc làm của cô giáo Hòa, thầy giáo Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ xúc động: Dạy dỗ học sinh biết đọc, biết viết, biết vệ sinh cá nhân là những việc nhỏ và hết sức bình thường. Nhưng nhìn những đứa trẻ đặc biệt trong lớp học tình thương có thể làm thuần thục được những điều bình thường ấy mới thấy được nghị lực phi thường cũng như tấm lòng cao quý của cô giáo Hòa. “Ngành giáo dục và đào tạo Chương Mỹ thực sự trân trọng và tự hào vì có một tấm gương sáng, giàu lòng nhân hậu như cô giáo Hòa. Việc làm, nghĩa cử cao đẹp của cô Hòa không chỉ góp phần nâng tầm suy nghĩ, nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, giáo viên, người lao động của nhiều trường học trên địa bàn huyện, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để mọi người làm thêm nhiều việc tốt, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.” - thầy Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh. |
Mai Thảo