TĐKT - Bánh ngọt Anh Hòa là một trong những thương hiệu bánh nổi tiếng của Hà Nội những năm gần đây. Ít ai biết rằng, ôngchủ của chuỗi cửa hàng này từng là trẻ lang thang, cơ nhỡ được một người phụ nữ nhận nuôi dưỡng, dạy dỗ nên người. Người mẹ ấy còn là điểm tựa cho 600 trẻ em nghèo, không nơi nương tựa khác suốt hơn 30 năm nay dưới mái ấm “Xa mẹ”. Bà là nhà giáo Vũ Thị Ngọc Oanh –tấm gương điển hình, xứng đáng với danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô năm 2019.
Trao yêu thương đi xa
Bước vào căn phòng sinh hoạt chung của mái ấm “Xa mẹ” tại số 13 phố Ngô Văn Sở, trước mắt chúng tôi là hình ảnh những đứa trẻ đang quây quần bên cây đàn piano say sưa luyện tập các tiết mục văn nghệ. Ở một góc phòng, bà Oanh chăm chú quan sát và khẽ mỉm cười khi nhìn những động tác ngô nghê, đáng yêu của các con. Khi biết có phóng viên đến, những khuôn mặt ngây thơ pha lẫn chút tinh nghịch, lém lỉnh ngước lên nhìn chúng tôi không chớp mắt. Dưới sự hướng dẫn của bà, từng em tự đứng dậy giới thiệu về mình, ngoan ngoãn và lễ phép đến bất ngờ.
“Trước đây, “Xa mẹ” từng nuôi dạy vài chục trẻ một lúc nhưng nay chúng tôi chỉ còn 7 cháu. Các cháu đều ngoan, biết thương yêu mọi người và có nhiều cố gắng trong học tập” - bà Oanh mở đầu câu chuyện về hành trình hơn 30 năm làm công việc từ thiện của mình. Như nhớ ra điều gì, bà liền hỏi các con: “Sắp tới chúng ta có dịp đi cắm trại tại Kim Bôi (Hòa Bình), các con đã nhớ tập múa những bài gì chưa?”. Có bé gái mau miệng: “Dạ tập điệu múa của dân tộc Thái và Khmer ạ”. Gương mặt bà nghiêm lại: “Các con nhớ nhé, Khmer là chỉ đất nước Campuchia, nước ta cũng có một dân tộc thiểu số có tên như vậy. Nhưng điệu múa của chúng ta phải là của dân tộc Khơ mú”. Nói rồi bà dẫn chúng tôi sang căn phòng làm việc bên cạnh, nhường lại khu sinh hoạt chung cho các con thỏa sức múa hát, luyện tập.
Bà Oanh cùng các con luyện tập các tiết mục văn nghệ để chuẩn bị cho trại hè sắp tới
Kể về hành trình làm “mẹ” của hơn 600 người con của mình, bà Oanh bồi hồi nhớ lại hình ảnh những năm cuối thập niên 80, khi vợ chồng bà mở quán bán hàng gần chùa Quán Sứ để trang trải cuộc sống. Khi ấy, ngoài những khách hàng lui tới ăn uống sau giờ làm, vợ chồng bà thường xuyên có những vị khách đặc biệt là người già và trẻ nhỏ lang thang đến xin ăn. Vốn là những viên chức nghèo nhưng giàu lòng nhân ái, ông bà thường nấu thêm cơm để họ lót dạ qua ngày. Dần dần, những đứa trẻ tìm đến quán của ông bà ngày một đông, có em còn xin ông bà được ở lại quán làm việc để không phải lang thang kiếm ăn như trước. Thương các con nhưng không thể để trẻ làm những công việc quá sức mình, bà tìm hiểu hoàn cảnh và khuyên các em nên trở về nhà.
Thế nhưng, nhiều em với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chẳng ai muốn xa mẹ Oanh để về quê. Hiểu chuyện, bà Oanh bàn với chồng là ông Vũ Tiến – vốn cũng từng là trẻ lang thang, tìm một việc để các em có thể làm. Bằng uy tín của mình, ông bà bỏ tiền để nhập báo về phát cho trẻ bán hằng ngày. Thế là “Tổ bán báo xa mẹ” ra đời từ năm 1990 bằng chính kinh phí và tình thương của ông bà Tiến – Oanh. Số tiền bán báo do lũ trẻ làm ra được dùng để duy trì cuộc sống cho chính các em.
Tuy nhiên, sau một thời gian, phát hiện ra những bất cập khi để các con kiếm tiền từ quá sớm, bà cùng chồng lại quyết định dùng chính kinh tế của mình để cho các em ăn học nên người. Vậy là từ năm 1996, “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ” ra đời thay thế cho tổ bán báo “Xa mẹ”. Từ đây, ngôi nhà của ông bà đã trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ông Tiến với vai trò là chủ nhiệm tổ chức đã tình nguyện trở thành trụ cột kinh tế chính của gia đình, vừa đảm bảo công việc ở cơ quan, vừa kiếm tiền để nuôi nấng những người con đặc biệt. Còn bà Oanh, vốn là một giáo viên THCS, ngoài việc dạy kiến thức cho các con, bà còn thường xuyên uốn nắn, dạy dỗ, quan tâm để hình thành cho trẻ một nhân cách tốt.
Gặt mùa vàng hạnh phúc
Vốn là một giáo viên chủ nhiệm lâu năm, bà Oanh nhận thấy việc giáo dục một đứa trẻ là việc hết sức khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải dành nhiều thời gian và tâm sức để dạy dỗ các con. Chính vì vậy, sau mỗi buổi lên lớp, bà thường ngồi lại với các con để kiểm tra bài vở, nắm bắt tình hình học tập của từng trẻ. Đồng thời, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng của các em để có những cách uốn nắn phù hợp.
Bà kể: “Trong hàng trăm đứa trẻ chúng tôi nhận nuôi dưỡng, có những em rất ngoan nhưng lại có những trẻ nghịch ngợm và không ít lần khiến mẹ Oanh phiền lòng”. Ấy là khi có những đứa trẻ vốn đã sống quen với cảnh túng thiếu, bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu trong thời gian dài trước khi về “Xa mẹ”, đã lấy hết số báo trong ngày được phát đi bán để bỏ trốn. Có những em khi đi bán báo lại đánh nhau, trộm cắp,… khiến công an phải mời vợ chồng bà đến giải quyết.
Chặng đường hơn 30 năm nuôi dạy trẻ được bà Oanh cùng chồng lưu giữ qua những bức ảnh kỷ niệm
Thế nhưng, khi nhắc lại những kỷ niệm buồn ấy, bà Oanh vẫn mỉm cười, khuôn mặt ánh lên sự lương thiện của một người phụ nữ gốc Hà Thành giản dị mà thanh lịch: “Sau mỗi lần phạm lỗi, các con lại về với chúng tôi. Có cháu viết thư xin lỗi và khóc rất nhiều để mong được quay lại với “Xa mẹ”. Nhìn các con trong bộ dạng tội nghiệp, quần áo rách rưới, mặt mũi lấm lem, sợ sệt, vợ chồng tôi lại dang rộng vòng tay đón con trở về”.
Chẳng đánh mắng, cũng không đẩy các cháu về lại những góc tối của xã hội, bà Oanh cùng chồng lại khuyên bảo, chăm nom chúng như chính con ruột của mình. Lúc các con ốm đau, ông bà cũng vì thế mà lo lắng. Khi các con cần được định hướng nghề nghiệp, ông bà lại sẵn sàng mua máy khâu, mời thợ may đến dạy hoặc hướng các con đến những nghề phổ thông khác như: Làm bánh, nấu ăn, lái xe… Ngoài ra, mỗi năm các con đều được ông bà tổ chức đi thăm quan ở những di tích, danh lam, thắng cảnh của đất nước của mình như: Lăng Bác, Côn Sơn, Tam Đảo, Sầm Sơn…, hoặc kết hợp với những tổ chức nước ngoài để đưa trẻ tham dự những chương trình liên hoan, giao lưu trẻ em quốc tế.
Nhận xét về người vợ nhân hậu của mình, ông Tiến cho biết: “Với vai trò là một giáo viên, bà Oanh đã trở thành cô giáo đầu tiên của nhiều đứa trẻ “Xa mẹ”. Bà ấy không chỉ dạy chữ mà còn chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp để các cháu nên người”.
Cứ thế, những đứa trẻ lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của ông bà dần trở thành những con người thành đạt, có công ăn việc làm ổn định, sống lương thiện và lại tiếp tục cùng bố mẹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Nhiều người khi trưởng thành được ông bà đích thân dựng vợ, gả chồng và tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở cho cả hai vợ chồng lúc còn khó khăn. Bởi vậy mà khi đã có được những thành công nhất định trong cuộc sống, họ vẫn thường tìm về với mái ấm xưa để cảm tạ công ơn nuôi dưỡng của mẹ Oanh và bố Tiến của mình.
Bà Vũ Thị Ngọc Oanh (thứ tư từ trái sang) tại chương trình giao lưu điển hình tiên tiến “Tiếp lửa truyền thống phong trào Ba đảm đang phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác” giai đoạn 2015 - 2020
75 tuổi và mang trong mình căn bệnh huyết áp cao nhưng bà Oanh luôn tâm niệm: Trời còn cho sức khỏe là vợ chồng bà vẫn tiếp tục công việc thiện nguyện của mình. Bởi vậy mà cách đây mấy tháng, khi vừa nghe tin ba em nhỏ ở Lạng Sơn có hoàn cảnh khó khăn, hai ông bà đã lặn lội đến tận nơi để tìm hiểu sự tình. Khi biết chúng đã theo mẹ đến nơi khác, vợ chồng bà đã nhờ công an khu vực tìm kiếm và vẫn hi vọng sớm có cơ hội được giúp đỡ các cháu.
Bà tâm sự: “Tôi hạnh phúc vì nhiều cháu từ mái ấm “Xa mẹ” đã trở thành những người thành đạt và lương thiện. Tôi cũng mong xã hội mình sẽ không còn trẻ em lang thang, cơ nhỡ nữa”.
Như thấu hiểu nỗi lòng của cha mẹ, người con trai thứ hai của bà luôn dành nhiều thời gian cho các hoạt động thiện nguyện này. Anh đồng hành cùng các con trong mọi chuyến đi và yêu thương chúng như con, em của mình. Con gái anh cũng rất yêu quý các thành viên trong mái ấm ấy khi thường xuyên theo ông bà đến đây để được vui chơi cùng các anh, chị. Đây quả là một gia đình mẫu mực cho truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc, xứng đáng là hình mẫu lÝ tưởng cần được nêu gương và nhân rộng để xã hội ngày một tốt đẹp, nhân văn hơn.
Ngọc Huyền