Người con hiếu thuận của mảnh đất Thanh Vân
06/06/2022 - 13:27

TĐKT – Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, được thừa hưởng trọn vẹn tuổi thơ bình yên ở làng quê xứ Bắc Bộ, ông Đỗ Văn Thang, công dân thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội luôn đau đáu một nỗi niềm xây dựng xóm làng bình yên, văn hóa và tiến bộ, để trao truyền cho thế hệ tương lai. Bởi vậy, dù chỉ là một tiểu thương nhỏ, nhưng ông luôn dành nhiều tâm huyết và đóng góp không ít của cải vật chất, cùng chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng và phát triển quê nhà.

Niềm vui của sự thay da đổi thịt

Tìm đến xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP Hà Nội khi đã sát giờ nghỉ trưa, trong cái nắng hè oi ả lên đến gần 36 độ C, nhưng không khí như dịu xuống, mát mẻ khi chúng tôi được gặp và trò chuyện với một người con hiếu thuận của thôn Thanh Vân - ông Đỗ Văn Thang.

Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng về một ông chủ của đại lý bia hơi Hà Nội lớn nhất nhì miền Bắc, một mạnh thường quân của nhiều công trình phúc lợi xã hội, ông Đỗ Văn Thang có lối trò chuyện giản dị và chân thành, mộc mạc. Dù bộn bề công việc nhưng ông sẵn lòng gác lại để giới thiệu cho chúng tôi về mảnh đất và con người quê hương yêu dấu của mình.

Ông cho biết, thôn Thanh Vân trước kia được gọi là làng Mây. Hiện, thôn có khoảng 800 hộ dân, với trên 3000 khẩu, chiếm 16% tổng dân số trong toàn xã. Nơi đây là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi duy trì và phát triển hiệu quả nhiều phong trào văn hóa văn nghệ, khuyến học khuyến tài. Đa số người dân trong thôn đều phát triển về các nghề phụ như buôn bán thương mại, làm dịch vụ, công nhân trong các khu công nghiệp… nhưng có truyền thống gắn bó, đoàn kết từ nhiều đời nay. Từ việc nhỏ đến việc lớn trong thôn, đều có sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân. Đặc biệt, thôn Thanh Vân là một trong những điểm sáng trong phong trào vận động xã hội hóa.

Dẫn chúng tôi đến con đường ria làng Mây (thuộc địa phận thôn Thanh Vân), dài khoảng 500 mét, rộng chừng 7 mét, một bên là nhà cửa cao tầng san sát, một bên là những ruộng rau, vườn bưởi xanh ngút ngàn, ông Thang không giấu nổi niềm hạnh phúc và tự hào. Ông Thang cho biết: Đây là con đường mới được hình thành nhờ sự đồng lòng, hợp sức của cả chính quyền và nhân dân trong thôn.

Ông Đỗ Văn Thang cùng lãnh đạo xã Thanh Lâm giới thiệu với phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng về con đường ria làng Mây mới được nâng cấp khang trang

Trước đây, con đường ria làng vừa nhỏ lại vừa bị xuống cấp nghiêm trọng, đầy ổ gà, mưa thì úng nước, nắng thì bụi bặm. Dọc con đường này lại có một mương thoát nước rất rộng, chứa đầy nước thải đen kịt, quanh năm bốc mùi hôi thối và ruồi muỗi, bọ gậy. Nhưng theo tập tục canh tác cũ, nhiều người dân trồng rau trong thôn vẫn sử dụng nước để tưới tiêu, rồi lại bán rau đó cho người trong làng ăn, rất đáng quan ngại.

Đọc sách báo nhiều và tận mắt chứng kiến không ít người trong thôn ra đi vì bạo bệnh, ông Thang càng rõ hơn về sự cần thiết của việc cải tạo môi trường kênh mương. Năm 2022, Nhà nước có chủ trương nâng cấp, chỉnh trang mương máng, đường sá trong thôn, tuy nhiên, kinh phí công eo hẹp, nên chưa đáp ứng được mong mỏi của đa số người dân. Nhận được sự kêu gọi hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhân dân thôn Thanh Vân đã chung tay ủng hộ hơn 300 triệu đồng; riêng ông Thang là người đi đầu, ủng hộ tới 60 triệu đồng, tạo thêm điều kiện để mở rộng tuyến đường, bao ra hết phần kênh tù nước đọng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và đường quê được khang trang, sạch đẹp.

Ông Đỗ Đình Đề, một hộ dân thôn Thanh Vân phấn khởi: Từ ngày đường sá, kênh mương được nâng cấp, trẻ con ở đây đỡ ốm sốt hơn hẳn vì không còn bị côn trùng đốt và hít mùi xú uế hằng ngày. Nhiều gia đình còn chung tay đóng góp, đặt các chậu hoa, cây cảnh in hình phúc, lộc, thọ dọc tuyến đường, rất đẹp mắt.

 “Mỗi sáng người dân chúng tôi đi tập thể dục, được thả lỏng cơ thể, hít hà không khí sạch sẽ, trong lành, thật hạnh phúc. Vui hơn nữa là, giá trị bất động sản của các hộ dân ở đây nay đã được nâng lên gấp nhiều lần.” – ông Đề chia sẻ.

Mong muốn lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Được biết, không chỉ góp của làm đường sá, kênh mương mà nhiều năm nay gia đình ông Thang luôn đồng hành trong nhiều hoạt động xây dựng thôn, xã. Từ đóng góp ủng hộ các hoạt động văn hóa, thể thao, quỹ khuyến học, khuyến tài; đến ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam hay quỹ phòng, chống covid-19, gia đình ông luôn tiên phong và ủng hộ nhiều nhất. Mới đây, ông Thang đã đóng góp gần 60 triệu đồng cho việc sửa chữa loa đài và hệ thống phát thanh của thôn nhằm góp phần truyền tải thông tin chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đến người dân một cách hiệu quả, chính xác nhất.   

Ông Đỗ Văn Nhon, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm khẳng định: Bất cứ khi nào địa phương kêu gọi, gia đình anh Thang đều nỗ lực đóng góp, hỗ trợ nhiệt tình. Anh là hạt nhân quan trọng, thúc đẩy phong trào đóng góp xây dựng quê hương ngày một văn minh, tiến bộ hơn. Mới đây, anh vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2022.

Ông Đỗ Văn Thang phấn khởi khoe con đường ria làng mới được nâng cấp

Tâm sự với chúng tôi, ông Đỗ Văn Thang chia sẻ: Sự ghi nhận của chính quyền thành phố và nhân dân chính là động lực để tôi không ngừng lao động, phấn đấu được góp sức nhiều hơn để xây dựng quê hương ngày một văn minh, đẹp giàu.

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Thang trăn trở: Hiện nay, nhiều cánh đồng làng trước đây đang dần bị hoang hóa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng trọt sang các ngành nghề khác, thu nhập của người dân tăng lên, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tuy có những bước chuyển biến rõ rệt nhưng kéo theo đó là những hậu quả về văn hóa làng quê bị lai tạp, du nhập. Một bộ phận giới trẻ đang dần quên đi gốc tích và truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của làng quê; tư tưởng lệch lạc, dễ bị cám dỗ vào những tệ nạn xã hội. Vì vậy, theo ông, cần phải đầu tư phát triển nhiều hơn nữa các phong trào văn hóa, thể thao lành mạnh để gắn kết quần chúng nhân dân; lan tỏa nhiều hơn những việc làm tốt, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu và xây dựng cộng đồng văn hóa, văn minh.

Một trong những tâm nguyện lớn nhất hiện nay của ông Thang đó là sẽ được đồng hành cùng chính quyền xây dựng nên một thư viện đọc miễn phí trên địa bàn xã. Theo ông, văn hóa đọc chính là nền tảng, là bệ đỡ cho mọi thế hệ đến với kho tàng tri thức. Ông bảo, bản thân cũng là một người rất đam mê đọc sách và trân quý những tư liệu từ xa xưa, chính vì vậy dù qua nhiều lần chuyển nhà ông vẫn giữ được những cuốn sách, lưu bút từ rất cũ. Ông khẳng định, sự học là suốt đời, chỉ có sự học mới giúp mở mang kiến thức và chinh phục được những thành tựu mới.

Tạm biệt người con hiếu thuận của mảnh đất Thanh Vân ấy khi ánh nắng trưa chiếu trên những cành cây, đổ loang trên những đoạn đường bê tông mới ở ria làng; khi những đoàn học sinh nối nhau ríu rít trò chuyện lúc tan trường. Nhìn ánh mắt và nụ cười của ông Thang, chúng tôi hiểu rằng, hạnh phúc với ông đơn giản là cho đi những điều bình dị ấy. Càng trân quý hơn những dự định, ấp ủ về xây dựng một mảnh đất Thanh Vân giàu bản sắc văn hóa và văn minh, hiện đại của một người công dân lương thiện.

Mai Thảo – Lê Phượng