BTĐKT - Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, việc cải tạo, nâng cấp và xây mới công viên, vườn hoa ở Thủ đô Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ, với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương và cộng đồng nhân dân. Mô hình "Dân vận khéo" đã trở thành một phương pháp hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại, từ tình trạng lấn chiếm không gian công cộng đến vệ sinh môi trường.
Vườn hoa Đại học Công đoàn, có vị trí đặc biệt, giáp ranh với trường đại học Công đoàn, từ lâu đã trở thành nơi một số hộ dân sống ở khu vực lân cận bày bán hàng nước chè, lấn chiếm không gian đi bộ và gây mất vệ sinh, trật tự đô thị. Những hộ dân này đều có hoàn cảnh khó khăn, phụ thuộc vào thu nhập từ việc kinh doanh nhỏ lẻ này.
Vườn hoa Đại học Công đoàn được gắn biển mô hình “Dân vận khéo”
Trước thực trạng này, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân phường Quang Trung, quận Đống Đa đã nhận thấy, đây là một vấn đề tồn tại cần phải giải quyết triệt để để đảm bảo hiệu quả cho dự án cải tạo, nâng cấp vườn hoa.
Qua khảo sát, đã có 5 trường hợp bày bán trong khuôn viên vườn hoa và số lượng khách hàng chủ yếu là sinh viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Việc xử lý tình trạng vi phạm này gặp nhiều khó khăn do sự tồn tại lâu dài và điều kiện kinh tế của các hộ kinh doanh.
Vào đầu năm 2024, quận Đống Đa đã đưa ra chủ trương cải tạo, nâng cấp Vườn hoa Đại học Công đoàn theo chỉ đạo của thành phố và đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chủ trương này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, mở ra cơ hội để phường và quận giải quyết các vấn đề tồn tại.
Các tổ chức như Công an phường, Mặt trận Tổ quốc, cùng với các đoàn thể và cán bộ khu dân cư đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ cho các hộ dân chuyển đổi mô hình kinh doanh. Các giải pháp đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các cấp ủy, chi bộ và các cán bộ cơ sở nhằm đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
Cụ thể, mô hình chuyển đổi kinh doanh được triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, bao gồm: Tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi sang mô hình chạy xe ôm công nghệ hoặc giúp việc theo giờ, phù hợp với sức khỏe và khả năng lao động. Đồng thời, bố trí không gian bán hàng mới, đảm bảo không gian kinh doanh không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và không làm mất vệ sinh, đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh cam kết không hoạt động trong khuôn viên vườn hoa.
Sự kiên trì của chính quyền và các lực lượng chức năng đã giúp quá trình cải tạo diễn ra suôn sẻ. Nhờ vậy, vào ngày 9/10/2024, dự án cải tạo, nâng cấp Vườn hoa Đại học Công đoàn đã chính thức hoàn thành và được gắn biển công trình “Dân vận khéo”, chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Vườn hoa Đại học Công đoàn đã được khoác chiếc áo mới, khang trang, sạch đẹp hơn với bồn hoa, thảm cỏ được quy hoạch lại cho sinh động kết hợp các loại hoa nhiều màu sắc để thu hút người dân tới vui chơi, giải trí; lát lại gạch nền bằng đá cubic, vỉa hè xung quanh vườn hoa lát bằng gạch terrazzo để bảo đảm độ bền và thẩm mỹ; bổ sung ghế đá kết hợp với bó bồn cây, giàn hoa bằng thép sơn giả gỗ tại một số vị trí để tạo điểm nhấn cho vườn hoa; cải tạo hệ thống chiếu sáng; chỉnh trang lại nhà vệ sinh công cộng, bổ sung hệ thống cấp nước; lắp đặt hệ thống thùng rác cố định xung quanh vườn hoa để giữ gìn vệ sinh.
Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội kịp thời biểu dương, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích trong cải tạo, nâng cấp và xây mới công viên vườn hoa Đại học Công đoàn
Dự án không chỉ tạo ra một không gian xanh đẹp, sạch cho sinh viên và người dân, mà còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và trật tự đô thị trong cộng đồng. Mô hình dân vận khéo này đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn.
Được biết, không chỉ công trình này mà thời gian qua, trên địa bàn quận Đống Đa, bằng những cách làm bài bản, sáng tạo đã còn có nhiều mô hình dân vận khéo khác được triển khai thực hiện thành công, mang lại hiệu quả thiết thực, nhận được sự đồng thuận lớn từ nhân dân. Chỉ tính trong năm 2024, toàn quận Đống Đa có 546 mô hình dân vận khéo, trong đó cấp thành phố có 2 mô hình, cấp quận có 84 mô hình và cấp cơ sở có 460 mô hình.
Mai Thảo