TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), ngày 1/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Khơi nguồn sức mạnh”.
Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định giá trị lịch sử cũng như tầm quan trọng của Lời kêu gọi thi đua ái quốc mà Bác Hồ đã phát động cách đây 70 năm trong suốt quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh của truyền thống yêu nước, của bản sắc văn hóa và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. 70 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), Thủ đô Hà Nội trở thành nơi khởi phát nhiều phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu của cả nước, tạo nên phong trào hành động cách mạng, là nguồn động lực, nhân tố quyết định thắng lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nuớc.
Đa số ý kiến tại Hội thảo khẳng định rằng: Trong những năm qua, Đảng bộ Hà Nội đã và đang tiếp tục vận dụng sáng tạo những quan điểm của Người về thi đua yêu nước; cụ thể hóa Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người bằng những mục tiêu thi đua cụ thể, đối tượng rõ ràng và cách thức, biện pháp tổ chức linh hoạt, hiệu quả.
Hà Nội là địa phương đi đầu trong thực hiện, triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước nghiêm túc, chủ động và sáng tạo, tạo được sức lan tỏa rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã phát động nhiều phong trào thi đua, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức triển khai.
Trong từng năm, xác định rõ chủ đề, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá: “Năm trật tự văn minh đô thị” triển khai từ năm 2014; “Năm kỷ cương hành chính 2017” và “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị năm 2018”. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trọng tâm “Người tốt, việc tốt” gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Xây dựng Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Hội thảo khoa học “Khơi nguồn sức mạnh”.
TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho biết, phong trào “Người tốt, việc tốt” là một trong những minh chứng cụ thể về sự vận dụng sáng tạo của Hà Nội trong thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc.
Từ năm 1992 đến nay, phong trào “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô ngày càng phát triển sâu rộng trong đời sống xã hội. 25 năm qua, đã có 24.000 gương “Người tốt, việc tốt” được thành phố biểu dương, khen thưởng; hơn 32 vạn “Người tốt, việc tốt” được các địa phương và đơn vị khen thưởng.
Những tấm gương sáng trong phong trào “Người tốt, việc tốt” được các cấp, các ngành thành phố biểu dương, đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, có sức lan tỏa, tác động đến người dân. Cái tốt, cái đẹp, việc tử tế của mỗi con người được khơi dậy, phát huy, “như ánh sáng xua tan bóng tối”.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ tại Hội thảo
Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông: Những lời dạy của Bác Hồ ngày 28/4/1964 khi Người về thăm nhà máy chính là nguồn di sản tinh thần vô giá, là động lực để mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, lao động nhiều thế hệ thi đua lao động, sản xuất, xây dựng thương hiệu Rạng Đông vững mạnh, trở thành 1 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, được tạp chí nổi tiếng Forbes đánh giá là 1 trong 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất thị trường chứng khoán cả nước.
“Rạng Đông có như ngày hôm nay là bởi doanh nghiệp đã đưa phong trào Thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày, gắn với lợi ích của mỗi người lao động; sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như các hình thức tổ chức đổi mới phong trào trong từng giai đoạn khác nhau.” - Ông Thăng cho biết.
Bên cạnh những chia sẻ kinh nghiệm, tại Hội thảo, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn cũng như đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của thành phố trong tình hình hiện nay.
TS. Đoàn Thị Hương và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: Thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô đang đặt ra nhiều vấn đề mới, cần được Đảng bộ, chính quyền quan tâm giải quyết: Thực trạng phát triển không đồng đều giữa các bộ phận dân cư, các khu vực; khoảng cách giàu nghèo, độ chênh lệch về mức sống và hưởng thụ; vấn đề đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; hiện trạng phai nhạt lý tưởng trong một bộ phận thanh niên, học sinh, sinh viên…
Một bài toán đặt ra cho Thủ đô, đó là làm thế nào để củng cố vững chắc và phát huy tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng con người mới Thủ đô văn hiến, xây dựng đảng trong sạch vững mạnh.
Do đó, Hà Nội cần tiếp tục hiểu và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, càng khó khăn càng phải thi đua thật tốt; đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua, đồng thời quan tâm công tác tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời, nhân rộng điền hình tiên tiến. Qua đó tạo nguồn động lực to lớn hoàn thành mục tiêu thi đua đoàn kết, sáng tạo và đổi mới.
Kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong mong muốn tinh thần của cuộc hội thảo sẽ tiếp tục được phát huy để các phong trào thi đua ngày càng thấm sâu, lan tỏa, ngày càng thiết thực hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Mai Thảo