TĐKT – Năm nay đã gần 80 tuổi, chân đi lại không còn nhanh nhẹn, mỗi khi trái gió trở trời lại bị căn bệnh do chiến tranh để lại hành hạ đến thở cũng khó, nhưng người lính cụ Hồ Nguyễn Văn Tích, khu dân cư số 12, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội vẫn miệt mài “dán báo”, góp phần duy trì tụ điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong khu dân cư.
Một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đến địa bàn dân cư số 12, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội, được đám trẻ con đang nô đùa ríu rít dẫn đường vào nhà ông Tích “dán báo” – biệt danh quý mến mà chúng tặng cho ông Nguyễn Văn Tích. Bọn trẻ chỉ cho chúng tôi “góc sản phẩm” mà ông Tích dày công chăm sóc, duy trì hiệu quả suốt gần 20 năm qua. Đó là khu bảng tin sinh động, rộng chừng 4 m2 đặt ngay tại đầu ngách 3/24 phố Thái Hà.
Góc bảng tin của khu phố rất đặc biệt, bao gồm 2 dãy bảng, trong đó có 2 bảng treo báo, 2 bảng treo ảnh và 1 bảng treo Sơ đồ khu dân cư, một bảng tin viết phấn cập nhật thông báo các hoạt động của Đảng, chính quyền, mặt trận và các sinh hoạt trong khu dân cư. Đặc biệt, có thể dễ dàng quan sát được rằng đây là một vị trí đắc địa bởi không gian ngách phố khu vực này khá rộng, rất thuận lợi cho người xem các bảng tin.
Ông Tích giới thiệu về khu vực Bảng tin, Bảng báo, Bảng ảnh Khu dân cư 12 tại ngách 3/24, Thái Hà, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Nắm tay một trong những đứa trẻ, chậm rãi rảo bước về phía bảng tin, ông Nguyễn Văn Tích cầm theo tờ báo HàNộimới, cười bảo: “Các con giúp ông cùng dán tờ báo mới này lên nhé, tý bảo bố mẹ ra đọc bảng tin”. Rồi ông nhanh tay bật hết những bóng đèn xung quanh bảng tin lên cho sáng. Ông bảo: “Hôm nay khu dân cư vừa có thêm thông báo mới, đề nghị bà con treo cờ Tổ quốc dịp 30/4, 1/5 nhưng trời sầm sì, sắp mưa nên tôi tranh thủ ra trước kẻo tý mưa to lại vất vả, người dân đi làm về còn nhìn thấy thông báo để thực hiện.”
Gần 20 năm nay, ngày nào cũng vậy, ông luôn cố gắng tự tay mình làm cho bảng tin thành những ấn phẩm văn hóa hấp dẫn cho bà con lối phố. Chỉ trừ khi ốm đau, phải nằm viện, ông mới nhờ đến vợ con thay mình dán báo, bật đèn. Mọi việc làm của ông hoàn toàn tự nguyện, không lấy của tập thể một đồng tiền thù lao.
Khu dân cư 12 có khoảng 300 hộ dân với trên một ngàn dân, với đặc thù là hầu hết các hộ là gia đình “Bộ đội Cụ Hồ” đã về hưu hoặc đang công tác. Do vậy, tình hình văn hóa, an ninh, chính trị ở đây đều rất ổn định và nền nếp. Đây là môi trường sống mơ ước của nhiều người hiện nay.
Mong muốn duy trì được nền nếp ấy, từ lâu, Chi bộ, Mặt trận Khu dân cư 12 đã vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp xây dựng khu bảng tin văn hóa của cả khu. Hồi đầu, treo xong mấy tờ báo, viết mấy khẩu hiệu, mọi người chỉ xem qua và rồi thưa dần vì ít thông tin và hình ảnh đơn điệu.
Một số gia đình ở gần bảng tin chỉ muốn “xóa sổ” cái bảng tin nhàm chán ấy thay bằng những ô cửa sổ cho thoáng nhà, thoáng cửa. Khu phố thì họp lên họp xuống về việc thuê người duy trì bảng tin ấy cho hấp dẫn nhưng không có ai nhận.
Vốn là một cán bộ tuyên huấn rồi làm cán bộ Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), ông Nguyễn Văn Tích nghĩ, bảng tin là một thứ rất cần thiết trong xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nên đã xung phong đảm nhận duy trì hoạt động của bảng tin, bảng báo.
Ngoài tinh thần, trách nhiệm một cựu chiến binh 58 năm tuổi Đảng, ông là một công dân ham nghiên cứu, ham đọc và viết, lại có một số kiến thức về thẩm mỹ trưng bày bảo tàng, chữ viết khá chỉnh chu… nên Chi bộ và Ban Công tác mặt trận khá yên tâm khi trao cho ông Tích trọng trách này.
Đã nhận là làm, ông hết mình với công việc. Để bảng tin có đủ báo cho các đối tượng, thay vì có duy nhất một tờ Báo Nhân dân như bấy lâu nay, ông Tích đã cất công quan hệ với bạn bè đương chức và những người có chế độ cấp báo, xin báo phục vụ bảng tin. Những dịp có Hội Báo Xuân, ông thường tới tham dự khai mạc, vừa xem nhưng mục tiêu chính là để xin báo biếu. Xin thật nhiều để dành cho bảng tin, bảng báo. Điển hình như Tết Ất Mùi 2015, ông đến Hội Báo Xuân ở Giảng Võ xin được rất nhiều báo, phải chở bằng xe máy, tính ra, nếu mua phải mất tiền triệu.
Không những vậy, xin được báo rồi, ông còn phải đọc lướt qua để chọn bài phù hợp công tác tuyên truyền đối với từng thời điểm và phù hợp với các đối tượng công chúng để dán lên bảng tin. Hiện nay, bảng tin của khu phố 12 luôn sinh động bởi các loại báo khác nhau: Báo Quân đội nhân dân, báo HàNộimới, báo Kinh tế đô thị, báo Sức khỏe và đời sống, báo Thể thao…
Bên cạnh bảng báo, bảng ảnh còn được ông trang trí rất tỉ mỉ. Ông dùng máy ảnh gia đình chụp các buổi sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt hè hoặc Tết Trung thu của các cháu, sau đó đem in thành ảnh, ép plastic để trưng bày. Ông vui vẻ khoe: “Bây giờ công nghệ hiện đại, chỉ cần tập hợp các ảnh đẹp vào usb, sau đó in thành tấm bìa khổ lớn treo lên, vừa rẻ lại vừa đẹp. Vui nhất đó là bảng tin thường xuyên có người đến đọc và xem.”
Không những vậy, ông Nguyễn Văn Tích còn là chủ nhân của nhiều bài viết hay trong Cuộc thi phát hiện, viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt quận Đống Đa nhiều năm qua. Năm 2017, ông vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.
Ông Nguyễn Văn Tích chính là tấm gương sáng về người lính cụ Hồ gương mẫu, một đời kiên trung với Đảng, tận tụy với nhân dân.
Hưng Vũ