TĐKT – Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi gặp các rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp, thai sản, mất việc làm hoặc khi già yếu không còn khả năng lao động.
Tuy nhiên, trong thời gian qua tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động ở một số doanh nghiệp đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục nghìn người lao động trên địa bàn TP Hà Nội.
Mới đây, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội vừa công khai danh sách 99 doanh nghiệp còn nợ đọng bảo hiểm xã hội từ 2 tháng trở lên và có đề nghị Ban quản lý các khu công nghiệp và UBND TP Hà Nội sẽ không tổ chức bất kỳ hình thức khen thưởng nào cho những doanh nghiệp này.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến
Bày tỏ ý kiến về việc này, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội , Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết: Nhằm hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng BHXH trong khối doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian qua lãnh đạo TP Hà Nội, các sở, ngành, tổ chức Công đoàn đã đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để giải quyết.
Một trong các giải pháp đó có việc cơ quan BHXH đề nghị thành phố không xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đối với những doanh nghiệp để nợ đọng BHXH. Đây là biện pháp cần thiết, qua đó sẽ tạo áp lực để người sử dụng lao động phải thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động, đồng thời cũng đảm bảo đúng theo các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.
Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH thì người lao động của đơn vị đó sẽ không được giải quyết các chế độ: Hưu trí, ốm đau, thai sản, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, việc chốt sổ chuyển đến nơi làm việc mới cũng không thực hiện được… Từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người lao động; nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện đã xảy ra, gây mất ổn định trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với BHXH thành phố và các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Cụ thể, Công đoàn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về chính sách BHXH. Đặc biệt LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”; Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 -2020” trên địa bàn Thủ đô.
LĐLĐ thành phố cũng đã phối hợp với Thanh tra thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH, Cục Thuế, Công an thành phố ký kết chương trình phối hợp trong công tác BHXH.
Đặc biệt, trong quy chế phối hợp công tác giữa LĐLĐ thành phố và BHXH thành phố giai đoạn 2016 - 2020, hai bên cũng đã thống nhất quy định LĐLĐ Thành phố sẽ không xét khen thưởng cho các doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH của người lao động, trên cơ sở danh sách cung cấp từ cơ quan BHXH. Tiêu chí đảm bảo BHXH cho người lao động được quy định trong quá trình xét chọn doanh nghiệp đạt các giải thưởng của hệ thống công đoàn. Việc này đã được LĐLĐ thành phố áp dụng thực hiện từ năm 2016 và đã cho thấy hiệu quả và tác dụng rất lớn.
Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội luôn quan tâm đến bảo vệ quyền lợi của người lao động
LĐLĐ Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị thanh tra kiểm tra pháp luật BHXH và Luật Công đoàn, riêng năm 2018 qua công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra 170 doanh nghiệp đã thu được trên 85,6 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH. Phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý hình sự đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, đưa tên công khai những doanh nghiệp nợ đọng trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Thực hiện chức năng khởi kiện của tổ chức Công đoàn theo Điều 14 Luật BHXH, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện, thị xã tiếp nhận 554 bộ hồ sơ đề nghị khởi kiện từ cơ quan BHXH, đã gửi 63 hồ sơ khởi kiện ra Tòa án. Qua hoạt động khởi kiện của tổ chức Công đoàn đã thu được số tiền 110,7 tỷ đồng.
Từ những nỗ lực đó của các cấp, các ngành và tổ chức Công đoàn số nợ đọng BHXH năm 2018 đã giảm rõ rệt, từ nợ trên 3.764 tỷ (tháng 5/2017) bằng 11,2% số phải thu, hiện số nợ đọng BHXH toàn thành phố tính đến 31/5/2018 chỉ còn 2.363 tỷ (bằng 5,6% mức phải thu). Tuy nhiên số nợ này vẫn còn khá lớn đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, trong đó tổ chức Công đoàn các cấp giữ vai trò quan trọng.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ: Sẽ cương quyết đề nghị thành phố không xét khen thưởng cho những đơn vị nợ đọng BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Thục Anh