TĐKT - Xuất phát từ lòng tôn kính, cảm phục tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, ông Trần Văn Cao, xóm Đường, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đã dành nhiều tâm sức để sưu tầm hơn 300 bức ảnh về Bác Hồ; sáng tác hàng nghìn câu thơ lục bát, khắc họa chân dung sáng ngời, vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi và xúc động về Người. Đặc biệt, với mong muốn lưu truyền mãi hình ảnh của Bác trong nhiều thế hệ, hàng ngày ông còn nỗ lực lan tỏa những câu chuyện giản dị và đầy ý nghĩa về Bác trong các tầng lớp nhân dân.
Từ vinh dự được tặng ảnh Bác Hồ...
Chỉ cho chúng tôi 21 bức ảnh Bác Hồ và những tấm huân chương, bằng khen được đóng khung, treo trang trọng trong căn phòng khách, ông Trần Văn Cao không giấu nổi niềm tự hào. Đây là niềm vinh dự nhất trong cuộc đời, là phần thưởng mà Đảng và Nhà nước đã ghi nhận vì những đóng góp của ông và gia đình đối với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Ông Trần Văn Cao đang thuyết minh về những bức ảnh trong phòng lưu niệm đặc biệt về Bác Hồ với khách đến chơi
Ông Cao cho biết, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từ năm 1972 – 1975, cả 6 anh chị em trong gia đình ông đều xung phong ra trận. Người thì xung phong làm y tá phục vụ hỏa tuyến cầu Hàm Rồng, người thì làm thợ cơ khí ở bến xe lửa Gia Lâm phục vụ nơi tiền tuyến; người thì trực chiến đồi Xuân Mai bắn rơi máy bay... Còn ông, vốn là cán bộ của Bộ Thủy Lợi, năm 1964, được cử đi làm nhiệm vụ giúp đỡ kỹ thuật cho nhân dân vùng giải phóng nước bạn Lào.
8 năm liên tục trên đất nước bạn, ông đã dốc hết lòng, hết sức, phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” đồng cam, cộng khổ, hỗ trợ nhân dân Lào về kỹ thuật tưới tiêu, con giống và phát triển kinh tế; vừa cùng với quân đội và nhân dân Lào phát triển căn cứ địa cách mạng, gây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, phát triển chiến tranh nhân dân, góp phần giúp Lào từng bước đảm nhiệm sứ mệnh trong cuộc cách mạng giải phóng đất nước.
Với những đóng góp quan trọng đó, gia đình ông đã vinh dự được tặng Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng. Bản thân ông được tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Lào, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Bằng khen của Bộ Thủy lợi và Bằng khen của UBND tỉnh Hà Sơn Bình.
...đến sưu tầm ảnh, làm thơ và kể chuyện về Bác Hồ
Ông Cao cho biết: Ngày đó, phần thưởng kèm theo những tấm huân, huy chương và bằng khen không phải là tiền của hay gấm vóc, lụa là mà chính là những tấm ảnh Bác Hồ. Nhưng với gia đình tôi, đó là tài sản vô giá, luôn được nâng niu và gìn giữ qua nhiều thế hệ, được đóng khung và treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
Cũng từ đó, ông luôn nghĩ về Bác, dành tình thương yêu và lòng tôn kính đặc biệt đối với Người. Thói quen tìm hiểu, lắng nghe và sưu tầm tư liệu về Bác Hồ ngấm dần vào ông từ lúc nào không hay. Hễ trên đài, ti vi có bài nói về Bác, ông chăm chú nghe không sót một từ. Thấy một tờ báo nào đăng ảnh Bác, ông quyết tìm đọc và xin cắt ảnh về treo.
Ông Trần Văn Cao (ngoài cùng bên phải) đang kể chuyện về Bác Hồ cùng với những người cao tuổi trong xã
Năm 1988, nghỉ công tác, trở về quê hương Chương Mỹ, ông cùng với gia đình, vợ con xây dựng, phát triển kinh tế. Dù cuộc sống mưu sinh những năm đất nước đổi mới không dễ dàng, lao động, sản xuất nơi ruộng đồng càng vất vả hơn, nhưng trong mỗi suy nghĩ và hành động của mình, ông đều cố gắng học và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách Bác Hồ: Động viên các thành viên trong gia đình chăm chỉ lao động, tự khắc phục hoàn cảnh, sống giản dị và chan hòa với bà con làng xã. Với vốn kỹ thuật thủy lợi từng được đào tạo bài bản, ông sẵn sàng hỗ trợ bà con sản xuất, canh tác…góp phần xây dựng quê hương.
Đặc biệt, trong hơn 30 năm lam lũ, chân lấm tay bùn, ông Cao đã tự sáng tác rất nhiều câu thơ lục bát về Người. Dù lúc đang làm việc ngoài đồng hay ở nhà; lúc nghỉ ngơi hay đi chơi, làm được đoạn thơ nào ông đọc đi, đọc lại cho thuộc lòng rồi tối về chép vào sổ. Cứ thế, đến nay ông đã cho ra đời bản sử ca dài tới 1.456 câu thơ lục bát về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác Hồ, kể từ khi rời bến cảng nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5/6/1911) đến những năm tháng cuối đời của Người.
Không những vậy, với số lượng ảnh Bác Hồ mà ông sưu tầm được ngày càng lớn, mới đây, “lão nông” Trần Văn Cao quyết định xây dựng phòng trưng bày lưu niệm đặc biệt về Bác Hồ, đặt ngay trên tầng 3 của ngôi nhà ông đang ở. Tất cả hơn 300 bức ảnh Bác Hồ đều được lồng khung cẩn thận, sắp xếp theo chặng đường thời gian và gắn với các mốc sự kiện lịch sử dân tộc.
Từ khi khánh thành phòng lưu niệm đến nay, gia đình ông Cao đã trở thành địa chỉ quen thuộc, nơi thường xuyên lui đến của nhiều cụ ông, cụ bà cao tuổi cũng như các cháu học sinh trong và ngoài xã Đại Yên.
Bà Dương Thị Đảm, 87 tuổi bộc bạch: “Dù đã lớn tuổi nhưng nếu không được nghe những câu chuyện mà ông Cao kể về Bác Hồ, có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay tôi vẫn nghĩ Bác là một vĩ nhân, xa vời mà một người dân thường như tôi không bao giờ hiểu được. Nhưng qua mỗi câu chuyện ông Cao kể về Bác, tôi thấy được sự giản dị mà vĩ đại của Người. Đó là tấm gương thực sự để tôi noi theo và răn dạy con cháu mình”.
Ông Nguyễn Văn Chử, Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Đại Yên bày tỏ sự khâm phục: Dù bước sang tuổi 85, chân đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng hàng ngày, ông Cao có thể ngồi hàng giờ đồng hồ say sưa kể lại cho mọi người nghe những mẩu chuyện hoặc ngâm hàng trăm câu thơ lục bát về Bác Hồ một cách tường tận. Những con số, địa danh lịch sử, ông đều ghi nhớ chính xác trong đầu. Ông còn tham gia sinh hoạt và kể rất nhiều câu chuyện về Bác Hồ ở nhiều câu lạc bộ dành cho người cao tuổi khác ngoài xã.
Tâm sự với chúng tôi, lão nông Trần Văn Cao bộc bạch: Còn sống ngày nào, tôi còn sưu tầm và kể về Bác. Tôi sẵn sàng đạp xe đến bất cứ nơi đâu để được sẻ chia những câu chuyện giản dị mà cảm động về Bác; qua đó để ngày càng lan tỏa tình yêu, sự kính trọng Bác đến với nhiều người; mong mỗi người sẽ học tập được ở Bác một đức tính, một việc làm nhỏ nào đó, cùng góp sức xây dựng đất nước, quê hương ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.
Mai Thảo