TĐKT - Ba mươi năm triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”, đã có gần 29 nghìn gương người tốt, việc tốt tiêu biểu được TP Hà Nội biểu dương, khen thưởng; trên 350 nghìn gương người tốt, việc tốt được các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng, trong đó hầu hết là công nhân, nông dân, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người lao động trực tiếp.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “30 năm phong trào “người tốt, việc tốt” Thủ đô do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức sáng 9/6/2022.
Dự Hội thảo có Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phan Văn Hùng; Phó Vụ trưởng Vụ III Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Đỗ Thị Thanh Hà.
Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố Lê Hồng Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố Nguyễn Lan Hương; Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố Vũ Thu Hà.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố Lê Hồng Sơn nêu rõ: Hội thảo là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2022). Đồng thời là dịp để đánh giá những kết quả, thành tựu đạt được qua 30 năm tổ chức phong trào và đúc rút những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức phong trào thi đua trên địa bàn thành phố, qua đó đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả phong trào “Người tốt, việc tốt” trong thời gian tới.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 30 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, nhà báo, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, các cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tiêu biểu.
Ôn lại truyền thống triển khai phong trào “Người tốt, việc tốt” của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, 30 mươi năm qua, thành phố đã 5 lần ban hành, bổ sung quy chế xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, 2 lần ban hành, bổ sung quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, 2 lần ban hành, bổ sung quy chế về phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng và thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, xuất bản sách “Những bông hoa đẹp” thường xuyên hằng năm.
Trải qua 30 năm, phong trào “Người tốt, việc tốt” ngày càng phát triển về chất và lượng, lan tỏa sâu rộng trong tất cả các ngành, các cấp mọi lúc mọi nơi, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần nhân ái, nghĩa cử cao đẹp, góp phần gìn giữ và vun đắp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Ba mươi năm triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”, đã có gần 29.000 gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu được thành phố biểu dương, khen thưởng; trên 350.000 gương “Người tốt, việc tốt” được các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng, trong đó hầu hết là công nhân, nông dân, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người lao động trực tiếp. Từ năm 2010 đến nay, thành phố cũng đã biểu dương, tôn vinh 119 gương “Công dân Thủ đô ưu tú”.
“Hằng năm, thành phố đều tổ chức trọng thể Hội nghị biểu dương, tôn vinh những “Người tốt, việc tốt” và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10). Công tác tổ chức phong trào thi đua này đã được nhiều tỉnh, thành phố, địa phương, đơn vị nghiên cứu, học tập, áp dụng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết.
Tại Hội thảo, 11 đại biểu đã tham luận về nhiều nội dung, trong đó tập trung làm rõ vai trò, ý nghĩa của phong trào “Người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển Thủ đô hiện nay; những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức triển khai phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua trong thời gian tới.
Theo đồng chí Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, sức sống trong phong trào “Người tốt, việc tốt” bồi đắp phẩm giá người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Dù trong hoàn cảnh nào, trong gian khó của chiến tranh, hay gần đây nhất là thử thách nghiệt ngã của đại dịch Covid-19, cốt cách của người Hà Nội vẫn luôn tỏa sáng.
Theo TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Thăng Long, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, những tấm gương “Người tốt, việc tốt” đó và rất nhiều gương sáng ở khắp các cơ sở, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân là biểu hiện sinh động tình yêu Hà Nội.
Chia sẻ thực tế triển khai phong trào “Người tốt, việc tốt” tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, từ sự cố gắng và nỗ lực của mỗi cá nhân và sự đoàn kết, đồng lòng của cả tập thể đã góp phần tích cực vào thành tích chung của quận Hoàn Kiếm.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất một số nội dung cần triển khai trong thời gian tới để nâng cao chất lượng phong trào “Người tốt, việc tốt”.
Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phan Văn Hùng cho rằng, phong trào “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô đã trở thành “nếp văn hóa” hằng ngày của người dân Thủ đô, bản sắc riêng của mảnh đất nghìn năm văn hiến, đã tạo động lực và niềm tin trong nhân dân với hàng trăm, hàng nghìn những bông hoa người tốt, việc tốt.
Đồng chí đề nghị thời gian tới, thành phố Hà Hội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức, gắn phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước do trung ương, thành phố phát động. Cùng với việc phát huy vai trò người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông trong chủ động phát hiện những tấm gương “người tốt, việc tốt”, nhất là các nhân tố mới, cần đổi mới phương pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh nêu gương “Người tốt, việc tốt”.
Đồng chí cũng lưu ý cần làm cho phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của thành phố Hà Nội được phát triển, nhân rộng trở thành phong trào chung của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để ngày càng lan tỏa nhiều hơn cái tốt, cái đẹp, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Mai Thảo