TĐKT - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), ngày 18/7, huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức gặp mặt biểu dương người có công tiêu biểu, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.
Nhân dịp này, huyện Thường Tín đã biểu dương, khen thưởng cho 45 tập thể, 108 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn từ năm 2017 - 2022 và người có công với cách mạng tiêu biểu, có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất.
Phát huy truyền thống cách mạng, trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thường Tín luôn giương cao ngọn cờ cách mạng, giữ vững truyền thống đoàn kết, yêu thương, chịu đựng gian khổ hy sinh, bám đất, giữ làng, chiến đấu kiên cường đóng góp sức người, sức của, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".
Những người có công tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị
Sau chiến tranh, toàn huyện có 3.000 liệt sĩ, gần 2.000 thương binh và bệnh binh; 227 chiến sĩ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; 2.239 thanh niên xung phong; 252 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 10.788 người được tặng thưởng huân, huy chương các loại vì đã có thành tích trong 2 cuộc kháng chiến; 680 người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và gần 200 trường hợp là con đẻ của người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện uỷ Thường Tín Nguyễn Tiến Minh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, cảm ơn những tình cảm, tấm lòng ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, của các tầng lớp nhân dân trong huyện bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa mang tính nhân văn, đạo lý sâu sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công đã phần nào xoa dịu những nỗi đau do hậu quả chiến tranh để lại.
Theo Bí thư Huyện uỷ Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, trong thời gian tới khi thực hiện công tác chính sách người có công, đền ơn đáp nghĩa, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi khác về kinh tế - xã hội đối với người có công.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và con em của họ, giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc người có công với nước, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước, Nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu", làm cho mỗi gia đình người có công "yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội", như Bác Hồ đã từng căn dặn.
Các cấp ủy Đảng và chính quyền từ huyện đến cơ sở phải thường xuyên quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao truyền thống yêu nước và đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ…
Mai Thảo