Huyện Thạch Thất (Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020
20/04/2021 - 15:40

TĐKT – Sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự chủ động, sáng tạo và đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã cán đích nông thôn mới.

Huyện Thạch Thất nằm phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tiến bộ, trong đó: Công nghiệp - xây dựng chiếm 70,2%; dịch vụ, du lịch chiếm 23,2%; nông, lâm, thủy sản còn 6,6%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn giữ ổn định, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14,92%/năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 890,3 tỷ đồng (tăng 788,5 tỷ đồng so với năm 2010). Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh với 1.605 doanh nghiệp, hợp tác xã và 20.885 hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao Bằng công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

Đặc biệt, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Thạch Thất đã triển khai thực hiện một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2010 - 2020, huyện đã bố trí hơn 4.994 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí NTM một cách hiệu quả, công khai, minh bạch. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và diện mạo các xã có nhiều thay đổi.

Tất cả 19/19 tiêu chí của 21/22 xã đạt tiêu chí xây dựng NTM (riêng xã Thạch Hòa nằm trọn trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc nên không phải tiến hành xây dựng NTM) và 9/9 tiêu chí của huyện đều đạt theo quy định của trung ương. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,6%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm chỉ còn 0,27%. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đến hết năm 2020 đạt 70 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2010 (cao hơn kết quả chung của thành phố, năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của thành phố Hà Nội đạt 55 triệu đồng/người/năm). Hiện nay, huyện có xã Đại Đồng đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Mô hình phát triển nông nghiệp huyện Thạch Thất

Sản xuất nông nghiệp được huyện Thạch Thất đặc biệt coi trọng theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã hình thành 690 ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; 285 ha vùng sản xuất rau an toàn; 300 ha vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao; 50 ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh; trong đó, có 2 mô hình sản xuất rau hữu cơ; 6 mô hình sản xuất rau, củ, quả, thịt an toàn; 5 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 6 mô hình sản xuất theo chuỗi, các mô hình liên kết cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm và tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cùng với đó, huyện cũng đã thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (đến năm 2020, toàn huyện có 122 sản phẩm được hội đồng thẩm định thành phố đánh giá xếp hạng, trong đó, 18 sản phẩm đạt 3 sao và 104 sản phẩm đạt 4 sao). Hệ thống hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố, ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Với những thành tích đã đạt được, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg công nhận huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Phát huy những thành quả đạt được trong xây dựng NTM suốt hơn 10 năm qua, huyện Thạch Thất tiếp tục nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với phát triển Khu đô thị Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng văn hóa các dân tộc, khu Đại học Quốc gia trong tổng thể phát triển huyện (gắn định hướng phát triển dân cư); chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Phát triển nghề, các làng nghề có thế mạnh của địa phương. Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ…

Mai Thảo