Huyện Ba Vì: Phấn đấu trở thành vùng kinh tế phát triển về văn hóa – du lịch của Thủ đô
10/01/2023 - 15:45

TĐKT - Năm 2022, bên cạnh sự quan tâm của UBND thành phố Hà Nội, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì đã cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Ghi dấu 10 sự kiện quan trọng và nổi bật góp phần nâng cao, từng bước hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Quyết tâm xây dựng Ba Vì thành vùng kinh tế quan trọng của Thủ đô

Ngay từ đầu năm 2022, huyện Ba Vì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, thành phố về công tác tổ chức xây dựng Đảng; xây dựng và triển khai quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức... nhằm nâng cao chất lượng, chính sách và công tác bảo vệ chính trị nội bộ trên địa bàn huyện.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử được chỉ đạo quyết liệt. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp huyện được thành phố xếp thứ 17, tăng 9 bậc so với năm trước. Qua đó, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông tại huyện đã giải quyết: 5,159 hồ sơ; quá hạn: 0 hồ sơ.

Trụ sở HĐND - UBND huyện Ba Vì

Năm 2022, cơ sở hạ tầng nông thông được đầu tư theo hướng đô thị hóa. Toàn huyện có tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 3.006,932 tỷ đồng, số vốn giải ngân đạt 96% kế hoạch, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các dự án đảm bảo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm được chú trọng triển khai. Toàn huyện đã đầu tư 39 công trình xây dựng nâng cấp trường học với nguồn vốn đầu tư 1.139 tỷ đồng; tổng số sản phẩm được chứng nhận OCOP lên 138 sản phẩm. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm- OCOP" chính là cơ hội để các chủ thể phát triển các giá trị sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đoàn thẩm định NTM TP Hà Nội đã đến thăm, kiểm tra thực tế tại một số mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện Ba Vì

Nông thôn mới của huyện về đích đúng hẹn, đến nay đã có 30/30 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại huyện Ba Vì đã tạo ra bộ mặt nông thôn khang trang, khởi sắc, an sinh xã hội được thực hiện, văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và Thủ đô nói chung, huyện Ba Vì nói riêng vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện vẫn đạt vượt kế hoạch với tổng nguồn thu đạt 539,269 tỷ đồng. Mặt khác, Huyện đã tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế du lịch phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch, doanh thu vượt 35% kế hoạch đề ra.

Trong năm, huyện Ba Vì đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Vì đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện kịp thời giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, với tổng diện tích bàn giao mặt bằng là 34,5ha. Đến hết tháng 11/2022, đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 14 điểm đấu giá, trên tổngdiện tích 12.469,7m2, hiện nay tiếp tục đang triển khai đấu giá thêm một số điểm, dự kiến tổng số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 đạt trên 250 tỷ đồng.

Với thế mạnh và tiềm năng nổi trội, nhất là du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, lịch sử, năm 2022 huyện đặc biệt chú ý khai thác tiềm năng du lịch - dịch vụ nhằm sớm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Cụ thể, huyện đã tổ chức thành công khai trương du lịch Ba Vì, chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Du lịch Ba Vì vươn lên phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ước đón khoảng 2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 310,7 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để có được những thành công trong thời gian qua, nhân dân và chính quyền huyện Ba Vì đã được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều của thành phố. Đồng thời, với sự tập trung quyết liệt trong công tác chỉ đạo của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã giúp đời sống người dân được nâng lên về mọi mặt. Đảng bộ và chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện quyết tâm xây dựng huyện Ba Vì thành vùng kinh tế quan trọng của Thủ đô”.

Công tác an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực

Trong năm, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, công tác đền ơn đáp nghĩa được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 110 nhà ở cho người có công với cách mạng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và thực hiện xã hội hóa tổng số tiền 3,74 tỷ đồng; tặng quà, sổ tiết kiệm giá trị nhiều tỷ đồng cho các đối tượng đối tượng người có công, thân nhân liệt sĩ.

Đồng thời, huyện đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo theo chỉ đạo của thành phố; theo đó giảm được 181 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 0,55%, vượt kế hoạch đề ra. Có thể nói, chương trình giảm nghèo đã tạo sức lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân tạo động lực để phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp an toàn” thêm luồng sinh khí mới. Từ đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đông đảo nhân dân, làm thay đổi diện mạo đời sống văn hóa, tạo môi trường sống văn minh, lành mạnh. Toàn huyện đã huy động các nguồn lực xã hội hóa trên 64,4 tỷ đồng, bao tiền mặt và vật chất giá trị khác.

Mặt khác, với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ngành Giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển vững chắc, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 76,36%. Cơ sở vật chất trường học đã và đang được đầu tư theo hướng chuẩn hóa quốc gia, hiện tại toàn huyện có 70 trường học/110 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu hết năm 2022 sẽ có thêm 18 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học; xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường.

Công tác quốc phòng an ninh được duy trì sẵn sàng trực chiến đấu theo quy định. Hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân năm 2022; quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chiến lược về quân sự, quốc phòng; củng cố nền quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Với những thành công vượt trội năm 2022, tin chắc rằng những năm tới huyện Ba Vì sẽ vươn lên thành những huyện đầu ngành của Thủ đô về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống nhân dân trong huyện ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Song Linh