TĐKT - 22 năm là người ươm mầm cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Phạm Thị Huyền, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân đã nâng đỡ, chở che và dạy dỗ hơn 160 học trò thành đạt và trở thành người có ích cho xã hội. Với cô, món quà lớn nhất trong cuộc đời chính là được chứng kiến sự trưởng thành của các con, các em do mình cưu mang, giúp đỡ.
Lòng nhân ái của một nhà giáo nghèo
Tìm đến lớp học của cô giáo Huyền tại một căn phòng nhỏ nhà G5 phường Thanh Xuân Nam, chúng tôi lặng đi khi trong lớp học đang vang lên một giọng nói hiền từ, chậm rãi của một người phụ nữ lớn tuổi: “Muốn tìm diện tích hình thang, đáy dài, đáy ngắn ta mang cộng vào, thế rồi nhân với chiều cao, chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra...”
Từ khe cửa sổ nhìn vào bên trong, một lớp học ngay giữa Thủ đô nhưng lại có thật nhiều học sinh với đa dạng lứa tuổi và hoàn cảnh cùng ngồi chung. Suốt buổi học, cô giáo Phạm Thị Huyền say sưa giảng bài, lúc quay sang dãy các em còn tập đọc, tập viết để cầm tay, nắn nót từng nét chữ, lúc lại đến phía những em có phần chậm tiếp thu hơn để hỏi về những bài cũ vừa học.
Lớp học ấy vẻn vẹn chỉ có 13 học trò với độ tuổi từ 6 đến 49 nhưng lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười từ sự quan tâm và dìu dắt của cô.
Cô giáo Phạm Thị Huyền – Người mẹ hiền của lớp học tình thương do mình sáng lập
Sau khi theo chồng về Hà Nội năm 1997, gia đình cô giáo Huyền chuyển đến sinh sống tại quận Thanh Xuân, khu vực gần đường vành đai 3. Đó là nơi có nhiều lao động nghèo sinh sống.
Ngày ngày, cô chứng kiến có nhiều trẻ em là con của người lao động nghèo từ quê lên thành phố kiếm sống, không có điều kiện học tập mà chỉ lang thang khắp nơi. Thương các em, cô bàn với chồng đổi bộ bàn ghế của gia đình để có được những chiếc bàn, chiếc ghế đầu tiên cho lớp học tình thương của mình.
Từ những em nhỏ ban đầu không được đến trường, chưa từng biết đến con số, dòng chữ, dưới sự chỉ dạy của cô, chỉ một thời gian ngắn sau đó, các em đã có thể đọc thông, viết thạo và được “lên lớp”.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mà những em mắc các bệnh lý như tự kỷ, down, chậm phát triển... hay cả những người lớn không biết chữ đều được cô nhận vào lớp học của mình.
Cô bảo: “Mỗi người đều có những số phận riêng, học sinh của tôi đều là những người kém may mắn trong xã hội. Bởi thế, khi họ tha thiết muốn được học, tôi không đành lòng từ chối bất kỳ ai”.
Cô giáo Phạm Thị Huyền cùng các em trong một buổi học thực hành các kỹ năng trong cuộc sống
Bởi vậy, không chỉ trên địa bàn quận Thanh Xuân, học sinh của cô đến từ khắp nơi như Thanh Hóa, Nam Định... Lớp học ngày ấy được đặt ngay tại nhà cô giáo trong suốt một thời gian dài đã giúp đỡ được nhiều phận người.
Biết đến nghĩa cử cao đẹp của cô, Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em quận Thanh Xuân đã mời cô về làm việc. Tại đây, cô vừa đảm nhiệm vai trò là giáo viên, vừa là tư vấn viên cho những trẻ em cơ nhỡ.
Thông qua sự kết nối của cơ quan, cô đã có cơ hội được đào tạo thêm các kỹ năng cần thiết dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ một tổ chức phi chính phủ như: Kỹ năng dạy lớp ghép, kỹ năng phòng tránh tai nạn mùa hè, kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi sự lạm dụng tình dục... Từ các chương trình đào tạo này, cô giáo Huyền đã được trang bị thêm các kiến thức cần thiết để dạy dỗ các em ngày một tốt hơn.
“Món quà lớn nhất là những học sinh ngoan...”
Khi đường vành đai 3 được xây dựng buộc gia đình cô phải chuyển đến khu vực khác, lớp học có phần chật chội hơn nhưng các em vẫn kiên trì theo học. Nhận thấy sự tâm huyết của cô giáo Huyền vẫn không vơi đi dù cho hoàn cảnh có khó khăn hơn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân đã tìm cho cô một căn phòng nhỏ của một tổ dân phố gần nơi cô sinh sống để tiện cho công việc dạy dỗ các em.
Từ đây, mỗi tuần cô đều đặn lên lớp 5 buổi sáng với các em học sinh đến từ khắp nơi. Hai dãy bàn được kê ngay ngắn với sự sắp xếp vô cùng hợp lý của cô đã trở thành nơi truyền dạy kiến thức cho biết bao số phận thiệt thòi.
Đặc biệt, không chỉ dạy về kiến thức, cô còn rất chú trọng hướng dẫn các em thực hành các kỹ năng mềm để bước vào đời một cách tự tin và thành công nhất. Theo đó, mỗi năm học, cô đều tự tay soạn các giáo án về kỹ năng giao tiếp, nấu cơm, giặt giũ... và cho các em thực hành ngay tại nhà cô giáo. Có em đã quen xưng hô mày – tao với những người lớn tuổi, được cô chỉ bảo đã biết lễ phép hơn; lại có cả những em đã 13, 14 tuổi nhưng chưa từng vào bếp nhặt rau cũng nhờ cô mà khả năng nấu nướng đã được cải thiện.
Ngoài ra, vào các ngày lễ tết, cô lại vận động sự ủng hộ của những nhà hảo tâm nhằm đem đến những chuyến tham quan bổ ích hay những món quà nhỏ, động viên học trò để các em biết đến những phong tục ý nghĩa của các sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng.
Cô và trò trong một chuyến tham quan thực tế các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội
Theo đó, vào ngày 20/11 hằng năm, cô đều tổ chức hướng dẫn học sinh cắm hoa nghệ thuật và đặc biệt, thay vì nhận những món quà chúc mừng của các em, tự tay cô sẽ đi chọn những món quà nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa để dành tặng các em. Cô bảo, học sinh của cô có số phận thiệt thòi nên những ngày này, các em hầu như không được biết đến. Thay vì đòi hỏi ở các em điều gì, cô sẽ chủ động tặng quà để các em hiểu và cố gắng hơn trong học tập.
Chị Nguyễn Thùy Dương, người từng được cô dìu dắt, giúp đỡ bày tỏ: “Tôi đến với lớp học của cô vào năm 2007 khi gia đình không có điều kiện cho đi học. Từ sự giúp đỡ của cô, tôi đã được quan tâm, chăm sóc, chỉ bảo tận tình như một người thân trong nhà. Giờ đây, khi đã có thể tự nuôi sống được bản thân từ những hành trang mà cô truyền dạy, tôi càng biết ơn những năm tháng được cô dạy bảo. Mong rằng, cô sẽ có thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ nhiều người từng có tuổi thơ cơ cực như tôi”.
Chúng tôi rời lớp học khi mặt trời đã lên cao, khắp phố phường nhộn nhịp tiếng ồn ã của một đô thị đang vươn mình phát triển, thế nhưng, nơi góc nhỏ của khu phố ấy ngày ngày có một cô giáo vẫn cần mẫn, lặng lẽ cống hiến cho đời tình yêu thương dành cho những số phận kém may mắn trong cuộc sống.
Hơn 2 thập kỷ dạy dỗ các em nên người, cô giáo Phạm Thị Huyền đã nhận được những tấm bằng khen, giấy khen giá trị của chính quyền địa phương. Năm 2019, cô được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Nhưng với người giáo viên ấy, món quà lớn nhất mà cô có được chính là những học sinh chăm ngoan và sống có ích cho xã hội.
Thục Anh