TĐKT - Nhắc đến ông Lê Hồng Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tình Thương, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, mọi người luôn dành cho ông một tình cảm trìu mến. HTX của ông là cơ sở chuyên sản xuất tăm tre, đũa tre và chổi chít, nơi gắn bó của những người khuyết tật trên địa bàn.
Hợp tác xã được biết đến là nơi khởi đầu cho những trẻ khiếm thính và người khuyết tật vươn lên hòa nhập với cộng đồng bằng chính nghị lực của bản thân mình.
Cơ sở sản xuất tăm tre dành cho người khuyết tật
Ông Mạnh vẫn nhớ như in, năm 2017 khi thấy những mảnh đời bất hạnh, ông nảy ra ý tưởng thành lập một hợp tác xã với mục đích tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho những người neo đơn, người nghèo và trẻ em khuyết tật tại địa phương và học sinh tại các trường dành cho trẻ khiếm thị. Với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ông cùng với các thành viên của HTX đầu tư tiền vốn mua máy móc để sản xuất tăm tre, chổi chít. Ông vận động và tiếp nhận các hộ nghèo, cận nghèo, người già cô đơn, người khuyết tật ở địa phương đến làm việc tại hợp tác xã. Công việc vừa phù hợp với sức khoẻ lại giúp họ có việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Tiếng lành đồn xã, nhiều người khuyết tật và yếu thế đã xin vào cơ sở của ông để làm việc với thu nhập ổn định từ 3.000.000 đ đến 5.000.000 đ/tháng. Với sự cần mẫn của người lao động, sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, giá cả phải chăng, tiêu thụ mạnh khắp các tỉnh thành phố. Đặc biệt, sản phẩm tăm giang của HTX đã được Viện Khoa học Phát triển nhân tài và trí tuệ Việt chứng nhận “Sản phẩm An toàn vì sức khỏe cộng đồng”.
Có những thời điểm nhiều cá nhân tổ chức đã lợi dụng danh nghĩa HTX Tình Thương để lừa người tiêu dùng mua tăm tre với giá đắt gấp hàng chục lần, làm giảm uy tín của hợp tác xã và cá nhân ông Mạnh. “Cây ngay không sợ chết đứng”, bằng những nỗ lực của bản thân và sự cần cù, chịu khó của người lao động, ông dần lấy lại được uy tín, doanh thu tăng đều qua các năm, đời sống của người khuyết tật, người nghèo khó được nâng lên.
Trong thời gian qua, diễn biến dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ và bảo quản sản phẩm làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và xã viên. Nhìn kho hàng tồn đọng, nghĩ đến người lao động, ông quyết tậm tự đi tìm mối tiêu thụ sản phẩm và nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm hướng đi mới, tiếp cận đối tượng khách hàng mới, mở rộng thị trường và đã giúp cho HTX Tình Thương vượt qua được giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống cho những người khuyết tật.
Tấm gương của ông Lê Hồng Mạnh - Giám đốc HTX Tình Thương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã thể hiện một con người vừa có tài, vừa có tâm, với tôn chỉ sống và làm việc rất nhân văn: “Luôn luôn đồng hành và chung tay với những hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, những người khuyết tật và đặc biệt là những trẻ em khiếm thị để họ thấy rằng bản thân họ được sống có ý nghĩa hơn, có động lực sống tốt hơn và có thể đủ sức vượt qua được những khó khăn, thiệt thòi mà bản thân đã gánh chịu”.
Khi có lợi nhuận, ông cùng các thành viên trong HTX Tình Thương tham gia những chương trình thiện nguyện, tương thân tương ái, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn và tàn tật. Với nghĩa cử đó, ông được tặng nhiều giấy khen của các tỉnh, thành, địa phương trên cả nước; được Hội Người mù Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù” vì đã có công giúp đỡ Hội người mù hoạt động hiệu quả trong nhiều năm; Trung ương Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong hoạt động cứu trợ trẻ em khuyết tật và thực hiện nhiệm vụ của Hội.
Hồng Thiết