TĐKT - Với vốn kiến thức và kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch đã tích lũy được trong suốt 16 năm lao động nơi xứ người, phát huy tinh thần của quê hương “Ba đảm đang”, bà Đặng Thị Cuối, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) đã khởi nghiệp thành công khi quyết định đầu tư xây dựng trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ với nhiều sản phẩm rau, củ chất lượng cao.
Hơn chục năm trước, vốn là một trong những hộ gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đan Phượng, để tìm đường thoát nghèo, hai vợ chồng bà Đặng Thị Cuối và ông Nguyễn Đăng Quý đã lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động.
Bà Đặng Thị Cuối chia sẻ tại Tọa đàm “Góp sức xây dựng Thủ đô”
Năm 2004, sang Đài Loan làm công nhân, bà Cuối được vào làm ở những trang trại rau sạch. Trong quá trình làm, bà nhận thấy ở nước ngoài họ làm nông nghiệp thực sự khác so với quê mình, đầu tư bài bản từ nhà màng, nhà kính, chọn giống rau đến sơ chế, làm sạch cho vào bao bì chở đến các siêu thị... Nếu ở Việt Nam, trồng rau thật đơn giản, thì ở nước ngoài, mỗi ngày bà Cuối phải làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ, chăm rau như chăm “con mọn”, phải kỹ lưỡng từ khâu làm đất đến gieo trồng, tưới nước…
“ Công việc dù cực nhọc, vất vả song tôi luôn thấy đam mê và bị cuốn hút. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để mình học nghề, sau này về quê hương đổi đời. Nên tôi đã nói với chồng về ý định của mình, rồi thuyết phục anh ấy cùng sang Đài Loan làm và học việc” – Bà Cuối chia sẻ. Dù miệng nói với tôi là “Từ thượng cổ tới giờ tôi không thấy ai trồng rau mà giàu cả” nhưng ông xã tôi vẫn theo sang Đài Loan để tiếp tục học hỏi.
Năm 2017, sau 16 năm làm việc nơi xứ người, vợ chồng bà không chỉ có chút vốn liếng tích lũy mà quan trọng hơn họ đã “tốt nghiệp” khóa tự học nghề trồng rau sạch.
Với số vốn ban đầu khoảng 500 triệu đồng, vợ chồng bà đầu tư xây dựng một khu nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.360 m2 của gia đình. “Nhiều người trong xã thấy thế, họ khuyên không nên mạo hiểm bởi nếu thất bại thì toàn bộ tài sản tích cóp được của hai vợ chồng sau 16 năm sẽ trở về số không. Chúng tôi cũng trăn trở lắm, nhưng với kinh nghiệm học được, chúng tôi rất tự tin và khao khát được đưa mô hình mới này về quê hương” – bà Cuối chia sẻ.
Mô hình trồng rau của vợ chồng bà Cuối được nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm
Để sản xuất rau sạch, bảo đảm chất lượng, toàn bộ giống rau của gia đình bà được nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, còn đất thì được bón phân hoai mục. Rau lên xanh tốt, lứa đầu tiên được thu hoạch sau hơn 4 tháng, bà Cuối mừng rơi nước mắt.
Tuy rau ngon là thế, nhưng khi mang ra chợ bán, không ai dám mua vì thấy rau quá đẹp, sợ bị phun thuốc kích thích.
Không chịu nhìn thành quả của mình đổ sông, đổ bể, vợ chồng bà Cuối đã mang tặng cho tất cả mọi người. Nhiều người ăn thử thấy chất lượng, tìm đến tận vườn để mua. Đồng thời, họ cũng được dịp chứng kiến “công trình” rau sạch mà vợ chồng bà đầu tư, nên tin vào chất lượng của sản phẩm. Những lứa rau sau của vợ chồng bà Cuối trồng không đủ bán.
Lãnh đạo huyện Đan Phượng “tiếp sức”, cho vay thêm kinh phí; các cán bộ Phòng Kinh tế huyện giúp đỡ tận tình nên vườn rau của gia đình bà càng ngày càng phát triển mạnh. Năm 2018, bà Cuối thuê 5 ha đất của các hộ dân trên địa bàn xã Đan Phượng để mở rộng diện tích canh tác và thành lập Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Với tư duy “đầu tư một lần nhưng bền vững cho nhiều năm sau”, bà Cuối xây dựng hơn 20 khu nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới nước tự động với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Hiện tại, hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định. Mỗi ngày Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cung cấp cho 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm khoảng 2 - 4 tấn rau xanh các loại, thu về từ 50 đến 100 triệu đồng.
Không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, bà Cuối cùng chồng còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động, với mức thu nhập 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, bà Cuối còn chuyển giao kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm trồng rau sạch cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn. Hiện tại, Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đã chuyển giao mô hình cho một số hợp tác xã ở các huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Phúc Thọ và Trường Trung học phổ thông Tân Lập (huyện Đan Phượng) để nhà trường hướng nghiệp cho học sinh.
Nhiều người từ khắp mọi miền đất nước về học hỏi. Ai cũng được bà tư vấn tận tình, giúp đỡ, chia sẻ để tất cả cùng tiến bộ.
Bà Cuối tâm sự: Tôi rất thích người nông dân ở nước ngoài, họ có tư duy đoàn kết rất cao nên luôn phát huy được sức mạnh tập thể. Từ thực tế đã được chứng kiến, tôi sẵn sàng chia sẻ với những hộ nông dân có nhu cầu, dù kinh nghiệm của chúng tôi không có gì quá to tát.
Chia sẻ về dự định của mình trong thời gian tới, bà Cuối mong rằng sẽ có thêm nguồn vốn vay để trồng thêm các loại hạt giống chất lượng, có giá trị cao để cung cấp cho nông dân có nhu cầu phát triển mô hình nông nghiệp sạch, chất lượng. Nếu được hỗ trợ nguồn vốn vay, bà sẽ hỗ trợ bà con hạt giống và thu mua luôn những sản phẩm có được của họ, giúp bảo đảm đầu ra.
Mong rằng, từ mô hình rau sạch của vợ chồng “người gái đảm” Đặng Thị Cuối ở Đan Phượng, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn nữa những mô hình tương tự, sẽ “phủ sóng” rau sạch đến mọi nhà, để ai ai cũng được sử dụng nguồn thực phẩm sạch.
Mai Thảo