BTĐKT – Năm 2024, công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội ghi dấu ấn với nhiều đổi mới thiết thực, đặc biệt trong việc cụ thể hóa hai luật quan trọng: Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Thủ đô. Để hiểu rõ hơn về những kết quả nổi bật của công tác thi đua, khen thưởng thành phố trong năm qua cũng như định hướng trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có buổi trao đổi với Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng.
Dấu ấn đổi mới thiết thực
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của công tác thi đua, khen thưởng TP Hà Nội trong năm 2024?
Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2024 là thời điểm thành phố tập trung quyết liệt vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 5 năm, tăng tốc để đạt các chỉ tiêu quan trọng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Đây cũng là năm kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và thành phố đẩy mạnh xây dựng các nghị quyết nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô.
Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng
Điểm nhấn quan trọng của Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố trong năm qua là tham mưu xây dựng và triển khai hai luật quan trọng: Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Thủ đô. Cụ thể, Ban đã tham mưu để thành phố ban hành 2 nghị quyết của HĐND và 9 văn bản của UBND, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan. Trong đó, đáng chú ý là hai văn bản quan trọng quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố và quy định đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ làm căn cứ xét khen thưởng. Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc ban hành sớm, một cách bài bản, hệ thống và sáng tạo các văn bản này, đảm bảo phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Nhờ đó, công tác bình xét kết quả thi đua, khen thưởng năm 2024 được các đơn vị đánh giá cao, giúp lựa chọn những tập thể và cá nhân thực sự tiêu biểu.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, thông qua các phong trào thi đua lớn, thành phố đã xác định rõ các mục tiêu thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng phát động phong trào một cách chung chung. Kế hoạch thi đua được phân công cụ thể, giao nhiệm vụ chủ trì từng lĩnh vực cho các ngành liên quan, thay vì để Ban Thi đua - Khen thưởng chịu trách nhiệm toàn bộ. Ban chỉ đóng vai trò đôn đốc, tổng hợp kết quả, giúp các phong trào đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó, tỷ lệ người lao động trực tiếp được xét chọn khen thưởng trong các phong trào thi đua chuyên đề tăng lên đáng kể, góp phần động viên kịp thời những cá nhân, tập thể có đóng góp thực sự trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Quyết liệt đổi mới trong kỷ nguyên vươn mình
Phóng viên: Công tác thi đua, khen thưởng năm 2025 của thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào những nội dung trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2025, thành phố sẽ triển khai quyết liệt bốn phong trào thi đua trọng điểm:
Thứ nhất, thi đua tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng với nội dung, lộ trình thực hiện và tiêu chí rõ ràng. Đại hội Đảng không chỉ là công tác bầu nhân sự mà còn là đợt sinh hoạt chính trị lớn, diễn ra 5 năm một lần, tập trung vào ba trụ cột chính: Nâng cao nhận thức chính trị; tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện đại hội; có trách nhiệm trong việc lựa chọn nhân sự. Đến nay, thành phố đã triển khai phong trào này rất nghiêm túc. Qua đánh giá, chất lượng đại hội của nhiều chi bộ năm nay rất tốt, bài bản, trách nhiệm, đoàn kết và phát huy được trí tuệ tập thể.
Thứ hai, phong trào thi đua xây dựng thủ đô "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp". Mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố đáng sống. Thành phố thực hiện song hành hai nhiệm vụ: Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngay từ khi triển khai dự án phải đảm bảo yếu tố môi trường, không để xảy ra tình trạng xe chở vật liệu gây bụi bẩn, rác thải tràn lan; công trình phải được quây tôn gọn gàng, sạch sẽ; huy động sự tham gia của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phân loại rác thải và duy trì vệ sinh môi trường hàng tuần. Thành phố cũng đặt ra các tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện và yêu cầu rút ngắn tiến độ với các công trình kéo dài.
Nhân dân phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng thủ đô “Sáng - Xanh- Sạch - Đẹp”
Thứ ba, phong trào thi đua phòng, chống tham nhũng. Đây là phong trào đã được triển khai từ năm 2023 nhưng sẽ được xác định là trọng tâm trong năm 2025. Thành phố đặc biệt chú trọng chống lãng phí trong đầu tư công, đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách. Một trong những tiêu chí quan trọng là nếu công trình tiết kiệm được từ 5% trở lên so với dự toán đầu tư thì sẽ được khen thưởng. Ngoài ra, công trình hoàn thành trước thời hạn theo phê duyệt cũng sẽ được xem xét khen thưởng, nhằm khuyến khích thực hiện các dự án một cách hiệu quả và minh bạch.
Thứ tư, phong trào thi đua chuyển đổi số. Thành phố đặt mục tiêu tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành. Ban Thi đua - Khen thưởng đang xây dựng kế hoạch triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời lấy ý kiến các ngành để hoàn thiện dự thảo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành.
Bên cạnh các phong trào trên, thành phố cũng đang thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo luật mới. Năm 2024, Ban Thi đua - Khen thưởng đã tham mưu để thành lập 711 cụm, khối thi đua trên địa bàn. Sau một năm hoạt động, dự kiến trong tháng 4/2025, Ban Thi đua - Khen thưởng sẽ tham mưu cho thành phố tiến hành rà soát, đánh giá và điều chỉnh các cụm, khối thi đua để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với bộ máy sáp nhập, kiện toàn theo chỉ đạo của trung ương.
Ngoài ra, Ban cũng nhận thấy một số bất cập trong tiêu chí thi đua, khen thưởng hiện nay, nên với trách nhiệm là cơ quan tham mưu giúp thành phố quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, Ban Thi đua - Khen thưởng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật cũng như điều kiện thực tiễn, góp phần đảm bảo công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố.
Phóng viên: Thưa ông, khi tinh gọn bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có gặp phải nhiều khó khăn? Điều này đặt ra yêu cầu gì đối với đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Công Bằng: Việc tinh gọn bộ máy không chỉ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị mà còn giúp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một thuận lợi cho công tác thi đua, khen thưởng, bởi khi đội ngũ cán bộ có nhận thức tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, thi đua sẽ thực sự trở thành một phần trong công việc hàng ngày, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cá nhân. Khi đó, phong trào thi đua không còn là hình thức mà sẽ được khai thác như một động lực thực sự để cán bộ, công chức phát huy năng lực và cống hiến.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng. Đội ngũ này cần nhanh chóng nâng cao trình độ chuyên môn, làm việc chuyên nghiệp và thực chất hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Công tác khen thưởng cũng cần đổi mới theo hướng kịp thời, toàn diện và sâu sắc hơn, đảm bảo động viên, khích lệ đúng người, đúng việc, tạo động lực lan tỏa trong cộng đồng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Thảo (thực hiện)