TĐKT - Ngày 19/10, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội. 38 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án đã được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội.
Qua 1 năm triển khai, Đề án đã được các sở, ngành, UBND các quận và toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện. Hầu hết các quận đã quyết liệt chỉ đạo từ Quận ủy, UBND quận đến các phường và nhân dân trên địa bàn quận. Nhiều UBND phường, lực lượng công an, giao thông, quản lý thị trường và các đồng chí cán bộ của các địa phương đã tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh trái cây.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản trao Bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án
Một số địa phương có cách làm sáng tạo: Quận Long Biên hỗ trợ tập trung cấp các loại giấy an toàn thực phẩm ngay tại địa điểm 1 phường khi các hộ tham gia tập huấn xong; quận Nam Từ Liêm hỗ trợ túi đựng sản phẩm có dán logo của đề án cho hộ kinh doanh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quận Thanh Xuân hướng dẫn và làm thủ tục trực tiếp tại nhà của các hộ…
Hiện nay trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có tổng số 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ điều kiện Đề án, trong đó chia theo loại hình kinh doanh có 134 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 632 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây. Tất cả các cửa hàng này đều đã được cấp logo nhận diện của Đề án.
Đặc biệt, với phương thức mỗi quận thí điểm 1 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, đến nay, trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được tổng số 33 tuyến phố (riêng quận Thanh Xuân 11 tuyến, Hà Đông 5 tuyến, Cầu Giấy 8 tuyến) không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.
Về các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, qua 1 năm thực hiện Đề án, đã có 3.004/3.004 người được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và thực hiện khám sức khỏe theo quy định, tăng 32% so với trước đó; 100% cửa hàng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, trong khi trước Đề án, tỷ lệ này chỉ đạt 30%.
Đáng chú ý, về nguồn gốc xuất xứ trái cây, tại thời điểm kiểm tra để cấp biển nhận diện, 766/766 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 100% (trước Đề án đạt 59%); 604/766 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 79% (trước đề án đạt 38%).
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án
Ngoài ra, các cửa hàng được cấp biển nhận diện còn được trang bị các thiết bị bảo quản trái cây, quầy, kệ, thiết bị vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sau 1 năm triển khai Đề án, người tiêu dùng đã có ý thức và quan tâm hơn đến việc lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm trái cây an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án và các siêu thị, trung tâm thương mại. Đáng chú ý là doanh thu của các cửa hàng tăng 20 - 25% so với thời điểm chưa được gắn biển nhận diện.
Công tác liên kết vùng, đưa các sản phẩm trái cây đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thế mạnh của các vùng trên cả nước được quan tâm và triển khai đồng bộ, góp phần tạo nguồn cung sản phẩm trái cây an toàn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh trái cây, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội đã tặng 38 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành TP Hà Nội”.
Mai Thảo