TĐKT - Sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu (2013 - 2017), ngành nông nghiệp của Thủ đô Hà Nội đạt mức tăng trưởng khá; giá trị gia tăng bình quân 2,23% cho cả giai đoạn. TP Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô, tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,35%; trong đó: Trồng trọt tăng 2,4%, chăn nuôi tăng 4%, thủy sản tăng 6,06%.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, thành phố đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giá trị tăng từ 3 - 8 lần so với trồng lúa. Cụ thể, thành phố đã xây dựng 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20 ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; phát triển 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh 20 ha/vùng cho giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm...
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp...
Tính đến nay, TP Hà Nội có 1.021 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; 3.166 trang trại (2.808 trang trại chăn nuôi, 190 trang trại nuôi trồng thủy sản, 133 trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp, 35 trang trại tổng hợp).
Hạ tầng kinh tế kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư, nông thôn ngày càng đổi mới. 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa. 95% đường liên thôn được bê tông hóa, 91% đường ngõ xóm và 50% đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa. 100% các hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện…
Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ngày càng tăng (cuối năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 2,57%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2017 trên địa bàn thành phố đạt 86,6% (vượt 3,26% so với kế hoạch đề ra).
Một trong những kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện đề án là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới”, tăng 3 huyện so với năm 2013; có 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 244 xã so với năm 2013. Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Phát huy những kết quả đã đạt được, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt khoảng 2,5 - 3,0%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 347/386 xã trở lên, có 14 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 70 - 75%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%...
Trang Lê