TĐKT - Bước vào ngôi nhà rợp bóng mát và hương thơm dịu nhẹ của hương bưởi, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi xuất hiện trước mặt mình là tác giả của rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng về Hà Nội nhưng lại mang dáng dấp của một “nông dân yêu nhạc” (theo cách gọi của ông), hiền lành, chất phác và đặc biệt rất thân thiện với khách đến chơi nhà. Không ai khác, đó chính là nhạc sĩ Lê Mây, người luôn mang trong mình tình yêu Hà Nội tha thiết, nồng nàn qua năm tháng.
Quê hương thứ hai
Thuở thiếu thời, lớn lên từ bờ tre, gốc rạ nơi quê nhà Phù Cừ, Hưng Yên, chàng trai mang cái tên thơ mộng Lê Mây khi ấy đã sớm bén duyên với thơ và đàn. Bằng tình yêu cũng như tài năng nghệ thuật của mình, sau khi tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội, ông nhanh chóng trở thành một nghệ sĩ chơi đàn nhị thực thụ được nhiều đoàn nghệ thuật săn đón vào những năm 60 của thế kỷ trước. Thế nhưng, tình yêu, sự nhiệt huyết với nghệ thuật đã đưa ông đến với Đoàn Ca múa nhạc Nghĩa Lộ, để từ đây, tài năng sáng tác của ông bắt đầu được phát hiện và bừng sáng khi ông trở về Hà Nội làm việc tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Trung ương.
Được sống và làm việc dưới bầu trời Thủ đô đã cho nhạc sĩ Lê Mây thật nhiều cảm xúc và cảm hứng sáng tác. Ông vừa chơi đàn, vừa bắt đầu sáng tác nhạc. Nhạc phẩm đầu tay mang tên “Lời ru của mẹ” ra đời năm 1970 khi hai miền còn chia cắt đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường cho quân và dân ta trong những ngày Thủ đô quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ phá hoại.
Từ đó, gắn bó với Hà Nội trong từng hơi thở cuộc sống, chứng kiến những thăng trầm của Thủ đô ngàn năm văn hiến, vị nhạc sĩ tài hoa này lại càng có thêm nhiều cảm hứng sáng tác và dành cho Hà Nội những nhạc phẩm hay, thể hiện tình yêu với tha thiết với mảnh đất này.
Ông tâm sự: “Trừ gần 10 năm công tác ở Yên Bái, còn lại tuổi trẻ và sự nghiệp của tôi đều gắn bó với Hà Nội. Tôi nặng tình với từng góc phố, hàng cây và con người nơi đây... có lẽ bởi vậy mà bài hát nào về Hà Nội, tôi cũng viết bằng chính tình cảm chân thành của một người con luôn biết ơn nơi đã nuôi dưỡng mình lớn khôn và trưởng thành như bây giờ”.
Nhạc sĩ Lê Mây nơi góc nhỏ sáng tác quen thuộc
Ngẫm về chặng đường gần 50 năm sáng tác của mình, ngoài những sáng tác nổi tiếng như “Bắc Ninh kinh bắc”, “Xốn xang trên cổng Hòa Bình”, “Thành phố hoa đào”, nhạc sĩ Lê Mây không khỏi bồi hồi khi nhớ lại 7 ca khúc về Hà Nội ông dành cả tâm huyết và tình yêu để viết trong sự tự hào và vui tươi của “Quê hương ơi”, “Hà Nội ơi”, “Hà Nội phố”, “Hà Nội linh thiêng và hào hoa” hay mới đây là “Phía tây thành phố”... Ở bài hát nào trong ông cũng bừng lên một tình yêu bất diệt với Thủ đô.
Không tự nhận mình là một nhạc sĩ tài danh, ông khiêm tốn cho rằng mình chỉ là một nhà nông yêu nghệ thuật và luôn cần mẫn, hết lòng vì sự nghiệp mình đã theo đuổi. Có lẽ vậy mà từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi Hà Nội đang cựa mình phát triển và chuẩn bị bước vào tuổi 1000, ông đã trăn trở để viết một ca khúc dành tặng Thủ đô vào dịp đặc biệt này.
Thế nhưng, suốt từ đó cho đến năm 2000, những bản thảo cứ được viết rồi lại xóa và chưa có một bài hát nào thành hình. Mãi đến khi được Hội Âm nhạc Việt Nam tổ chức đi nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc, vào một đêm tĩnh lặng, trong giấc mơ của vị nhạc sĩ đang đau đáu một sản phẩm âm nhạc về Hà Nội bỗng hiện lên một kinh thành nguy nga, tráng lệ trong sương khói và văng vẳng bên tai những câu hát: “Ôi kinh thành ngàn năm, ngàn năm, qua nắng mưa thời gian, thời gian...”, để rồi từ đó, nhạc phẩm được cho là bài ca tuổi 1000 mừng đại lễ Thăng Long – Hà Nội ra đời trong sự hân hoan đón nhận của đông đảo người yêu nhạc và yêu Hà Nội bằng tình yêu chân chính và nồng nàn.
Yêu Hà Nội bằng âm nhạc chân chính
Với nhạc sĩ Lê Mây, yêu Hà Nội không chỉ là cất lên những giai điệu vui tươi, êm ái về Thủ đô hòa bình, lãng mạn mà còn phải biết nhìn vào sự thật, dám lên tiếng một cách ý nhị vào những vấn đề khiến nơi đây chưa thực sự hoàn thiện. Ngày những hàng cây trên các tuyến phố bị đốn hạ, ông chua xót, thẫn thờ đến rơi nước mắt để rồi viết lên “Những hàng cây trên đường Hà Nội” trầm buồn, u khuất đến se lòng.
Hay khi Thủ đô liên tục được mở rộng ra ngoại thành, trước sự nghi ngại của một bộ phận người dân, ông đã thể hiện quan điểm của mình khi viết “Phía tây thành phố”, khuyên mọi người biết từ bỏ cái tôi ích kỷ, lưu luyến chốn đô thành nhộn nhịp để xung phong về với những vùng đất mới, an cư lập nghiệp để Thủ đô thêm phát triển, xanh tươi. Cũng chính suy nghĩ ấy đã đưa ông về với nơi thôn quê huyện ngoại thành Hoài Đức, có cây cối, vườn tược để rồi từ đó, cảm hứng sáng tác của ông lại tiếp tục được nảy nở, sinh sôi.
Thoáng chốc, ông hướng ánh mắt đã in những dấu vết thời gian về phía chiếc đàn piano được đặt nơi trang trọng nhất căn phòng, khóe môi khẽ cất lên những giai điệu thật đẹp về một tình yêu Hà Nội luôn rạo rực trong tim: “Dù cho ai đi đâu về đâu, dù cho ai đi sang xứ người, tôi vẫn mãi tình yêu Hà Nội, tôi vẫn mãi phía tây thành phố. Vì nơi đó với tôi, bao người thân thương. Vì nơi đó, với tôi đã thành quê hương”.
Với nhạc sĩ Lê Mây, âm nhạc cũng chính là mảnh đất được ông lựa chọn để thể hiện bản lĩnh chính trị của mình, khi thì đấu tranh trước những bất công của cuộc sống, lúc lại lặng lẽ khuyên răn con người biết làm việc thiện, chấp hành những quy định chung để ủng hộ chính quyền địa phương và nhà nước ta trong những chủ trương đúng đắn. Chính sự mộc mạc nhưng cũng hết sức sâu sắc ấy đã khiến cho âm nhạc và chính trị của Lê Mây nhuần nhuyễn, hòa quyện đến mức người nghe như được thưởng thức những bài hát thấm đẫm tính nhân văn, lãng mạn từ những cảm xúc rất chân thật, vị tha trước biến cố, thăng trầm của Thủ đô ngàn năm văn vật.
Nhạc sĩ Lê Mây là người đứng đằng sau những thành công của nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay
Yêu Hà Nội và có những sáng tác hay làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ hiện đại là thế nhưng nhạc sĩ Lê Mây cũng là một người có quan điểm làm nghệ thuật rất đặc biệt. Trong âm nhạc của ông luôn có sự hòa quyện giữa âm nhạc dân gian, nhạc nhẹ và nhạc thính phòng, tạo nên những âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng và đi sâu vào lòng người.
Đặc biệt, ca khúc “Hóa vàng” với phong cách nhạc dân gian đương đại đã “đánh thức giấc ngủ say” của giới nghệ sĩ “cũ”, tạo nên viên gạch nối giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, thổi một luồng gió mới vào nền âm nhạc Việt Nam hiện đại vốn chưa có nhiều sự bứt phá lớn trong những năm gần đây.
Bên cạnh công việc sáng tác âm nhạc, ông còn là tác giả của đàn T’rưng mali Lê Mây – loại nhạc cụ dân tộc rất được người yêu nhạc trong nước và bạn bè quốc tế ưa chuộng và dùng làm quà lưu niệm mỗi khi đến Việt Nam.
Gần 80 tuổi nhưng vẫn có những sáng tác hay và luôn đau đáu ước mong Thủ đô ngày một phát triển, thịnh vượng, nhạc sĩ Lê Mây đã truyền cảm hứng và sức sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệ sĩ ngày nay mà mới đây nhất là thành công vang dội của ca sĩ trẻ Quách Mai Thi tại chương trình Sao Mai 2019.
Suốt chặng đường làm nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Lê Mây đã được nhận các giải thưởng như: Huy chương “Vì sự nghiệp văn học – nghệ thuật Việt Nam, hai Huy chương Vàng cho Ban nhạc gia đình Giang – Phương – Lan (1980 – 1985), Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và giải thưởng các cuộc thi ca khúc của Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình; nhiều năm liền là tác giả của những ca khúc hay nhất về Hà Nội. Với nhạc sĩ, đó chính là nguồn động viên lớn lao để ông tiếp tục có những cống hiến mới, góp tiếng nói chung để Thủ đô ngày một phát triển.
Mai Thảo – Ngọc Huyền