TĐKT - Ngày 10/6, trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 74 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2022) và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tạp chí Thi đua Khen thưởng; Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Hành trình Lan tỏa những điều tốt đẹp”.
Đây là diễn đàn để những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó góp phần lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Các khách mời là đại diện những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, từng được phản ánh trên các ấn phẩm của Tạp chí Thi đua Khen thưởng.
Dự Chương trình có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; lãnh đạo Ban TĐKT TP Hà Nội, lãnh đạo các vụ, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban TĐKT Trung ương.
Đặc biệt, Chương trình có sự hiện diện của các gương mặt tiêu biểu, người tốt, việc tốt được lựa chọn từ các phong trào thi đua trên khắp các lĩnh vực của thành phố Hà Nội. Đó là anh Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp Hà Nội; cô giáo Vương Tuyết Băng, Trường Tiểu học Tây Tựu B, quận Bắc Từ Liêm; Thiếu tá Mai Văn Đạo, Phó Trưởng Công an phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân; anh Trần Văn Quyết, công dân thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín; công nhân Vũ Văn Tùng, Công ty TNHH Toyota Thanh Xuân.
Khai mạc Chương trình
Phát biểu khai mạc Chương trình, Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng Phạm Hồng Long cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp”; “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau… là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”; “là một cách tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin rất thiết thực”; đồng thời “là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Bác nói: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Hàng ngày, Bác không bỏ qua một gương “Người tốt, việc tốt” nào được đăng trên báo. Bác thường dùng bút chì đỏ, đánh dấu vào những bài viết ấy, rồi tập hợp thành một danh sách để gửi tặng Huy hiệu của Người.
Bác Hồ đã Chỉ thị cho các tờ báo của Đảng và đoàn thể mở mục chuyên mục “Người mới, việc mới” - sau này được Bác gợi ý đổi tên thành “Người tốt, việc tốt” nhằm biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong nhân dân và cán bộ, đảng viên, từ đó động viên phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển.
21 năm ra đời và phát triển, Tạp chí Thi đua Khen thưởng luôn làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; phát hiện, nêu gương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Viết về người tốt, việc tốt, những nhân cách cao đẹp luôn là đề tài hấp dẫn đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Tạp chí nhằm góp phần làm cho cái tốt, cái đẹp, cái thiện ngày càng nhiều hơn, trở thành phổ biến trong xã hội, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, đem lại hạnh phúc cho mọi người.
Nhiều năm qua, trên các ấn phẩm của Tạp chí Thi đua Khen thưởng luôn dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng, những tấm gương người tốt, việc tốt trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tạp chí tích cực phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đổi mới tuyên truyền về nội dung, hình thức các phong trào thi đua theo hướng bám sát từ cơ sở, từng đơn vị, từng cụm thi đua. Tạp chí đã mở thêm các chuyên trang, chuyên mục như “Gương sáng Thủ đô” trên Báo in, “Hà Nội Thi đua ái quốc” trên Trang điện tử; tích cực tham gia cuộc thi Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến người tốt, việc tốt trên địa bàn thành phố… Đặc biệt, nhiều năm qua, hai đơn vị liên tục phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu, tọa đàm trực tuyến về gương ĐHTT, NTVT; qua đó góp phần tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, để cái tốt ngày càng nhân rộng và lan tỏa trên địa bàn Thủ đô.
Chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hành trình Lan tỏa những điều tốt đẹp” hôm nay là hoạt động ý nghĩa nhằm ôn lại những giá trị tư tưởng lớn của Người về thi đua yêu nước trong tiến trình xây dựng đất nước và Thủ đô; đồng thời tạo thêm các diễn đàn để những tấm gương người tốt, việc tốt được giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm; từ đó lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội những giá trị sống tích cực, nhân văn; thiết thực tiến tới kỷ niệm 74 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và kỷ niệm 20 năm thành lập Tạp chí Thi đua Khen thưởng, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
“Thông qua những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa được các vị khách mời đặc biệt hôm nay chia sẻ, chúng tôi mong rằng quý vị đại biểu và bạn đọc của Tạp chí Thi đua Khen thưởng sẽ hiểu rõ hơn chân dung của những người tốt, việc tốt; thấy được những nỗ lực cũng như những cách làm đổi mới không ngừng của đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng Thủ đô trong việc nhân rộng, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt, những bông hoa đẹp để xã hội noi gương, học tập và làm theo.” – Tổng Biên tập Phạm Hồng Long nhấn mạnh.
--- 15:04:08 ---
Giao lưu với anh Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp Hà Nội
Có một người thanh niên tốt bụng, sống có trách nhiệm, đã gác lại giấc mơ trở thành một bác sĩ phẫu thuật giỏi để đi vận động hiến máu tình nguyện, góp phần cứu sống hàng triệu người bệnh trên cả nước. Anh Là Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện đầu tiên ở Hà Nội, có vai trò nòng cốt trong tổ chức và phát triển mạnh mẽ phong trào vận động hiến máu tình nguyện ở Việt Nam từ những ngày đầu mới thành lập cho đến nay.
MC: Cơ duyên đưa anh đến với vận động hiến máu tình nguyện như thế nào?
Anh Nguyễn Đức Thuận trả lời:
Thực ra, tôi biết đến việc cho – nhận máu từ khi còn khá nhỏ (khoảng 9-10 tuổi) qua việc hai cô ruột của tôi, một cô là công nhân Nhà máy Điện Việt Trì và một cô khi ấy là Đại biểu quốc hội đi hiến máu cứu đồng nghiệp. Việc hiến máu với tôi ở thời điểm đó nó rất khủng khiếp, kể cả những khi những người cô của tôi bị ốm, ông bà vẫn cho rằng đó là do cô đã hiến máu.
Sau này, khi vào học hệ bác sĩ đa khoa ở Trường ĐH Y Hà Nội, thời kỳ đến thực hành ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi vô cùng ấn tượng với danh sách dài các bệnh nhân chờ mổ vì không có máu, phải nói khi ấy ấn tượng ghê gớm nhưng không hiểu sao tôi vẫn không quan tâm tới việc vận động hiến máu hay bản thân mình hiến máu. Cho đến năm học thứ 3, khi tới gặp GS.TSKH.NGND Đỗ Trung Phấn – lúc đó thầy là Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền Máu Trung ươg để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về viêm gan virus. Tôi được nghe thầy chia sẻ về tình hình thiếu máu, không có người hiến máu tình nguyện mà chỉ có người bán máu và người nhà cho máu kéo theo nó là nguy cơ cao không đảm bảo an toàn truyền máu ở nước ta.
Tôi được thầy trực tiếp dẫn đi thăm các bệnh nhân khoa Bệnh máu, thăm kho máu trống không của Viện thì những hình ảnh bệnh nhân thiếu máu, bản thân họ và gia đình vật lộn với việc tìm người cho máu, gây cho tôi ấn tượng, cảm xúc mạnh mẽ vô cùng. Đặc biệt là hình ảnh một nữ sản phụ bị ung thư máu với ước nguyện cuối cùng là giữ thai để sinh con mà không thành. Hôm đó, tôi quyết định đăng ký hiến máu. Phải đến lần thứ 4 tôi mới hiến máu thành công và điều làm tôi bất ngờ là bản thân hiến máu xong thấy hoàn toàn khỏe mạnh, thấy rất vui mừng và không có bất kỳ ảnh hưởng không tốt nào về sức khỏe khi hiến máu.
Điều đó làm tôi tự đặt câu hỏi: Hiến máu tình nguyện hoàn toàn không có hại tới sức khỏe thế này mà sao nước ta lại thiếu máu đến thế, làm sao mà lại không có ai tham gia hiến máu tình nguyện, chỉ người bán máu và người nhà cho máu đáp ứng được khoảng 5 – 7% nhu cầu máu điều trị? Đi tìm câu trả lời thì vẫn chỉ là: Chúng ta chưa có phong trào hiến máu tình nguyện! Và tôi đã quyết định tạm gác lại dự định nghiên cứu về viêm gan virus để làm vận động hiến máu tình nguyện.
Bạn đọc Nguyễn Văn Mạnh (ở Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ khâm phục: Để làm cho một phong trào thi đua lan tỏa, đi vào đời sống quả là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, hiến máu tình nguyện hôm nay đã trở thành một phong trào lớn, một nét đẹp của đất nước, thu hút hàng triệu người tham gia hiến máu hàng năm. Vậy, anh Thuận có thể chia sẻ những khó khăn mà anh phải đối mặt trong hành trình lan tỏa phong trào vận đông hiến máu tình nguyện?
Anh Nguyễn Đức Thuận trả lời:
Trong quá trình vận động hiến máu tôi cũng không nghĩ gì nhiều, vì là phong trào mới nên khó khăn chủ yếu xuất phát từ nhận thức của mọi người về hiến máu tình nguyện chưa được tốt, thậm chí nhiều người còn có những định kiến nặng nề về việc cho – nhận máu: Hiến máu có hại đến sức khỏe, hiến máu là mất đi sự may mắn, giọt máu đào thì chỉ hiến cho người thân, hiến máu rồi truyền cho người bệnh chẳng may tử vong là máu mình chôn theo người đã khuất….
Khó khăn thứ hai đó là thiếu hụt những nhóm máu hiếm, vì vận động hiến máu đã khó lại thêm việc thiếu nhóm máu hiếm thì công tác vận động càng khó khăn hơn gấp bội lần.
Tôi phải đi vận động bạn bè, người thân trước, cứ vận động được ai thì chở bằng xe đạp thẳng đến bệnh viện.
Có vài câu chuyện “dở khóc, dở cười” mà tôi muốn kể lại: Chúng tôi tới vận động HMTN ở một địa phương, lãnh đạo rất ủng hộ và giao chỉ tiêu thi đua nên có tới 450 người đăng ký HM, khi Viện về tiếp nhận thì chỉ được gần 40 đơn vị máu vì đa số người HM đều khai là đến ngày của họ (nếu là nữ) hoặc hôm qua thức khuya, mất ngủ (nếu là nam), hỏi sao như vậy mà vẫn đăng ký HM thì họ nói đăng ký để đạt thi đua.
Hoặc: Ngày HM ở một xã ngoại thành HN, có bà mẹ chạy đến điểm HM tại UBND Xã và nhất quyết đòi Viện cùng Ban tổ chức phải dốc ngược túi máu đang hiến truyền lại cho người con của bà mẹ. Rất may mắn là sau một hồi giải thích thì bà mẹ đồng ý để con mình tiếp tục HM.
Hoặc: Những ngày đầu, bạn bè tôi đều cho rằng tôi được Viện Huyết học trả rất nhiều tiền để đi vận động hiến máu. Thậm chí, có người thân của người bệnh tìm đến tận nơi tôi học để đặt vấn đề mua máu của tôi. Họ đem rất nhiều tiền đến cho tôi vì biết tôi vừa mới hiến máu và sẽ vận động bạn bè HM cho người thân của họ đang cấp cứu. Tôi phải kiên quyết từ chối nhận tiền và giải thích cặn kẽ thì họ mới hiểu được thế nào là HMTN.
Đó chỉ là 1 vài khó khăn buổi đầu, nhưng thuận lợi là chủ yếu, vì chúng tôi xác định thách thức phải vượt qua là nhận thức của mọi người về việc hiến máu tình nguyện. Ngoài việc được GS Đỗ Trung Phấn, Viện Huyết học – Truyền máu TW đồng hành thì Trường ĐH Y Hà Nội mà đặc biệt là GS. Tôn Thất Bách khi ấy là hiệu trưởng đã rất ủng hộ chúng tôi, tạo điều kiện cho sinh viên chúng tôi hiến máu và đi các nơi vận động HMTN.
Sau đó là GS. Phạm Tất Dong – Khi ấy là Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương đã cùng hiến máu và ký công văn của Ban Khoa giáo TW đề nghị Đảng ủy – BGH các học viện, các trường đại học tổ chức vận động HMTN. Tôi và TS. Trần Ngọc Quế hiện nay là Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, hai anh em kéo nhau lên Thành Đoàn Hà Nội gặp Anh Phạm Xuân Cảnh khi ấy là Bí thư Thành Đoàn và được Anh đặc biệt ủng hộ. Vì thế, sau các trường đại học, cao đẳng là đến Thành Đoàn – Hội sinh viên – Hội LHTN Thành phố Hà Nội đã thực sự vào cuộc để triển khai mạnh mẽ phong trào vận động hiến máu trong thanh niên Thủ đô. Từ 1996, phong trào HMTN được đưa vào là một trong 3 cuộc vận động lớn của Thanh niên cả nước do TW Hội LHTN Việt Nam phát động; từ đó phong trào HMTN lan rộng ra cả nước, đến đông đảo các tầng lớp nhân dân và phát triển đến hôm nay.
MC: Để thấy được sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào hiến máu nhân đạo đến ngày hôm nay, chúng tôi có mời đến chương trình chị Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, người đã vận động và phát triển phong trào hiến máu mạnh mẽ ở quận Cầu Giấy, là tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng năm 2020. Đồng thời là gương mặt tham gia chương trình Giao lưu “Lan tỏa lối sống đẹp” năm 2021. Xin trân trọng kính mời chị Lan Phương lên sân khấu và có đôi điều chia sẻ.
Chị Bùi Thị Lan Phương trả lời:
Vâng thưa quý vị đại biểu, quý bạn đọc đang theo dõi chương trình.
Năm 1993, tôi học lớp 12, cũng là chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, có một bạn nữ trong lớp tôi không may mắc bệnh về máu và số phận đã không mỉm cười với bạn và bạn đã ra đi mãi mãi. Tôi được chứng kiến cảnh bạn khao khát được sống và được thi đại học. Bẵng đi hơn chục năm, tôi lại được theo chân các đoàn thiện nguyện vào phát cháo từ thiện tại Viện Huyết học Truyền máu TW, được chứng kiến những em nhỏ đang chờ máu để truyền, trái tim tôi như nghẹn lại. Sau đó được dự một chương trình của anh Nguyễn Đức Thuận chia sẻ về tuyên truyền vận động hiến máu, anh như người truyền lửa và thôi thúc tôi tích cực đi tuyên truyền vận động hiến máu. Anh giúp tôi hiểu rõ, càng tuyên truyền vận động được nhiều người tham gia hiến máu thì cũng là đóng góp một phần vào công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Vì vậy, từ năm 2016 đến nay tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, hàng năm Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy đã làm rất hiệu quả công tác vận động hiến máu, duy trì rất tốt các mô hình hiến máu như: Tuyến phố Hiến máu, Gia đình Hiến máu. Trong nhiệm kỳ qua, Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy đã vận động, thu được 29000 đơn vị máu, đạt 200% thành phố giao, giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không may mắc bệnh về máu. Tôi cho rằng, không có chế phẩm nào thay thế được máu mà máu chỉ có ở trong tim chúng ta và đây cũng là hành động nhân văn giữa con người với con người.
Thầy giáo Mai Sơn (đến từ Hòa Bình) có gửi đến anh chia sẻ như sau: Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam, anh Nguyễn Đức Thuận còn dành nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo đội ngũ thanh niên Việt đủ tâm đức, tài năng và hoài bão lớn. Anh là người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng Huấn luyện Câu lạc bộ Thanh niên Khởi nghiệp Hà Nội, đã tổ chức đào tạo miễn phí cho trên 17 ngàn lượt và tư vấn miễn phí về khởi nghiệp cho trên 26 ngàn lượt thanh niên khởi nghiệp Hà Nội. Từ 1 bác sĩ rồi đến một tình nguyện viên vận động hiến máu, làm thế nào để anh tự tin bắt tay vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho các bạn trẻ?
Anh Nguyễn Đức Thuận trả lời:
Khi tập hợp anh em, bạn bè và các bạn sinh viên thanh niên tham gia Hội Thanh niên Vận động Hiến máu Hà Nội và là Chủ tịch Hội gần 20 chục năm, tôi luôn được thầy của mình là GS. Đỗ Trung Phấn căn dặn, nhắc nhở: Nhiệm vụ số 1 của Hội không phải là hiến máu hay vận động HM mà thông qua hoạt động này, coi hoạt động này là môi trường để học tập, để rèn luyện. Nhiệm vụ số 1 của Hội là anh chị em giúp đỡ, động viên nhau học tập và rèn luyện để phát triển. Không chỉ vậy, hoạt động lập thân, lập nghiệp cũng luôn là một trong những trọng tâm trong công tác Hội LHTN Việt Nam (tổ chức mà Hội Thanh niên Vận động HM Hà Nội là thành viên). Vì thế, với cương vị người tham gia thành lập Hội và là Chủ tịch Hội, cá nhân tôi cùng với anh chị em trong Ủy ban Hội cũng đặc biệt coi trọng đến việc học tập và rèn luyện của bản thân, của các thành viên của Hội ngay kể từ những ngày đầu.
Ở phạm vi Trường ĐH Y Hà Nội, các thành viên của Hội hầu hết đều nỗ lực học tập vì thế đa số đều được làm việc ở các bệnh viện trung ương hay có thành tích học tập khá tốt. Nhưng hội viên ở các trường khác, ngành khác thì ngoài việc nỗ lực học tập cần có định hướng phát triển rõ ràng hơn cho tương lai của các bạn ấy, cần hướng đến những vấn đề mà đất nước cần. Khi ấy, tôi nghĩ đất nước cần có những nhà công nghệ, cần có những doanh nhân đóng góp cho sự phát triển. Ở Hội Máu chúng tôi có những lớp được gọi là cán bộ tăng cường, lớp này hội tụ các bạn có mong muốn phát triển và chúng tôi hướng các bạn đến những con người như vậy. Năm nào cũng có gần chục lớp với vài chục đến vài trăm bạn, liên tục từ năm 1999 đến nay. Chúng tôi chủ động hướng dẫn các bạn, mời các anh chị doanh nhân hay các nhà khoa học – công nghệ đến chia sẻ với lớp. Bản thân tôi cố gắng để luôn đồng hành cùng các bạn ấy đặc biệt là những ngày đầu thành lập doanh nghiệp hay mới có ý tưởng khởi nghiệp. Cứ thế làm, càng làm càng nhận được nhiều thành công và càng say mê với nó. Học viên nhờ thế mà ngày càng nhiều, không chỉ các bạn ở các lớp tăng cường mà cả các bạn khác, không chỉ ở trong Hội Máu mà ở cả ngoài Hội. Nhà tôi những năm ấy luôn là trụ sở của các lớp học, bảng học thường là cánh cửa nhà ghép lại, sau này đông quá thì mượn phòng học ở các nơi để giảng giải, hướng dẫn và hoàn toàn miễn phí. Dần dần, học viên ngày càng đông thì tôi buộc phải lựa chọn để có thể làm việc tốt nhất. Tôi nghĩ, việc hiến máu cũng khá ổn, nhiều người làm và bản thân sẽ tiếp tục trong khả năng có thể, còn lại tôi sẽ dành chọn cho việc đào tạo khởi nghiệp của thanh niên – hoạt động mà theo tôi là đất nước đang rất cần.
Tôi cho rằng, những năm tháng làm tình nguyện, là thủ lĩnh của thanh niên, được trải nghiệm trong vận động HMTN, bản thân cũng trực tiếp khởi nghiệp nên giúp tôi có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ để học hỏi, nghiên cứu, liên kết tạo Hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên. Theo tôi, khởi nghiệp bằng sự kiến tạo giá trị cho cộng đồng, cho đất nước, bằng sự tử tế với nền tảng là trí tuệ và tình yêu thương chính là khởi nghiệp phát triển bền vững.
Và đến nay, tôi thực sự hạnh phúc khi chứng kiến các học trò của mình trưởng thành mỗi ngày, năng lực, công việc hay doanh nghiệp của các bạn ấy phát triển hơn mỗi ngày. Với tôi mỗi sự trưởng thành của học trò là những bằng khen, những tấm huy chương tuyệt vời nhất mà mình được nhận. Từ năm 2013 tôi chuyển ra ngoài bắt đầu vừa khởi nghiệp vừa giảng dạy.
--- 15:20:15 ---
Giao lưu với Cô giáo Vương Tuyết Băng - trường tiểu học Tây Tựu B, quận Bắc Từ Liêm
Cô giáo Vương Tuyết Băng giao lưu tại Chương trình
MC: Trước khi đến với phần giao lưu với cô giáo Vương Tuyết Băng, chúng tôi xin mời các quý vị đại biểu, quý bạn đọc gặp gỡ, kết nối với chị Nguyễn Thị Thanh Vy, Chuyên viên phòng Giáo dục quận Bắc Từ Liêm, người đầu tiên phát hiện và lan tỏa về nghĩa cử đẹp của cô Băng. Xin mời, bộ phận hỗ trợ chuyển mic đến chị Thanh Vy để chương trình được kết nối.
Chị Vy thân mến, được biết chị là người đã kết nối, giới thiệu với phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng về tấm gương của cô Băng. Vậy chị có thể chia sẻ chị gặp gỡ cô Băng như thế nào và vì sao lại quyết định giới thiệu cho nhà báo khai thác, lan tỏa tấm gương này không?
Chị Nguyễn Thị Thanh Vy, Chuyên viên phòng Giáo dục quận Bắc Từ Liêm
Chị Nguyễn Thị Thanh Vy trả lời:
Tôi và cô Băng đã có thời gian công tác cùng nhau nên khá hiểu nhau, dù chuyển công tác nhưng tôi vẫn luôn dõi theo các cô giáo của trường cũng như cô Băng. Có không ít các cô giáo luôn yêu thương học sinh và sẵn sàng giúp các em với tình cảm như người thân yêu. Cô Băng cũng là một trong các thầy cô giáo như thế. Trong một buổi tổ chức Giải thưởng nhà giáo tâm huyết sáng tạo, tôi đã được nghe cô Băng chia sẻ câu chuyện với những việc làm giản dị mà giàu lòng nhân ái của cô dành cho trò Ân. Tôi rất cảm động, trân trọng và muốn chia sẻ lan tỏa tấm gương của cô với mong muốn việc làm thật ý nghĩa ấy luôn đem đến cái nhìn ấm áp của xã hội với nghề trồng người. Thực tế ở ngôi trường nào cũng có những học sinh khó khăn khác nhau. Tôi rất mong muốn các thầy cô giáo đã, đang và sẽ dành thêm sự quan tâm tới trò như thế thật tốt.
MC: Cô Băng thân mến, cô có thể chia sẻ lại hành trình gặp gỡ và đi đến quyết định giúp đỡ học sinh Ân như thế nào không ạ?
Cô giáo Vương Tuyết Băng trả lời:
Vâng, là một giáo viên lâu năm, tôi đã từng giúp đỡ rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhưng con Nguyễn Hoàng Ân là một trường hợp đặc biệt vì con có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Không những thế, Ân đã để lại cho tôi một cảm xúc không thể nào quên trong cái buổi đầu gặp con. Đó là lúc tôi đi dạy thay, bước vào lớp, tôi thấy ngồi ngay bàn đầu là một em học sinh gầy gò ốm yếu, đôi mắt lờ đờ, mệt mỏi. Tôi giảng bài cho các con xong, tôi liên tục động viên con làm bài, con không giao tiếp mà chỉ nằm ra bàn. Hỏi các bạn học sinh khác mới biết con là học sinh khuyết tật bị bệnh xương thủy tinh, giờ học nào con cũng nằm như vậy. Hoàn cảnh nhà bạn rất nghèo. Ngay chiều hôm đó, tôi cũng đến nhà Ân, thấy nhà Ân thực sự nghèo. Tôi nhìn con và liên tưởng tới con mình được chăm chút..., rồi nhìn các bạn học sinh khác tung tăng chơi đùa..., trong lòng tôi trào dâng một niềm thương cảm, xót xa giống như tình cảm của một người mẹ. Chắc là con đau đớn lắm… Sau khi tìm hiểu thì được biết là gia đình con cũng rất khó khăn, mẹ Ân và em gái cũng bị bệnh như Ân, thu nhập chủ yếu là đi nhặt rác và tiền trợ cấp của phường. Biết được hoàn cảnh của Ân, tôi rất thương xót con và quyết định giúp con. Bởi vì tôi nghĩ rằng, chỉ có con đường học tập tốt thì mới giúp con được chữa bệnh. Đó là hành trình tôi gặp gỡ và đi đến quyết định giúp đỡ học sinh Nguyễn Hoàng Ân.
Bạn đọc Gia Linh, Gia Lâm Hà Nội chia sẻ: Giúp đỡ một người bình thường đã khó, vậy giúp một em nhỏ lại bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh chắc chắn có nhiều khó khăn, vậy cô có thể chia sẻ cách giúp đỡ em Ân của mình để các quý vị đại biểu cũng như bạn đọc cả nước được biết rõ hơn không?
Cô giáo Vương Tuyết Băng trả lời:
Cô Băng xúc động khi chia sẻ về hành trình giúp đỡ cậu học trò nhỏ Nguyễn Hoàng Ân
Tôi nghĩ rằng: Chỉ có con đường học tập thì con mới có kiến thức để nâng cao sức khỏe cũng như có một tương lai tươi sáng hơn và tôi có điều kiện kèm cặp con là thích hợp nhất. Ngay hôm sau tôi đã trao đổi với Ban Giám hiệu nhà trường, được sự đồng ý, tôi kiên trì thuyết phục bố mẹ em chuyển em sang lớp tôi học và ăn bán trú, ngủ trưa tại trường, để tôi có điều kiện chăm sóc và kèm cặp con nhiều nhất có thể. Bố mẹ Ân không đồng ý vì cho rằng sức khỏe của con như vậy học được đến đâu thì học. Tôi đã kiên trì thuyết phục, hơn 1 tuần sau thì họ đồng ý. Sau đó tôi lên kế hoạch cụ thể để giúp đỡ con.
Điều tra về sức khỏe, bệnh tật và năng lực học tập của con tôi thấy, con bị suy dinh dưỡng nặng, ăn rất ít, không ăn rau, thịt cá, hoa quả và không ngủ trưa. Con bị mắc bệnh xương thủy tinh do di truyền gien từ mẹ, thiếu can-xi, vi-ta-min và khoáng chất, vận động yếu, đã 6 lần bị gãy xương. Con tiếp thu rất chậm, ngại học, nhanh quên, ít giao tiếp.
Tiếp đến, tôi tìm hiểu về bệnh xương thủy tinh để tìm kiếm giải pháp tăng sức khỏe, phòng bệnh cho Ân. Tôi đã tìm hiểu các thông tin trên mạng, được bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Vinmec tư vấn đã có những kiến thức cơ bản về bệnh giòn xương được biết là bệnh này hiện tại chưa có thuốc chữa... chỉ bổ sung bằng dinh dưỡng có nhiều can-xi, vi-ta-min và vận động thích hợp. Tôi cho con ăn thêm các loại bánh, sữa, quả giàu can-xi vào bữa phụ 9 giờ hoặc 16 giờ hằng ngày. Tôi tập vận động nhẹ cho con như đi bộ thăm các khu vực của nhà trường, đi cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2, tập đi xe đạp 3 bánh sau giờ học để tăng cường vận động.
Tầm khoảng giữa kỳ 1, con đã nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, khỏe lên, tôi bắt đầu kèm cặp lấy lại kiến thức và sự tự tin cho con. Ngoài việc dạy và kèm trong các giờ học chính khóa về đọc, viết và toán, tôi mua thêm truyện tranh, truyện ngắn bằng chữ để rèn đọc cho con; cho con làm lại các bài toán đã học ở lớp một. Tôi rèn cách cẩm bút, cách viết từng con chữ rồi đến từ, câu, đoạn văn ngắn bằng cách nghe đọc. Tôi thường hỏi những câu hỏi rất dễ, luôn khen ngợi con học giỏi để con dần quen việc học. Đồng thời, tạo niềm tin về năng lực học tập của con. Sau khi con đã thích học, tôi nâng dần với yêu cầu về toán, đọc và chữ viết của lớp 2 nhưng với mức độ nhẹ. Con rất thích sắp xếp tủ sách truyện của lớp nên tôi dùng sở thích của con để dạy cộng trừ có nhớ cho Ân... Cho con xem những đoạn clip nói về sự nỗ lực vượt khó để thành công của trẻ em khuyết tật, để con thấy rằng có thể làm được điều mình muốn khi nỗ lực hết sức và có quyết tâm cao.
Sau 6 tháng, con đã ăn được nhiều hơn đã biết ăn rau, thịt, cá, hoa quả, uống sữa. Thể lực con đã tăng lên. Con nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Trong năm học con chỉ 2 lần bị sốt nhẹ do viêm họng, không gãy xương lần nào. Về học tập, ngoài sự mong đợi của tôi, Ân đã tiến bộ vượt bậc về toán đạt điểm 10 trừ trong bài kiểm tra cuối năm, 7 điểm môn Tiếng Việt các môn khác đều hoàn thành. Con luôn tự tin giao tiếp và hợp tác với các bạn. Đó là niềm vui lớn nhất đối với tôi, tôi biết mình sẽ già đi theo năm tháng nhưng ngọn lửa yêu thương và hy vọng sẽ còn cháy mãi trong các con học sinh mà tôi đã dạy dỗ.
MC: Ân thân mến, con và bạn đọc vừa lắng nghe những chia sẻ hết sức xúc động của cô giáo Vương Tuyết Băng. Vậy, cảm xúc của con như thế nào và con có muốn nói điều gì với cô giáo Tuyết Băng của mình không?
Học sinh Nguyễn Hoàng Ân trả lời:
Con cảm ơn cô. Cô Băng rất thương con vì cô dạy con học tiến bộ. Con hứa sẽ học tập tốt hơn để làm cô vui lòng ạ!
--- 15:40:47 ---
Giao lưu với Thiếu tá Mai Văn Đạo
MC: Thưa quý vị đại biểu, quý độc giả đang theo dõi chương trình,
Dù đến nay, tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã cơ bản được khống chế, cuộc sống của chúng ta đang dần trở lại bình thường. Nhưng đối với Thiếu tá Mai Văn Đạo, Phó Trưởng Công an phường Thanh Xuân Trung, khoảng thời gian hơn 1 tháng làm nhiệm vụ tại vùng cách ly ở 2 ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân – một điểm nóng về tình hình dịch Covid – 19 trong đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 năm 2021, đó là những tháng ngày đặc biệt, không bao giờ quên. Anh Đạo là một trong những tấm gương tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid -19 mà chúng tôi mong muốn quý vị đại biểu và quý bạn đọc được gặp gỡ ngày hôm nay.
Sau đây, xin trân trọng kính mời Thiếu tá Mai Văn Đạo lên sân khấu cùng chia sẻ, giao lưu với chương trình.
Thiếu tá Đạo nhận nhiệm vụ Tổ công tác đặc biệt trong hoàn cảnh như thế nào? Anh có thể chia sẻ lại với quý vị đại biểu và bạn đọc đang theo dõi chương trình hôm nay?
Thiếu tá Mai Văn Đạo trả lời:
Vâng kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các bạn đọc
Dù đến nay, tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên là một trong những người trực tiếp trên mặt trận cam go ấy trong những ngày tháng đầu thì tôi không bao giờ quên.
Thiếu tá Mai Văn Đạo giao lưu tại chương trình
Ngày 23/8/2021 từ 2 ca đầu tiên phát hiện tại ngõ 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội (lúc đó thời điểm dịch đang bùng phát tại nhiều nơi ở Hà Nội) đến ngày hôm sau liên tục cơ quan y tế báo số lượng F0, F1 tại ngõ 328, 330 tăng rất nhanh trong một ngày đã lên đến vài chục ca. Sau đó lãnh đạo Quận ủy, UBND Quận, Công an quận đã họp, khảo sát thực tế và quyết định thành lập khu cách ly, phong tỏa với 700 hộ dân, khoảng 2100 nhân khẩu đồng thời quyết định lập tổ công tác đặc biệt. Ngay lập tức lãnh đạo Công an quận đã giao nhiệm vụ cho tôi là tổ trưởng tổ công tác đặc biệt, hoàn cảnh lúc đó thực sự khó diễn tả vì đây là nhiệm vụ đột xuất, anh em tổ đặc biệt chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, sắp xếp công việc ở cơ quan cũng như tại gia đình. Tình hình dư luận nhân dân đang rất hoang mang, lo lắng do tốc độ lây lan của dịch nhanh, khó kiểm soát.
MC: Được biết là có rất nhiều câu chuyện ý nghĩa mà anh và đồng đội đã trải qua trong thời điểm làm nhiệm vụ đầy vất vả, căng thẳng ấy. Vậy, anh có thể chia sẻ cùng bạn đọc không?
Thiếu tá Mai Văn Đạo trả lời:
Vâng kính thưa các Quý vị đại biểu, thưa bạn đọc,
Thực sự đó là những ngày tháng vất vả đối với những người làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Những ngày đầu, anh em trong tổ đặc biệt gần như không ngủ, thức trắng đêm để đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền vận động người dân không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở yên đó. Đồng thời, hỗ trợ các bệnh nhân F0 ra xe để đến bệnh viện điều trị, đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, mà số lượng F1 tăng rất nhanh. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp người dân không hợp tác, trốn không tiếp xúc với lực lượng làm nhiệm vụ, còn trốn và khóa cửa trong nhà vì vậy lực lượng phải tiến hành cưỡng chế cho đi cách ly bắt buộc.
Khu vực phong tỏa có khoảng 8 khu tập thể cũ và nhiều ngõ ngách nhỏ, anh em phải chia nhau làm việc với tinh thần quyết tâm cao, trong điều kiện thời tiết oi bức nhiều bạn sinh viên tình nguyện do di chuyển nhiều đã kiệt sức và ngất phải nhờ đến lực lượng y tế cấp cứu.
Trong quá trình phòng, chống dịch, hơn 10 đồng chí bị sốt xuất huyết, có thời điểm anh em sốt cao, người phát ban, cơ thể mệt mỏi. Những lúc như vậy, anh em đã tự động viên và chăm sóc nhau. Các đồng chí khác trong tổ khắc phục khó khăn, tiếp tục gánh vác nhiệm vụ và không hề nhụt chí. Mọi người vẫn quyết tâm thực hiện công tác trong tổ đặc biệt không ai xin thay đổi người.
Tuy nhiên, trong thời gian gần hai tháng trong tâm dịch có rất nhiều câu chuyện ý nghĩa mà tôi và anh em trong tâm dịch đã trải qua, có thể nói rất nhiều câu chuyện mà sau này có lẽ chúng tôi không thể nào quên được.
Thời điểm đó, chưa phổ biến vắc-xin nên tiếp xúc với F0 là nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Nhưng anh em trong Tổ đều rất vững tâm.
Thiếu tá Mai Văn Đạo chia sẻ về những câu chuyện đáng nhớ khi thực hiện nhiệm vụ
Có một cụ ông tầm 70 tuổi bị bệnh nằm trên một căn gác xép khoảng 8m2 rất chật và bí, cụ không xuống đất gần 2 năm. Khi bị Covid-19, cụ quyết không cho anh em đưa đi điều trị, tổ công tác đã phải dùng cáng để đưa cụ xuống, mái tóc cụ dài khoảng gần 3m nhiều năm chưa cắt, anh em trong tổ đặc biệt đã dùng kéo cắt tóc, gội qua đầu xong đưa cụ ra xe đi viện.
Hay có gia đình cả 5 người bị Covid, toàn người già, trẻ em nên chúng tôi đã cử anh em khiêng cáng, bồng bế cháu nhỏ ra xe để đi các bệnh viện chữa trị dù lúc đó đã 3, 4h sáng.
Rồi khi những cơn mưa to như trút nước ngập hết con ngõ, ngách nhỏ nhưng không để bà con ở lại bị đói, không có lương thực, thực phẩm. Tổ công tác đặc biệt đội mưa, để đến từng nhà phát lương thực thực phẩm cho người dân, mọi người rất xúc động. Nhiều trường hợp là sinh viên các tỉnh khi nhận được đồ ăn, lương thực đã khóc tràn nước mắt vì nhận được gạo, được ra chứ không phải ăn mì tôm qua bữa nữa.
Hay khi các hộ gia đình đi cách ly tại Thạch Thất, chúng tôi cử anh em ngoài đảm bảo công tác an ninh, an toàn tài sản của nhân dân, đồng thời chăm sóc cho hơn 100 chú chó, mèo của các gia đình từ việc cho ăn, tắm vệ sinh cho các con vật…, khi các gia đình về nhìn thấy những con vật gắn bó với gia đình họ sau thời gian đi cách ly, mọi người rất xúc động cảm ơn lực lượng tổ đặc biệt đã thay họ chăm sóc những con vật rất ý nghĩa với họ.
--- 16:00:15 ---
Giao lưu với anh Trần Văn Quyết và anh Vũ Văn Tùng
MC: Những năm qua, công tác thi đua khen thưởng của TP Hà Nội không ngừng được đổi mới, nâng cao. Đặc biệt với sự chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng gương ĐHTT, NTVT, Hà Nội ngày càng có nhiều công nhân, nông dân, là những người lao động trực tiếp cũng được nhanh chóng phát hiện, tôn vinh, khen thưởng kịp thời; qua đó tạo sức lan tỏa rộng khắp. Anh Trần Văn Quyết, thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín và anh Vũ Văn Tùng, Tổ trưởng tổ "Chăm sóc và làm đẹp xe", Công ty Toyota Thanh Xuân là hai trong số những người lao động trực tiếp đáng quý như thế.
Thưa anh Quyết, dù chỉ học hết lớp 7 và không qua trường lớp đào tạo về cơ khí nhưng anh lại là tác giả của sáng chế "Máy cắt kính bán tự động mang nhãn hiệu Linh Sơn". Năm 2018 – 2019, chiếc máy cắt kính của công ty anh đã trở thành một sáng chế thu hút sự quan tâm của cộng đồng cũng như những người trong giới kỹ thuật, sáng chế bởi tính hữu dụng của nó. Bạn đọc Nguyễn Hoài Hương (đến từ Đắk Lắk) có gửi đến chương trình những lời quan tâm, ngưỡng mộ anh và mong muốn anh có thể chia sẻ nhiều hơn với bạn đọc về sáng chế này của mình được không ạ?
Anh Trần Văn Quyết trả lời:
Trước tiên, tôi có lời chào trân trọng đến các bác lãnh đạo cùng các phóng viên nhà báo và các bạn đọc.
Sự thật sáng chế đến với tôi đó là cái cơ duyên và sự đam mê.
Vào đầu năm 2011, tôi bắt tay vào làm cửa nhựa lõi thép, khi đó tôi mới được va chạm với kính an toàn mà còn gọi là kinh dán 2 lớp. Lúc đó thị trường kính dán cũng là rất mới.
Anh Trần Văn Quyết giao lưu tại chương trình
Tôi đã mua kính dán nguyên khổ về để cắt thành phần để lắp vào cửa. Nhưng đến khi cắt xong mặt trên, phải lật ngược lại để cắt mặt dưới vì là 2 lớp kính. Do đó, tôi mới thấy sự vất vả và nguy hiểm cho người công nhân. Tôi hỏi một số nhân viên các máy kính thì họ bảo bên họ vẫn cắt thủ công như thế. Khi đó, tôi nghĩ trong đầu là mình sẽ chế ra cái máy để cắt cho đỡ vất vả.
Đầu năm 2012, tôi bắt đầu mua thép, bắt tay vào chế tạo. Những lúc đó, tôi còn chưa biết đến hệ điều hành là gì và khi bước vào nghiên cứu tôi tưởng tượng ra một chiếc máy hoạt động rất hiệu quả.
Sau 2 năm nghiên cứu chế tạo, chiếc máy đầu tiên đã được đưa ra thị trường, được khách hàng đánh giá cao về hiệu quả nhưng còn về độ ổn định thì chưa đạt, vì vật tư thiết bị không đảm bảo được tuổi thọ.
Cho đến năm 2016 máy mới đảm bảo được chất lượng và đã cung cấp ra thị trường và phát triển hàng loạt. Năm 2019 đã xuất khẩu được chiếc máy đầu tiên sang thị trường Sơn Đông, Trung Quốc. Cho đến nay, máy cắt kính Linh Sơn của tôi đã có mặt trên trên thị trường các tỉnh thành toàn quốc.
MC: Không chỉ sáng tạo trong lao động, anh Quyết còn là người có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng quê hương Thường Tín phát triển. Tấm lòng với quê hương của anh thật đáng trân quý. Vậy anh có thể chia sẻ đôi điều về những đóng góp đã qua cũng như mong muốn, dự định sắp tới của anh dành cho quê hương Thường Tín yêu dấu của mình không?
Anh Trần Văn Quyết trả lời:
Tôi là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Đỗ Xá khi đã trưởng thành cũng mong muốn có chút phần xây dựng quê hương.
Vào thời điểm năm 2017, khi tuyến đường liên thôn từ Đỗ Xá đến ủy ban nhân dân xã bị xuống cấp trầm trọng, ổ gà, ổ voi nhiều, nắng thì bụi, mưa thì ngập. Đường đó lại là con đường dẫn cho trẻ em đến trường. Nhìn những giờ tan học, các em học sinh cấp một, cấp hai hàng ngày đi học qua đoạn đường đó rất vất vả và nguy hiểm. Nên tôi xin phép lãnh đạo xã và thôn cho tôi được tài chợ toàn bộ vật tư để làm cả tuyến đường.
Thi công xong trong năm 2017, đến đầu năm 2020, tôi thấy cái hồ duy nhất của làng bị ô nhiễm và rác thải bồi lấp, làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan. Tôi đã xin phép chính quyền và nhân dân cho tôi được đầu tư đổ bùn, cải tạo thành một hồ nước sạch để người lớn và trẻ em mùa hạ bơi lội. Mỗi ngày có gần 200 người lớn và trẻ em bơi lội ở hồ.
Gần đây, tôi đã ủng hộ lắp đặt hệ thống đèn vàng cảnh báo 8 hướng cho hầm cầu chui liên thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm vì đoạn đường này rất đông người qua lại, nhất là giờ tan học trước kia thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Sau 6 tháng lắp đặt hệ thống đèn, chưa có một vụ tai nạn nào xảy ra. Đó cũng là niềm vui khi mình làm được điều gì đó cho cộng đồng.
Giờ tôi chỉ có mong muốn đồng hành cùng lãnh đạo và nhân dân xin mở một con đường từ đình làng nối với đường 1A bằng tiền xã hội hóa. Tôi sẽ đóng góp một phần trong đó, để cho người dân đi lại đỡ vất vả vào giờ cao điểm và để phòng cho xe cứu hỏa lưu thông trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra.
MC: Thưa anh Tùng, được biết, ở Công ty Công ty Toyota Thanh Xuân, mọi người thường gọi anh với cái tên rất dễ mến đó là Tùng Kaizen? Có phải vì anh có nhiều sáng kiến kỹ thuật hay không? Anh có thể chia sẻ cùng quý vị đại biểu và bạn đọc về những sáng kiến khi anh làm việc tại Toyota Thanh Xuân không?
Anh Vũ Văn Tùng trả lời:
Thưa các quý vị đại biểu, quý độc giả.
Trước đây, khi mới được tuyển dụng vào công ty, công việc chính của tôi là lái xe và hỗ trợ tổ rửa xe.
Anh Tùng giao lưu tại chương trình
Những lúc lái xe của khách đưa vào khu bảo dưỡng, sửa chữa, tôi thường quan sát anh em làm nghề. Nhiều khi thấy mọi người loay hoay với một chi tiết khó, tôi hay lại gần tìm hiểu rồi cũng nêu ra ý tưởng, cùng họ tháo gỡ. Nhận thấy, anh em đa phần rất giỏi sửa chữa nhưng lại thiếu kỹ năng chế tạo, nên tôi thường nhận phần này giúp họ.
“Có lần thấy anh bạn đồng nghiệp loay hoay tháo hộp số xe ra sửa, nhưng trong hộp số có nhiều dầu nên khi cầm bằng tay rất trơn, rơi cả vào chân. Tôi đã suy nghĩ và chế tạo một thanh dài, bắt vào hộp số đó. Mỗi khi tháo lắp hộp số, người thợ có điểm tựa để cầm, tay không bị dính dầu và không sợ hộp số rơi vào chân nữa.
Rồi tôi giúp anh em chế tạo bộ đệm guốc phanh, hạn chế sự va chạm làm sút mẻ má phanh khi thực hiện tháo guốc phanh; chế tạo ghế đa năng khi tháo lắp, vệ sinh nội thất của xe ô tô… Đó đều là những chi tiết rất nhỏ, nhưng đã giúp được công việc của mọi người thuận lợi hơn nên cả tôi và mọi người đều rất vui. Hễ bộ phận nào có gì khó, cần ý tưởng, cần sự thay đổi, mọi người đều tìm đến tôi.. Bởi vậy, tôi mới được gọi với cái tên Tùng Kaizen, gắn với những sáng kiến, cải tiến hữu ích trong công việc.
MC: Được tặng danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô 2021, vậy anh có cảm xúc như thế nào?
Anh Vũ Văn Tùng trả lời:
Danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô là vinh dự rất lớn đối với bản thân tôi, là động lực và sức mạnh để tôi nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong công việc tiếp theo! Đặc biệt, danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô còn đặc biệt hơn nữa khi con gái tôi biết điều này. Con bé nói với tôi rằng: Con rất tự hào về bố! Tôi đã mang bằng khen, giấy khen và cả những bài báo viết về mình để ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà, giữ gìn như những kỷ vật vô giá đối với cuộc đời mình. Những công việc tuy bình dị, nhỏ bé hàng ngày của tôi đã được Toyota Thanh Xuân ghi nhận, được các cấp Công đoàn tôn vinh và khen thưởng. Đó là niềm hạnh phúc, tự hào của tôi!
MC: Đại diện của Công ty Toyota có suy nghĩ như thế nào về việc thành phố chủ động phát hiện gương lao động có nhiều sáng kiến và tôn vinh, khen thưởng người lao động?
Anh Nguyễn Văn Thức – Chủ tịch Công đoàn công ty Toyota Thanh Xuân trả lời:
Ban lãnh đạo Công ty Toyota Thanh Xuân nhận thấy, việc thành phố chủ động phát hiện gương lao động giỏi, nhiều sáng kiến và tôn vinh khen thưởng người lao động là một chủ chương đúng đắn nhân văn và ý nghĩa. Đây không chỉ tôn vinh cá nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo mà còn lan tỏa phong trào thi đua lao động sản xuất trong doanh nghiệp nói riêng và phát triển thi đua lao động các địa phương nói chung. Toyota Thanh Xuân xin cảm ơn Ban lãnh đạo Công đoàn các cấp, Ban Thi đua - Khen thưởng đã chú trọng và quan tâm đến người lao động của doanh nghiệp.
--- 16:15:15 ---
MC: Thưa các vị khách quý, chương trình Giao lưu trực tuyến của chúng ta đã diễn ra sôi nổi trong gần 2 giờ đồng hồ. Những chia sẻ của 6 điển hình NTVT và khách mời tham gia chương trình, thêm một lần nữa khẳng định sự đúng đắn trong từng lời căn dặn của Bác năm xưa: “Thêm mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp là thiết thực góp phần xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp trong xã hội, góp phần làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn”.
Chương trình nhận được hai lá thư tay được gửi đến với lời đề nghị cực kỳ ý nghĩa. Lá thư thứ nhất đến từ chị Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy. Chị có đề nghị rằng, Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy xin gửi tặng 1 suất học bổng trị giá 5 triệu đồng và 1 chiếc xe đạp để hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn của em Nguyễn Hoàng Ân, Trường Tiểu học Tây Tựu B.
Nội dung lá thư thứ 2 đến từ anh Vũ Văn Tùng, công ty Toyota Thanh Xuân. Anh mong muốn gửi tặng em Ân một bộ đồ chơi bằng gỗ, do chính tay anh thiết kế và lắp ghép với lời nhắn: Chúc em Ân mạnh khỏe và học tập tốt và luôn mạnh mẽ trong cuộc sống em nhé!
Chị Lan Phương và anh Tùng đã trao những phần quà ý nghĩa này đến em Ân.
Qua chương trình, Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy phối hợp với Tạp chí Thi đua Khen thưởng cũng gửi tặng 10 chiếc xe đạp cho 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Anh Vũ Văn Tùng tặng bộ đồ chơi bằng gỗ, do chính tay anh thiết kế và lắp ghép cho em Ân
Trao quà tại chương trình
Phần khen thưởng:
Trong năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định khen thưởng danh hiệu NTVT cho 2 cá nhân: Ông Trần Văn Quyết, thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín; bà Vương Tuyết Băng, giáo viên Trường Tiểu học Tây Tựu B, quận Bắc Từ Liêm.
Tại Chương trình, ông Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã trao danh hiệu NTVT cho 2 cá nhân.
Ông Đinh Việt Thắng, Phó Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho 2 cá nhân
BTC tặng hoa cho các điển hình tham gia giao lưu tại chương trình
Nhóm Phóng viên thực hiện