TĐKT - Luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác, thương người như thể thương thân, gần 20 năm nay là “thủ lĩnh” phong trào chữ thập đỏ ở khu dân cư số 10, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kiêu luôn sẵn lòng sẻ chia, giúp đỡ nhiều số phận thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, bằng tấm lòng chân thành và uy tín của mình, bà đã vận động được nhiều gia đình trong khu dân cư cùng tham gia Tổ Tâm thiện, chung tay lan tỏa yêu thương.
Từng có thời gian dài công tác trong ngành quân đội lại nhiệt tình, tốt tính nên khi về hưu, được vận động tham gia công tác chữ thập đỏ ở địa phương, bà Kiêu rất sẵn lòng. Công việc của một Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ dù không một đồng hỗ trợ, lại “ngốn” không ít thời gian nhưng bà luôn nhiệt huyết.
Bà cho biết, những buổi đầu nhận nhiệm vụ, để chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn, bà thường gửi gắm tấm lòng của mình theo các hoạt động của nhiều nhóm từ thiện khác nhau: Lúc thì 500 nghìn theo nhóm cháo phát tại bệnh viện; khi thì 1 triệu cho học sinh vùng cao; có lúc vận động thêm cả con cháu hoặc một số nhà hảo tâm được cả vài triệu đồng cho đồng bào vùng lũ... Cứ thế, bà bị cuốn theo các hoạt động thiện nguyện, bén duyên với vai trò là chiếc cầu nối nhân ái.
Bà Nguyễn Thị Kiêu, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu dân cư số 10, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Tuy nhiên, bà nhận thấy, người dân ở khu dân cư số 10 rất chân thành và tình cảm, đa số là những người công tác trong ngành quân đội nên sự yêu thương đùm bọc, tình đồng chí, đồng đội và trách nhiệm xã hội được mọi người đề cao. Họ luôn sẵn lòng hỗ trợ nếu ai đó cần... Mong muốn xây dựng một mô hình nhân đạo riêng của khu dân cư, năm 2017, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu dân cư số 10, bà Kiêu đã mạnh dạn đứng ra họp các chi hội lại để thành lập Tổ Tâm thiện.
Đầu tiên Tổ Tâm thiện chỉ có 9 người tham gia, trong đó gia đình bà có 3 người, mỗi tháng ba mẹ con bà đóng 200 nghìn đồng/người, còn lại các thành viên khác người 50 nghìn, người 100 nghìn.
Với suy nghĩ “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, sự quan tâm, giúp đỡ được Tổ Tâm thiện ưu tiên cho việc thăm hỏi, động viên và hỗ trợ những đối tượng khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, các cháu mồ côi, khuyết tật ngay ở khu dân cư của mình. Sau 3 tháng thành lập, lần đầu tiên, dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Tổ Tâm thiện đã tổ chức tặng quà cho các hộ khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo với 22 suất quà trị giá 15,5 triệu đồng, góp phần làm ấm áp thêm không khí Xuân ở khu dân cư số 10.
Bà Nguyễn Thị Kiêu cùng đoàn thiện nguyện gửi gắm tấm lòng của mình và của những mạnh thường quân khác đến đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2020.
Thấy các hoạt động của Tổ Tâm thiện thiết thực và nhân văn, ngày càng có nhiều hội viên tham gia. Năm 2017, số thành viên trong Tổ Tâm thiện tăng lên 42 người. Do đó, nguồn quỹ hỗ trợ cũng dần lớn lên, số lượng người được hỗ trợ vì thế cũng tăng lên, tạo không khí đầm ấm, gắn bó trong khu dân cư. Bất kỳ gia đình nào có việc đột xuất như đau ốm, đi viện, không may gặp hoạn nạn, Tổ Tâm thiện cũng sẵn sàng đến thăm hỏi, động viên; đồng thời trích ra một phần quỹ để hỗ trợ. Bà Kiêu bảo: “Của ít, lòng nhiều. Chủ yếu là động viên nhau về tinh thần, giúp mọi người có khó khăn thêm động lực để vươn lên. Chứ tiền thì không có nhiều.”
Năm 2017, Tổ cũng đã tặng 21 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo trị giá 9,1 triệu đồng. Năm 2018, Tổ đã thăm hỏi, tặng 15 suất quà trị giá 7, 6 triệu đồng. Năm 2019, tổ đã thăm hỏi, tặng 36 suất quà trị giá 15,1 triệu đồng cho người bị mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ khuyết tật… tại địa phương...
Bà Kiêu vui mừng: Vui nhất là, đến nay ngày càng có nhiều gia đình tham gia cả nhà, đều đặn đóng góp những đồng tiền tiết kiệm nhỏ bé của mình vào Tổ Tâm thiện, mang niềm vui đến cho người khác. “Hiện đã có gần 50 gia đình có nhiều thế hệ trong khu dân cư tham gia Tổ tâm thiện. Ai cũng đóng góp, có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, người có 5 trăm, 1 triệu, người có mấy chục nghìn nhưng tích tiểu thành đại, tôi đều nhận và ghi chép, tổng hợp lại đầy đủ.”– Bà Kiêu chia sẻ.
Ông Hàn Ngọc San, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 10 cho biết: “Bà Kiêu ở đây được lòng bà con lối phố lắm. Lòng nhiệt tình và nhân ái của bà, cả khu ai cũng biết, không chê vào đâu được. Bà là người cực kỳ có trách nhiệm, có việc gì đột xuất ở khu này cũng không vắng mặt bà và các thành viên Tổ Tâm thiện. Bằng tấm lòng nhân ái của mình, bà đã đưa phong trào Chữ thập đỏ trở thành một trong những phong trào nòng cốt ở địa phương”.
Ông San vẫn nhớ như in trường hợp con trai gia đình bà Thu ở trong khu dân cư, do gia đình khó khăn nên dù biết mình có bệnh nhưng không đi khám hay chữa trị thường xuyên. Đến khi biến chứng, phải đi cấp cứu, gia đình cũng chỉ có vài trăm nghìn đồng. “Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, bà Kiêu đã vận động các thành viên trong Tổ Tâm thiện cũng như người dân trong khu dân cư số 10, mỗi người một ít góp lại. Thế là chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, bà đã quyên góp được 6 triệu đồng, giúp con trai bà Thu được cấp cứu kịp thời và được cứu sống. Hiện nay, anh đã lấy vợ và có hai đứa con.”
Ngoài các hoạt động của khu dân cư, Tổ Tâm thiện còn vươn đi xa, hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi miền đất nước. Khi đồng bào huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bị sạt lở đất, Tổ tâm thiện đã trích 5 triệu đồng cùng với Hội Chữ thập đỏ phường trao đến tay những người dân bị ảnh hưởng. Riêng bản thân bà tặng 2 suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Năm 2017, Tổ đã trích 5 triệu đồng góp vào với Hội Chữ thập đỏ của phường để đi từ thiện ở Thái Nguyên. Năm 2018, Tổ ủng hộ đồng bào nghèo ở Lào Cai, Sơn La 5 triệu đồng; ủng hộ xã Sơn Lương, Văn Chấn, Yên Bái 6 triệu đồng. Năm 2019, tổ đã ủng hộ đồng bào ở Mường Lát, Thanh Hóa 5 triệu đồng; ủng hộ học sinh ở trường Tiểu học và Mầm non xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu 6 triệu đồng.
Bà Kiêu bảo: “Tổ Tâm thiện cũng vừa ủng hộ đồng bào miền Trung 5 triệu đồng. Ngày mai, tôi được các thành viên trong Tổ cử đi đại diện để trao quà đến bà con.”
Vừa rảo bước nhanh, vừa trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Kiêu trên một đoạn đường ngắn trong khu dân cư số 10, chúng tôi có dịp cảm nhận rõ hơn về tình cảm của những người dân ở khu dân cư số 10 dành cho bà. Cô bán hàng xén đang ngồi nhặt dưa, thấy bà đi qua vội đánh ánh mắt và nở nụ cười tươi chào chị “Đi đâu đấy chị Kiêu?”. Cô thợ may đang cặm cụi với đường kim mũi chỉ, thấy bóng bà lướt qua cũng vội chào: Cô Kiêu ơi, khu dân cư có việc gì vui à? Rồi cả một anh bộ đội trẻ tuổi, thấy bà Kiêu từ xa, đã nở nụ cười tươi rồi cất tiếng chào lễ phép...
Bà Kiêu bảo: “Người với người sống là để yêu thương nhau. Vì vậy, còn sức khỏe, tôi vẫn còn tham gia công tác nhân đạo này”. Thiết nghĩ, cuộc sống của chúng ta hôm nay cần nhiều lắm những tấm lòng như vậy. Với những thành tích đó bà Kiêu đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020.
Mai Thảo