TĐKT - 3 lần hoãn cưới, nhiều lần gọi điện về cho gia đình và người yêu mà giọt nước mắt luôn trực chờ nhưng không dám rơi bởi bản thân Sơn sợ những người thân yêu bên cạnh mình sẽ lo lắng, nao núng tinh thần. Đinh Quang Sơn – chàng Thiếu úy, quân nhân trẻ sinh năm 1995 tự nhận mình là một người may mắn khi nhận được sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo và sự tin yêu của quần chúng nhân dân trong giai đoạn nhận nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 vô cùng cam go, phức tạp.
Đảm nhận nhiều vị trí
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Thông tin, chàng chiến sĩ Đinh Quang Sơn được phân về công tác tại Ban Hậu cần – Kỹ thuật, Ban CHQS quận Thanh Xuân với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và mang trên vai trách nhiệm của một người lính.
Thời điểm cả nước chung tay phòng, chống dịch, các chiến sĩ áo xanh là lực lượng tuyến đầu hỗ trợ nhân dân giữ vững “thành lũy”, qua giai đoạn phòng dịch, các chiến sĩ ấy lại đồng hành cùng nhân dân chống dịch, vượt dịch. Từ tháng 8 - 11/2021, Sơn được phân công nhiệm vụ phụ trách tại khu cách ly Bệnh viện Than - Khoáng sản, vừa chăm sóc đời sống nhân dân vừa phải kịp thời nắm bắt các chủ trương phòng, chống dịch đồng thời hỗ trợ phát phiếu đi chợ, hỗ trợ test nhanh, tiêm chủng cho công dân. Khu cách ly đi vào vận hành ổn định và bàn giao cho nhân sự mới, Sơn được rút về khu cách ly tòa nhà A1 Kim Giang.
Chân dung Thiếu úy Quân nhân Đinh Quang Sơn ngoài đời thường
Đúng lúc này số ca dương tính tại Hà Nội liên tục tăng cao, tình hình dịch Covid-19 tại quận Thanh Xuân cũng trở nên phức tạp với nhiều F0, F1. Các lực lượng chức năng phải rất khẩn trương phối hợp liên hoàn để vận hành công tác hỗ trợ công dân. Những tổ y tế cộng đồng phát huy hết tác dụng, khắp các đường ngang ngõ tắt được chăng dây, kiểm soát ra vào, nhằm kịp thời phát hiện, khoanh vùng và đưa công dân đi cách ly, điều trị y tế.
Nằm trong guồng quay đó, Sơn tiếp nhận điểm cách ly mới với hành trang vẻn vẹn là kinh nghiệm vận hành khu cách ly cũ, chung tay đợt này với Sơn còn có 4 đồng chí dân quân hỗ trợ. Nhớ lại thời điểm đó, đến nay Sơn vẫn chưa hết choáng ngợp bởi những gì đã diễn ra. Sơn cho biết: Khi cao điểm, số lượng công dân phải cách ly lên đến gần 500 người. Sơn cùng các đồng chí hỗ trợ đảm nhận một lúc nhiều vị trí với khối lượng công việc rất lớn, song không vì vậy mà ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống dịch.
Tiếp nhận công dân, phân tầng, báo cơm, dọn rác, chăm sóc công dân… là những công việc được lặp đi lặp lại trong suốt thời gian đó của Sơn và các đồng đội. Bởi số lượng công dân tiếp nhận đông, lại thêm lịch sử dịch tễ thường rất phức tạp, Sơn vừa đóng vai trò phân tầng, vừa sắp xếp phòng.
Sơn cho biết: “Nhiều khi vừa tiếp nhận công dân, bố trí phòng, sắp xếp chỗ ở xong thì lại nhận được kết quả dương tính của công dân. Do vậy lại phải làm công tác khử khuẩn, sắp xếp giấy tờ đưa công dân đến khu điều trị”.
Công việc cứ lặp đi lặp lại, thông thường việc nhận công dân sẽ được kết thúc vào lúc 14 - 15h, sau đó là giờ báo cơm, phát cơm cho công dân, thu rác… mọi việc vừa xong vào khoảng 2 - 3 rưỡi sáng lại đến giờ xe nhận rác đến thu gom. Đến tầm 4 - 5h sáng, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân sẽ báo những mẫu test dương tính, Sơn lại chuẩn bị giấy tờ chuyển công dân đi tiếp nhận điều trị; hỗ trợ ăn sáng, lấy mẫu test… vậy nên thời gian chợp mắt nghỉ ngơi là rất ít.
Chưa kể, trong khu cách ly có người già, trẻ nhỏ và cả những người lớn ăn uống không hợp khẩu vị. Có những cụ già vào khu cách ly sức khỏe quá yếu, Sơn đã phải bế các cụ về phòng và thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ vận chuyển thức ăn từ gia đình gửi đến các cụ. Với trẻ nhỏ cần đồ ăn riêng, Sơn nhiệt tình tiếp nhận đồ ăn từ gia đình gửi đến. Sơn kể, “nhiều khi vừa nhận đồ mang lên phòng lại có người khác cũng gửi đồ đến phòng đó làm đội hỗ trợ chúng em chạy vã môi hôi. Thú thực là rất mệt nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ chối vì biết gia đình họ cũng mong chăm sóc tốt cho người thân mình”.
Theo quy tắc, Sơn và những dân quân khác có quyền từ chối việc tiếp nhận đồ ăn từ bên ngoài đưa vào bởi nhiều khi là cốc trà sữa, gói đồ ăn vặt, thế nhưng nghĩ thấu đáo thì đó cũng là một cách động viên tinh thần của những người bên ngoài dành cho những người bên trong khu cách ly nên Sơn lại động viên anh em cùng cố gắng.
Đến giờ cơm, điện thoại lại reo lên liên tục, phòng xin thêm cuộn giấy, phòng yêu cầu chai nước… Đôi đũa vừa cầm lên lại đặt xuống; cứ thế, vài lần nhấp nhổm, hộp cơm trên tay nguội ngắt được đóng lại; chỉ trong 1 tháng Sơn sút gần 8kg. Việc vệ sinh cá nhân của Sơn cũng gần như được diễn ra tranh thủ…
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Những ngày cả nước căng mình chống dịch, quần áo bảo hộ còn thiếu thốn, do vậy mỗi lần tiếp xúc công dân phải thay đồ bảo hộ, Sơn nghĩ phương án kết nối zalo giữa các phòng tạo thành nhóm, mỗi phòng cử một công dân trẻ nhất đại diện tương tác với nhóm lực lượng hỗ trợ để tập hợp các yêu cầu sau đó hỗ trợ theo giờ vừa đảm bảo nhanh chóng kịp thời lại vừa tiết kiệm được quần áo bảo hộ. Sơn hồ hởi khoe, “nhờ thực hiện tốt công tác 5K, khử khuẩn đầy đủ, em không bị nhiễm Covid-19 trong suốt thời gian phụ trách tại khu cách ly”.
Sơn trong bộ đồ bảo hộ thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly.
Sơn tâm sự, “thời gian 4 tháng phụ trách tại khu cách ly kéo dài đằng đẵng như mấy năm, mỗi lần gọi điện về nhà em đều phải kiềm chế cảm xúc để động viên gia đình”. Ngay cả việc cưới xin của Sơn dù đã được định ngày nhưng cũng đến 3 lần phải hoãn vì dịch bệnh còn phức tạp, nhiệm vụ được giao của Sơn chưa hoàn thành.
Hỏi về cảm xúc những ngày làm nhiệm vụ, Sơn thẳng thắn đáp, “có những lúc chúng em rất tủi thân và chạnh lòng. Công dân yêu cầu phòng đẹp, giường đẹp thậm chí phản ứng gay gắt khi chưa kịp đáp ứng nhu yếu phẩm hay kể cả khi cơm không hợp khẩu vị cũng có nhiều lời nặng nhẹ, quát nạt”. Dù vậy, Sơn đã rất bình tĩnh, động viên công dân và xử lý chu toàn. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Sơn còn rất linh hoạt trong việc phối hợp với các lực lượng hỗ trợ liên quan như y tế, rác thải, thực phẩm… với việc xử lý giấy tờ cách ly cho công dân, vừa đảm bảo đúng quy định, vừa nhanh chóng.
Kết thúc đợt cách ly, nhiều công dân cảm kích tặng bánh, tặng sữa, thậm chí nhiều người nhìn thấy được sự vất vả của Sơn còn chủ động tặng tiền, song Sơn đã khéo léo từ chối. Sơn cho biết “em trân quý tất cả tình cảm và vô cùng cảm ơn sự thấu hiểu, sẻ chia của công dân nhưng đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của những người lính chúng em”. Bằng những nỗ lực của mình, Thiếu úy Đinh Quang Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2021, anh được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác phòng, chống Covid-19.
Phượng Lê