Điểm tựa để doanh nghiệp UDIC chuyển đổi số nhanh hơn
03/10/2022 - 14:15

TĐKT - Không chỉ đón đầu xu hướng ứng dụng công nghệ BIM hiệu quả, anh Hoàng Thanh Long - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ - Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị - UDIC còn chủ động nghiên cứu cải tiến, lập trình nhiều công cụ tự động hóa trên nền tảng BIM, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý chi phí và chất lượng thi công tại các công trình xây dựng mà UDIC phụ trách. Long và những sáng kiến về công nghệ thông tin của anh trở thành nhân tố quan trọng, giúp UDIC chuyển mình nhanh hơn trong công cuộc chuyển đổi số.

Đam mê lập trình các công cụ tự động hóa trên nền tảng Bim

Anh Long cho biết, anh biết đến công nghệ BIM từ năm 2010, khi anh đang tìm kiếm sự mới mẻ chuẩn bị cho Đồ án tốt nghiệp Đại học Xây dựng của mình. Lúc đó, công nghệ BIM gần như chưa xuất hiện ở Hà Nội mà mới manh nha được áp dụng trong một số công trình xây dựng tại TP Hồ Chí Minh. Truyền hình HTV4 thời điểm đó đã truyền thông và triển khai dạy công nghệ này trên sóng, Long thấy hay và tự học theo từ đó. Năm 2012, anh đã áp dụng được công nghệ BIM vào công trình xây dựng ngôi nhà của chính gia đình mình.

Hoàng Thanh Long (thứ 4 từ phải sang) tham dự hội thảo tại trụ sở hãng Autodesk tại Singapore

BIM (Building Information Modeling) là công nghệ mới, được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số, đang được áp dụng rộng rãi trong ngành Xây dựng ở nhiều quốc gia. BIM được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành Xây dựng. Đó là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho cả vòng đời công trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng đến vận hành, bảo trì và tháo dỡ công trình. Toàn bộ dữ liệu liên quan đến các hoạt động này được lưu trữ, khai thác thông qua mô hình thông tin thống nhất và được liên kết với nhau. Do đó, áp dụng công nghệ BIM sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi, hợp tác giữa các bên tham gia, tối ưu hóa việc thiết kế, thi công và quản lý công trình.

Bởi vậy, kể từ khi đầu quân vào Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị - UDIC ở vị trí nhân viên Phòng Đầu tư phát triển năm 2011, Long đã có những tư duy rất mới trong cách làm việc. Anh chủ động nghiên cứu và tự triển khai công tác lưu trữ điện tử hồ sơ xây dựng giúp cho công tác lưu trữ hồ sơ công việc của mình luôn luôn thuận lợi khi cần tra cứu. Bên cạnh đó, anh thường xuyên nghiên cứu, học hỏi các anh chị đồng nghiệp về các văn bản, tài liệu pháp luật để hoàn thiện kiến thức về ngành xây dựng cho bản thân.

Long cho rằng: Số hóa các tài liệu sẽ là một xu hướng phát triển tất yếu với tất cả các ngành và ngành Xây dựng sẽ không ngoại lệ. Công nghệ BIM là 1 phần trong chuyển đổi số vì nó có thể tích hợp được các dữ liệu liên quan đến công trình vào một mô hình ảo; các dữ liệu về công trình được lưu trong đó, nếu muốn trích xuất ra rất tiện. Thay vì mất nhiều thời gian tìm kiếm tài liệu hồ sơ giấy được lưu kho thì với mô hình công nghệ lưu trữ thông tin tổng hợp một chỗ, có thể tra cứu thông tin rất nhanh, chính xác.

Năm 2017, Văn phòng Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị - UDIC thành lập Phòng Công nghệ BIM. Với lợi thế từng nghiên cứu, hiểu biết và ứng dụng công nghệ BIM, nên Long tiếp cận rất nhanh. Từ một nhân viên phòng công nghệ BIM bình thường, năm 2018, Long được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng. Bên cạnh hướng dẫn để các đồng nghiệp cùng tiếp cận; sử dụng thành thạo phần mềm, Long còn chủ động nghiên cứu sâu hơn nền tảng công nghệ này và lập trình ra nhiều công cụ cải tiến tự động hóa góp phần tăng năng suất lao động rõ rệt.

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR trong diễn họa căn hộ mẫu

Long giải thích: Bình thường trước đây, thi công một công trình chỉ dựa vào bản thiết kế 2D. Tuy nhiên, giữa bản vẽ này với bản vẽ kia có thể không phù hợp với nhau. Lúc thi công nếu có những bất cập thường phải mất nhiều thời gian để xử lý, vừa tốn kém lại ảnh hưởng đến tiến độ. Khi áp dụng mô hình công nghệ BIM, các công trình đó sẽ được anh và các kỹ thuật viên dựng và “thi công” trước trên máy tính. Nếu có các xung đột về kiến trúc hay kết cấu công trình không khớp với các thiết kế điện nước, đường ống,.. gây ra các va chạm, gây tổn thất thì phần mềm có thể phát hiện giúp chúng ta khắc phục trước khi thi công thực tế. Bởi vậy, tốc độ thi công công trình nhanh hơn hẳn và đảm bảo chất lượng, tiết kiệm tối đa chi phí.

Điểm tựa để doanh nghiệp UDIC chuyển đổi số nhanh hơn

Vào thời điểm tháng 7/2021, Phòng Công nghệ BIM sáp nhập vào Phòng Kỹ thuật Công nghệ và tham gia quản lý thi công. Tất cả nhân sự ở Phòng Công nghệ Bim được điều động trực tiếp đến các công trường, làm nhiệm vụ quản lý thi công; Long là Phó trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ được giao nhiệm vụ là người quản lý, điều hành đội ngũ này. Trong điều kiện dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, để điều hành công việc từ xa, anh đã chủ động ứng dụng các công nghệ hội họp trực tuyến, mạng riêng ảo và các công cụ khác hỗ trợ làm việc từ xa một cách hiệu quả.

Đặc biệt, trong quá trình 1 năm sang lĩnh vực quản lý thi công, Long nhận thấy lượng công việc xử lý hàng ngày rất nhiều. Anh đã hướng tới việc số hóa tài liệu, đưa ra yêu cầu, hướng dẫn các đồng nghiệp khác lưu trữ hệ thống văn bản một cách bài bản, phân chia theo tính chất công việc, từ đó có thể sử dụng tra cứu trong máy tính rất nhanh, giúp quá trình xử lý công việc về mảng quản lý chi phí và chất lượng thi công tại công trường đạt hiệu quả cao nhất.

Với những nỗ lực tiếp cận quan trọng, đúng hướng, kịp thời đó, đến nay, Long cùng các đồng nghiệp Phòng Công nghệ BIM (nay thuộc Phòng Kỹ thuật Công nghệ) đã thực hiện nhuần nhuyễn việc dựng mô hình và kiểm soát va chạm nhiều loại hình công trình khác nhau, từ các công trình xây dựng cao hàng mấy chục tầng, với hàng trăm căn hộ và nhiều tầng hầm tới các công trình công cộng như trường học, bệnh viện; đồng thời hỗ trợ kiểm soát tốt các xung đột thiết kế, bóc tách khối lượng phục vụ đấu thầu và thanh quyết toán, triển khai các bản vẽ shop drawing… đem lại hiệu quả cao trong quản lý điều hành của đơn vị.

Ứng dụng công nghệ BIM trong quản lý xây dựng

Nhiều năm nay, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị - UDIC luôn tự hào là một trong số ít các đơn vị thi công có uy tín, đủ năng lực để thi công các công trình xây dựng cao trên 50 tầng và có nhiều tầng hầm. Hiện tại, đa số các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty UDIC đã áp dụng công nghệ tin học vào quá trình quản lý điều hành sản xuất như phần mềm tính dự toán, lập và theo dõi tiến độ thi công, quản lý tài chính, thiết kế, quy hoạch, ý tưởng kiến trúc… tất cả các đơn vị đã hòa mạng nội bộ, kết nối internet và lập website riêng.

Anh Võ Hoàng Hiệp, một đồng nghiệp trẻ nhận định: Anh Long thực sự là tấm gương tự học, tự sáng tạo và đam mê với công việc. Anh thường xuyên đóng góp nhiều ý kiến, tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo về các phương án xử lý công việc cũng như các hướng nhìn khác, mới mẻ và hiện đại hơn. Đặc biệt, anh luôn tìm tòi, tự khám phá nghiên cứu áp dụng công nghệ hiệu quả vào các công việc của mình để cải tiến hiệu suất công việc. Đồng thời, thường xuyên truyền lửa đam mê công nghệ, hướng dẫn nhiệt tình giúp đồng nghiệp cùng phát triển hơn trong công việc. Anh là nhân tố quan trọng, giúp UDIC chuyển mình nhanh hơn trong công cuộc chuyển đổi số.

Mới đây, với vai trò Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ, Long được giao phụ trách quản lý về mảng thương hiệu, công nghệ thông tin và đặc biệt là phụ trách mảng “Phát triển khoa học và công nghệ” của Tổng Công ty. Long chia sẻ, rất vui vì Tổng Công ty đã quan tâm đầu tư thích đáng, trích 3 - 10% lợi nhuận hàng năm dành cho Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, tạo cơ hội để những người có đam mê, sáng kiến, sáng tạo phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển chung của Tổng Công ty.

“Tôi sẽ nỗ lực hết mình, cùng các đồng nghiệp học hỏi, xây dựng môi trường làm việc sáng tạo, ứng dụng hiệu quả công nghệ, cùng chung tay đưa UDIC chuyển mình nhanh hơn trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bắt kịp xu thế của thời đại 4.0” - Hoàng Thanh Long chia sẻ.

Mai Thảo